![]() |
Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016. Ảnh : Văn Bình - cổng TTĐT. |
Trình bày báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 trước QH, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Phan Văn Sáu đánh giá, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi.
Theo báo cáo của TTCP trong năm 2015 tổng số người đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập là 1.004.231 người và qua xác minh chưa phát hiện trường hợp vi phạm kê khai không trung thực. Tuy nhiên báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga trình bày nhận xét: “Qua phản ánh của dư luận và báo chí cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực”.
Trong phiên thảo luận tại nghị trường, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) phản ánh ngày càng nhiều dự án đầu tư hàng nghìn tỉ chịu cảnh “đắp chiếu” như đạm Ninh Bình, thép Thái Nguyên... với những giải thích “đầu tư đúng quy trình” chỉ là do công nghệ lạc hậu, do xa vùng nguyên liệu… Đáng chú ý, thu hồi tài sản lại không đáng là bao so với số tiền thất thoát. ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh đã đặt câu hỏi ngàn tỉ tham nhũng đã đi đâu, được dùng vào việc gì, ai đã nhận nó vẫn là câu hỏi của nhân dân chờ các câu trả lời từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu không biết tiền đã đi đâu thì làm sao thu hồi được, làm sao diệt tham nhũng được tận gốc.
Cũng theo ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh, cán bộ, công chức có tài sản phải chứng minh sự trong sạch tài sản của mình, nếu không chứng minh được phải coi đó là tài sản do tham nhũng mà có. Mọi cán bộ công chức, viên chức phải chịu sự kiểm soát tài sản của mình.
Cùng đó, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng cho biết, ông hết sức trăn trở, phải chăng có tình trạng tham nhũng chồng tham nhũng. Thậm chí cơ quan chống tham nhũng có khả năng bảo vệ, bao che cho tham nhũng. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) cho rằng tham nhũng đặt lên người dân và DN một áp lực rất lớn, thậm chí bất bình. Người dân ở tư thế phải chịu đựng, không thể coi đó là mặc nhiên được.
ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cũng phân tích người tham nhũng là cán bộ có chức có quyền, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, tính nghiêm minh trong xử lý chưa cao; cán bộ, đảng viên, nhân dân còn thiếu niềm tin vào công tác ở một số cơ quan chức năng của địa phương. Đồng thời đề nghị tham nhũng chính từ ta, từ đồng chí, đồng đội của ta nhưng một khi ta hay đồng đội tham nhũng thì pháp luật và tổ chức phải xử lý cứng rắn.
Theo Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, năm 2016 đã phát hiện khởi tố điều tra 1.284 vụ tội phạm kinh tế tham nhũng, 2.025 bị can về tội phạm xâm phạm quản lý, xâm phạm trật tự xã hội kinh tế, 182 vụ, 374 bị can tội phạm tham nhũng... Qua điều tra cho thấy hành vi của các loại tội phạm này ngày càng tinh vi, nhất là trên các lĩnh vực tài chính ngân hàng, thuế, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai... |
Minh Hạnh
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/tham-nhung-dang-dien-bien-phuc-tap-44515.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này