Những điều trông thấy mà...

14:26 | 23/10/2014
LĐTĐ -Ngày 21/10, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế- xã hội năm 2014, mục tiêu, các giải pháp năm 2015.

Bàn về lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhiều vị đại biểu QH thẳng thắn nhận xét: Lĩnh vực này nói thay đổi quá nhiều mà đến nay vẫn chưa thấy mới. Những điểm nghẽn của nền giáo dục đào tạo nước nhà làm ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Bức xúc đến mức, đại biểu Trần Quốc Tuấn ở đoàn Trà Vinh nêu câu hỏi: Tại sao ta đào tạo được rất nhiều  tiến sỹ nhưng lại không làm được con ốc vít?”.

Cái bức xúc của đại biểu chính là việc vừa qua rất nhiều đại gia trong ngành công nghệ cao như Intel, Samsung đầu tư nhiều dự án khổng lồ tại Việt Nam song khi đi tìm các đối tác trong nước cung cấp linh kiện phụ trợ như ốc vít thì không được. Cũng liên qua đến con ốc vít, đại diện đoàn Bắc Ninh nơi đặt nhà máy sản xuất của hãng Samsung thông báo chỉ riêng sản phẩm do hãng này sản xuất đã chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, song phần lớn mặt hàng phụ trợ phải nhập từ nước ngoài.

Thậm chí nhiều đại biểu còn nói các hãng điện tử, công nghệ đa phần phải nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra dẫn chứng: Trong khi số linh kiện, phụ liệu nội địa cung ứng cho sản xuất công nghiệp thì Trung Quốc và Thái Lan chiếm 50% - 60%, Việt Nam chỉ chiếm 27,8% , nên giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam thấp - chỉ từ 15% đến 30%. Vì công nghiệp phụ trợ yếu kém, hàng năm các ngành điện - điện tử, dệt may - da giày, thép, cơ khí chế tạo phải mất 70 tỷ USD để nhập khẩu linh phụ kiện.

Đào tạo là để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng và phục vụ con người. Song đang có một nghịch lý biết mà chưa có chuyển biến là hàng năm chúng ta vẫn “cho ra lò” cả ngàn tiến sỹ, thạc sỹ trong khi chính những thứ đơn giản nhất như ốc vít, cục sạc điện thoại ta vẫn chưa sản xuất nổi.

Tuệ Giang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này