Hiểm họa từ đường ngang dân sinh

10:05 | 28/10/2016
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt những vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Điều đáng nói, phần lớn những vụ tai nạn này bắt nguồn từ những đường ngang dân sinh.
hiem hoa tu duong ngang dan sinh Thêm một vụ tai nạn đường sắt do đường ngang dân sinh
hiem hoa tu duong ngang dan sinh Thêm một vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng

Dọc tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua địa bàn Hà Nội chỉ trong một thời gian ngắn đã xảy ra liên tiếp những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm nhiều người chết và bị thương. Những vụ tai nạn này phần lớn đều bắt nguồn từ việc lái xe băng qua đường sắt nhưng không chú ý đến biển báo và quan sát đoàn tàu đang đi qua. Theo ghi nhận của phóng viên tại các đoạn đường sắt chạy qua địa bàn huyện Thanh Trì và Thường Tín (nơi vừa xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng làm 6 người chết rạng sáng 24/10) có rất nhiều đường ngang lớn, nhỏ không có rào chắn cũng như nhân viên gác ghi túc trực.

hiem hoa tu duong ngang dan sinh

Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở huyện Thường Tín sáng 24/10.

Cùng với đó, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn kém. Dù có sự cảnh báo của nhân viên gác ghi khi tàu hỏa đang lao đến nhưng nhiều người vẫn liều mạng, cố tình băng, cắt ngang qua đường sắt. Dọc các tuyến đường sắt này, việc sinh hoạt buôn bán ngay sát cạnh hai bên đường cũng khiến cho tình hình giao thông trở lên phức tạp. Nhiều đoạn, người dân tháo rào chắn, ngay tại điểm biển báo dành cho người đi bộ vô tình tạo nên sự nguy hiểm chết người. Thậm chí, có những chỗ còn không có biển báo "Chú ý tàu hỏa" để người điều khiển phương tiện quan sát khi qua đường tàu.

Theo thống kê mới nhất của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), toàn hệ thống đường sắt quốc gia có 1.514 đường ngang hợp pháp, trong đó, có 641 đường ngang có người gác, 366 đường ngang có cảnh báo tự động (bằng chuông, đèn trước khi tàu đi qua), 507 đường ngang có biển báo. Bên cạnh đó, cả nước còn 4.302 lối đi dân sinh, đường ngang tự phát do dân mở để đi qua đường sắt. Cộng với số đường ngang cảnh báo bằng đèn, còi tín hiệu, biển báo nêu trên, số điểm giao cắt với đường sắt không có người gác lên đến 5.165 điểm. Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, để duy trì một đường ngang cần có 3-5 công nhân thay ca nhau 24/24 giờ. Tiền lương, chi phí điện, nước... cho trạm gác chắn trung bình 600 triệu đồng/năm/trạm. Chính vì chi phí cao nên không thể đường ngang nào cũng có gác chắn. Cũng có trường hợp địa phương, cá nhân, tập thể tự phát lập, vận hành rào chắn nhưng các trạm này nằm ngoài danh sách các rào chắn phải bố trí người gác chắn chính thức. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lập khoảng 600 cần chắn và dàn chắn tự động. Tuy nhiên, đến nay mới lắp được gần 100 điểm do việc thẩm định công nghệ cửa chắn tự động chưa xong và thiếu vốn triển khai.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 24/10/2016, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã ký Công điện số 50/CĐ-BGTVT điện khẩn Cục Đường sắt Việt Nam; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Sở GTVT các tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt đi qua về tăng cường các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, ATGT tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Theo Công điện, trong 9 tháng đầu năm 2016, tình hình trật tự ATGT đường sắt cơ bản được kiềm chế cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, trong tháng 10/2016, tình hình TNGT đường sắt diễn ra khá phức tạp… Để chấn chỉnh tình trạng này Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương triển khai, thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua trong việc đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt. Đồng thời, tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác lại các đường ngang và lối đi dân sinh có nguy cơ cao xảy ra TNGT, trong đó tập trung xây dựng thiết bị cảnh báo tại đường ngang như: cần chăn, dàn chắn tự động, gờ giảm tốc tại đường ngang và hoàn thiện hệ thống đường gom, hàng rào cách ly. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức rà soát các vị trí đường ngang giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có nguy cơ xảỵ ra tai nạn cao để cắm bổ sung biển báo (Chú ý tàu hỏa) và cương quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép qua đường sắt và có các biện pháp khắc phục các sự cố, TNGT đường sắt trong khu vực mình quản lý.

Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo lực lượng Thanh tra đường sắt phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố có đường sắt và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, phân tích, xác minh nguyên nhân các vụ tai nạn và xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT đường sắt và có các giải pháp cụ thể đối với từng vị trí mất an toàn. Bộ GTVT cũng yêu cầu các Sở GTVT có đường sắt đi qua tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, đặc biệt là xử lý tình trạng mở đường ngang trái phép qua đường sắt, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, tình trạng vi phạm các quy định pháp luật khi điều khiển phương tiện qua đường ngang, đường sắt và xử lý nghiêm đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm các quy định pháp luật về bảo đảm TTATGT đường sắt. Đồng thời, các Sở GTVT có đường sắt đi qua tăng cường phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai, thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua trong việc đảm bảo TTATGT tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt; tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang và lối đi dân sinh có nguy cơ cao xảy ra TNGT…

Tuy nhiên, các biện pháp của ngành giao thông khó đạt kết quả mong đợi nếu người dân vẫn chưa có ý thức tự bảo vệ tài sản và tính mạng của bản thân mình.

Thanh Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này