Câu chuyện trên được nhắc đến nhiều tại hội thảo về tiền lương tối thiểu và an sinh xã hội do Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh BDI, Viện Hanns Seidel Stiftung (Đức) và Viện Nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp IVES phối hợp tổ chức sáng nay (16.9) tại Hà Nội.
![]() |
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương- nguyên Viện trưởng Viện Lao động xã hội (Bộ LĐTBXH), sự chênh lệch và bất hợp lý trong chính sách tiền lương tối thiểu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp trá hình.
Đơn cử như lương của cán bộ mới tốt nghiệp đại học ra trường, trong năm đầu tiên được hưởng 85% mức lương của hệ số 2,34 nhân với mức lương tối thiểu khởi điểm là 1.210.000 đồng. Như vậy, lương tháng của cán bộ, công chức nhà nước mới được hơn 2 triệu đồng/tháng, trong khi lương tối thiểu vùng của công nhân trong doanh nghiệp ở vùng 1 đã là 3,5 triệu đồng/tháng.
Điều này đã rất tới thực tế đau xót trên thị trường lao động hiện nay: Nhiều lao động sau khi tốt nghiệp đại học đã cất tấm bằng đại học vào ngăn kéo, xin đi làm công nhân tại các khu công nghiệp.
TS. Đặng Đức Đạm- nguyên Viện Phó Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương dẫn ra một câu chuyện thật như đùa, đó là lương của tiến sỹ du học ở Mỹ về làm trưởng phòng nghiên cứu công nghệ cao chỉ được 3,5 triệu đồng/tháng, không đủ để trả tiền thuê người giúp việc nhà với mức lương là 4 triệu đồng/tháng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, cần có sự điều chỉnh tiền lương tối thiểu giữa 2 khu vực: Nhà nước và doanh nghiệp. “Tiền lương tối thiểu, trước hết nhằm bảo vệ người lao động, đặc biệt là người yếu thế trên thị trường lao động, do vậy, cần coi là lưới an sinh xã hội quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào tiền lương của doanh nghiệp mà thông qua chính sách tiền lương tối thiểu và điều kiện lao động, bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Tuy nhiên, khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu, cần phải cân nhắc các yếu tố kinh tế khác có liên quan, đặc biệt là khả năng chi trả của doanh nghiệp, các tác động về việc làm, thất nghiệp, thu nhập và tiền lương trước và sau khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu”, bà Hương khuyến nghị.
L.N
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/luong-toi-thieu-chenh-lech-de-dan-toi-that-nghiep-tra-hinh-42405.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này