Thực hiện “Năm văn minh đô thị”: Những chuyển biến tích cực

10:07 | 20/09/2016
Qua 3 năm thực hiện “Năm Trật tự văn minh đô thị”, bộ mặt đô thị của Thành phố ngày càng thêm sạch, khang trang và hiện đại hơn. Cùng với đó, nếp sống văn minh của người dân đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận.
nhung chuyen bien tich cuc Tăng cường tuyên truyền để công tác văn minh đô thị đi vào nề nếp

Đến với Hà Nội những ngày này, du khách sẽ cảm nhận được sự quyết tâm của Thủ đô trong việc gìn giữ Hà Nội xanh - sạch - đẹp, Thủ đô ngàn năm văn hiến. Từ khắp các nẻo đường thuộc trung tâm Thành phố, hình ảnh biển hiệu, hàng quán, đặc biệt là rác thải nằm bừa bãi, la liệt dưới lòng đường, vỉa hè như trước đây đã phần nào giảm đi đáng kể.

Có được những chuyển biến tích cực như vậy chính là nhờ sự chung tay vào cuộc, triển khai đồng bộ của các cấp, các ngành dưới sự chỉ đạo của UBND Thành phố về việc gìn giữ nét đẹp ứng xử của người Hà Nội, gắn với mục tiêu “Năm Trật tự văn minh đô thị”, nhằm mang lại một hình ảnh Hà Nội đẹp trong mắt người dân cũng như du khách. Sự quyết tâm này thể hiện từ những việc làm nhỏ nhất, đơn giản nhất. Điển hình như các bản tin tuyên truyền hằng ngày được truyền tải đều đặn thông qua hệ thống loa truyền thanh phường hay những bản cam kết đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định được phát đến tận tay từng hộ dân trên địa bàn…

nhung chuyen bien tich cuc
Tuổi trẻ Thủ đô phát huy vai trò xung kích, tích cực tham gia tuyên truyền, gìn giữ vệ sinh môi trường.

Bên cạnh nỗ lực của các ban, ngành, cấp chính quyền, điều đáng ghi nhận là ý thức của người dân trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường đang dần được nâng lên. Theo khảo sát của phóng viên, dọc các tuyến đường Quang Trung, Trần Phú, Lê Lợi (quận Hà Đông) - nơi được cho là điểm nóng về trật tự đô thị, thì nay hè phố đã phong quang, ngăn nắp, trả lại không gian cho người đi bộ. Những tụ điểm rác thải trước đây ở ngã ba, chân cột điện, quanh các cửa hàng ăn uống đã được khắc phục. Đặc biệt, vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, các mô hình “ngõ, phố tự quản” phát huy hiệu quả, cùng nhân dân làm vệ sinh, thu gom rác,... Hoạt động này đã tạo nền nếp, thói quen trong các khu dân cư, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân với việc bảo vệ môi trường.

Bà Trần Thị Thanh Dung - Tổ trưởng Tổ dân phố số 9 phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) - chia sẻ: “Cái khó nhất là tạo được ý thức trong người dân về giữ vệ sinh môi trường và giữ gìn an ninh trật tự. Đặc biệt là việc nâng cao ý thức của người dân nhập cư, người từ các địa bàn khác đến sinh sống và học tập, công tác tại phường. Kết quả hôm nay có được nhờ sự chỉ đạo sát sao từ các cấp cộng với sự đều tay từ khu phố đến tổ dân phố, sự đồng thuận của người dân, nên từng tiêu chí về văn minh đô thị dần được hoàn thành một cách nhanh chóng”.

Không phủ nhận những chuyển biến tích cực trong nếp sống văn minh đô thị của người dân, song Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề đáng bàn, đặc biệt là việc lộn xộn, thiếu thẩm mỹ của các biển quảng cáo trái phép. Đầu năm nay, TP.Hà Nội đã có Quyết định ban hành “Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Hà Nội”, trong đó nêu rõ những nội dung như quảng cáo trên dải phân cách của đường đô thị, quảng cáo bằng biển bảng quảng cáo đứng độc lập phải tuân thủ yêu cầu về an toàn công trình lân cận, bảo vệ môi trường… Nhưng sau 8 tháng ban hành, vấn đề này vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội - cho biết, vừa qua, Sở đã tổ chức gặp gỡ với 40 doanh nghiệp làm quảng cáo trên địa bàn Hà Nội. Về cơ bản, các doanh nghiệp đều thống nhất sẽ tự tháo dỡ các biển quảng cáo trái quy định. Hiện Sở đã cho tháo dỡ các biển quảng cáo tấm lớn dựng trái phép, bảng biển quảng cáo trên dải phân cách không đúng quy định. Còn các biển quảng cáo ven đường, Sở sẽ tiếp tục triển khai trong giai đoạn sau.

Gần đây, việc Hà Nội triển khai tuyến phố đi bộ ở khu phố cổ, quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm đã nhận được sự chào đón của đông đảo người dân. Phố đi bộ mở ra góp phần mang lại những giá trị văn hóa, tinh thần to lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị đó, những tuyến phố cổ lại phải nhận về vô số vỏ chai nước, vỏ bao bánh kẹo,... từ những người dân thiếu ý thức thải ra.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc nâng cao công tác tuyên truyền, xây dựng các tuyến phố văn minh, trật tự từ các cấp quản lý, thì mỗi cá nhân, cán bộ, công chức, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, ý thức hơn trong văn hóa ứng xử nơi công cộng, trong văn hóa giao thông, văn hóa nơi công sở. Bởi mỗi hành động nhỏ lại mang một ý nghĩa lớn góp phần xây dựng Hà Nội xanh - sạch - đẹp, văn minh và thân thiện.

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này