Phương án thi THPT Quốc gia 2017:

Mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng

10:45 | 30/09/2016
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) Bùi Văn Ga ngày 29.9, các trường trên cả nước được phổ biến về phương án thi THPT quốc gia 2017 và sau đó vài ngày sẽ có đề thi minh họa, do đó học sinh không nên quá lo lắng, hoang mang vì vẫn có thời gian ôn luyện, làm quen.
tin nhap 20160930085743 Thi THPT quốc gia sẽ diễn ra vào tháng 6. 2017
tin nhap 20160930085743 Ngày 28/9, Bộ GD&ĐT sẽ công bố chính thức phương án thi THPT quốc gia 2017

Có “nở rộ” các trung tâm ôn luyện thi trắc nghiệm?

Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT), ngay sau khi công bố phương án, Bộ sẽ tính toán tập hợp lực lượng chuyên gia đủ lớn để từ nay tới tháng 5.2017 tập hợp xây dựng ngân hàng đủ lớn nhưng vẫn đảm bảo quy trình, chất lượng để mỗi học sinh có một đề thi khác nhau. Tuy nhiên, tỉ lệ trùng hợp câu hỏi trong các đề trong cùng một phòng thi chỉ khoảng 20%. “Việc mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng sẽ tránh được tình trạng quay cóp, gian lận trong kỳ thi. Cùng với đó là kết quả chấm bằng quét, cho nên hạn chế sai số xảy ra trong chấm thi. Từ đó, đảm bảo tính công bằng, khách quan, tin cậy cho kỳ thi lớn của đất nước”- ông Trinh nhấn mạnh.

tin nhap 20160930085743
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2015 - 2016. Ảnh minh họa.

Liên quan đến câu hỏi, liệu áp dụng phương án thi trắc nghiệm 100% các môn có làm bùng phát, “nở rộ” dịch vụ ôn, luyện mẹo thi trắc nghiệm? Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho rằng, các trung tâm luyện thi trước đến nay vẫn tồn tại dù thi theo hình thức tự luận hay trắc nghiệm. “Tuy nhiên, nếu thi theo hình thức trắc nghiệm, tôi tin rằng, dần dần các trung tâm luyện thi sẽ không còn nữa do câu hỏi nằm trong kiến thức chương trình học rất rõ ràng”- Thứ trưởng Ga chia sẻ. Đồng thời, Thứ trưởng cũng khuyến cáo học sinh và phụ huynh về thực trạng, trên mạng internet hiện nay có nhiều phần mềm thi trôi nổi, nội dung chưa được kiểm định nên các em học sinh không nên tin tưởng vào, vì đó không phải phần mềm của Bộ GDĐT. “Vào đầu tháng 10 tới, Bộ GDĐT sẽ công bố đề thi minh họa để giáo viên, học sinh yên tâm chuẩn bị kiến thức tốt nhất để bước vào kỳ thi”- Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông Vũ Đình Chuẩn cho hay, không nên quá lo lắng về lò luyện thi trắc nghiệm, bởi năm 2015, Bộ đã triển khai thi trắc nghiệm 4 môn và không có hiện tượng đổ xô đi luyện thi. Mặt khác, Bộ cũng đã quy định, các trường học khi làm ma trận đề thi và đưa vào đề kiểm tra thường xuyên trong năm học đã phải bao gồm trắc nghiệm với 4 mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, sáng tạo). Điều này đã thực hiện trong trường học từ năm 2012 nên thí sinh và phụ huynh không nên lo lắng quá mức về phương án thi trắc nghiệm sắp tới. Học sinh học giỏi, học đều thì sẽ đạt kết quả thi tốt. Thực tế, mấy năm trở lại đây, khi thay đổi cách thi thì học sinh đã giảm học thêm, luyện thi rất nhiều” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.

Tăng lượng câu hỏi bài thi để phân hóa thí sinh

Nhằm tăng độ phân hoá, thuận lợi cho việc sử dụng kết quả thì vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa giúp các trường có căn cứ xét tuyển ĐH-CĐ, theo ông Trinh, trong kỳ thi tới, Bộ GDĐT quyết định nâng số câu hỏi và thời gian làm bài thi tổ hợp từ 60 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 90 phút/bài thi như dự thảo ban đầu lên thành 120 câu hỏi với thời gian làm bài là 150 phút.

Đặc biệt, năm 2017, lần đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia sẽ xuất hiện 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Tuy nhiên, để đảm bảo sự công bằng với những thí sinh sử dụng các tổ hợp khác nhau trong xét tuyển ĐH, Bộ GDĐT quy định rõ thời gian làm bài từng môn trong môn tổ hợp và theo đó, hết thời gian làm bài mỗi môn (50 phút), thí sinh phải chuyển sang làm bài môn khác, đảm bảo công bằng cho thí sinh. Ông Trinh cũng cho biết chi tiết hơn, năm nay, bài thi tổ hợp đang ở mức độ sơ khai, cơ bản nhất. Còn trong lộ trình đổi mới chương trình phổ thông, đặc biệt là thiết kế chương trình sách giáo khoa mới, bài thi tổ hợp sẽ biến đổi dần từ “tổ hợp” thành “tổng hợp” và cuối cùng là “tích hợp”. “Khi đó, kỳ thi của chúng ta sẽ nhẹ nhàng hơn và tính kết dính, liên môn thể hiện rõ ràng hơn. Việc này cũng cần có sự chuẩn bị cho phù hợp với chương trình đổi mới phổ thông”- ông Trinh cho hay.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ GDĐT khẳng định, sẽ vẫn sử dụng phần mềm tuyển sinh như kỳ thi năm 2015-2016, có nhiều phân hệ, bao gồm đăng ký xét tuyển, lưu giữ thông tin của thí sinh... Ngoài ra, phần mềm còn có phân hệ đưa ra danh sách thí sinh trúng tuyển, chống thí sinh "ảo" đã chạy thử nhiều năm để các trường kiểm soát được thí sinh của trường mình.

K.Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này