Những “lá phổi” của Thủ đô đang sống lại

11:33 | 30/09/2016
Lao động Thủ đô từng có bài phản ánh về quá trình cải tạo hệ thống ao hồ trên địa bàn Hà Nội. Và đến thời điểm này, dẫu việc áp dụng  “quy trình xử lý” chưa lâu song đã mang lại những hiệu quả rất khả quan. Đây thực sự là một trong những điểm nhấn về xây dựng Hà Nội sáng - xanh- sạch.
tin nhap 20160930112318 Nhiều “lá phổi xanh” đang hồi sinh
tin nhap 20160930112318 Những “lá phổi xanh” của Thủ đô

Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có 120 hồ trong nội thành và khoảng 1.500 hồ ở khu vực ngoại thành. Điều đáng nói, chỉ nhìn bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy tình trạng chung của hầu hết các hồ trên địa bàn Hà Nội hiện nay là bốc mùi hôi tanh, cá chết. Nhiều hồ nước đóng váng xanh nổi màng trên mặt nước. Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, tính đến tháng 10.2015, trong số 30 hồ trên địa bàn Hà Nội, chỉ có 5 hồ không ô nhiễm, còn 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng. Theo đó, trong số các ao, hồ bị ô nhiễm và có dấu hiệu ô nhiễm trên địa bàn 6 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ), quận Đống Đa có số lượng ao, hồ có nguồn nước bị ô nhiễm nặng và rất nặng nhiều nhất, như hồ Linh Quang, hồ Kim Liên, hồ Ba Mẫu, hồ Văn Chương, hồ Ao Phủ, hồ Hố Mẻ. Ngoài ra, một số hồ, nước có dấu hiệu ô nhiễm như hồ Đống Đa, ao Hào Nam, hồ Vuông.

tin nhap 20160930112318
Hồ Ba Mẫu sau khi thử nghiệm chế phẩm đã không còn mùi hôi, nước sạch.

Trước thực trạng trên, để giải cứu hồ ô nhiễm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã mời đối tác đến từ Cộng hoà Liên bang Đức chuyên sản xuất các chế phẩm ứng dụng trong xử lý nước đến Hà Nội nghiên cứu, sản xuất chế phẩm xử lý làm sạch nước hồ tại Thủ đô và giao cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện thử nghiệm chế phẩm.

Được biết, Nhóm nghiên cứu của Đức đã tạo ra chế phẩm mang tên Redoxy-3C và thử nghiệm chế phẩm trên tổng số 22 hồ, ao của Hà Nội. Quy trình thử nghiệm được thiết kế làm 3 lô thí nghiệm. Việc thử nghiệm tại hiện trường và trong phòng thí nghiệm được thực hiện theo 3 bước: Lấy và phân tích mẫu trước khi xử lý; phun và rải chế phầm Redoxy-3C; phân tích mẫu sau thử nghiệm. Kết quả thu được cho thấy, các thông số thủy sinh hóa khác không vượt ngưỡng, có giảm nhưng không quá giới hạn cho phép để các loài thủy sinh sinh trưởng và phát triển.

Với kết quả khả quan từ nghiên cứu, trong những ngày đầu và giữa tháng 9 vừa qua, Công ty Thoát nước Hà Nội đã bước đầu thử nghiệm xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm Redoxy-3C tại 3 hồ: Hố Mẻ, Ba Mẫu, Giáp Bát. Việc lựa chọn 3 hồ này để thử nghiệm được Công ty Thoát nước dựa trên căn cứ thực tế. Hồ Giáp Bát là hồ không có nước thải chảy vào, hồ Hố Mẻ có chức năng điều hòa nước, nằm trong dự án cải tạo thoát nước của Hà Nội, còn hồ Ba Mẫu có chức năng điều hòa và nước phổ cập thường xuyên.

Được biết, quá trình thử nghiệm tại 3 hồ đã cho kết quả khả quan. Sau 24h theo dõi, hiệu quả tới 90%. Nước hồ không còn mùi khó chịu, người dân xung quanh có phản hồi tích cực. “Việc ứng dụng công nghệ Redoxy-3C xử lý hồ ô nhiễm đã mang lại hiệu quả, mà chi phí lại giảm khoảng 2/3 so với trước đây. Tuy nhiên, để chất lượng nước được duy trì đảm bảo, không lãng phí khi đầu tư, bên cạnh những nỗ lực duy trì xử lý theo định kỳ của cơ quan chức năng, cũng rất cần việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, hạn chế vứt rác, xả rác, phế thải xuống hồ. Hiện chúng tôi đang thử nghiệm ở các hồ tiếp theo” - ông Trần Trọng Văn (Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội) chia sẻ.

Lê Mai

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này