Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng:

Người “gom” những vẻ đẹp bình dị

13:53 | 15/09/2016
Ở tuổi 98, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng - người “gom” vẻ đẹp bình dị của Hà Nội vào những bức ảnh nghệ thuật vô giá - vừa vinh dự được trao giải thưởng Lớn “Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 9 - năm 2016.
nguoi gom nhung ve dep binh di Hình ảnh các dân tộc Việt Nam qua ống kính của nhiếp ảnh gia Pháp
nguoi gom nhung ve dep binh di Triển lãm ảnh về Hà Nội và Huế của nhiếp ảnh gia người Pháp

Nghệ sĩ Lê Vượng đến với nhiếp ảnh khi mới 18 tuổi. Lúc đó, ông đã rất “chịu chơi” - khi mua một chiếc máy ảnh (mà trị giá bằng cả mảnh đất ở Hà Nội) để chụp trong chuyến đi chơi xuyên Đông Dương.

nguoi gom nhung ve dep binh di
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung chúc mừng nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng được trao tặng “Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội” 2016.

Lê Vượng là người ưa di chuyển và cần mẫn làm việc. Thời trẻ, với chiếc máy ảnh, Lê Vượng lang thang khắp Hà Nội để ghi lại nhịp sống, phong cảnh và kiến trúc của Thủ đô. Từ 1945 đến 1954, ông đi kháng chiến, sống ở Thanh Hóa, có điều kiện là lại lao vào ghi chép các tư liệu kháng chiến bằng ảnh.

Sau này, ông về công tác tại NXB Mỹ thuật và Âm nhạc, rồi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nhiệm vụ của ông là chụp ảnh, ghi lại các tư liệu cần lưu giữ về mỹ thuật, kiến trúc cổ của Hà Nội và của Việt Nam, đã lưu lại một khối lượng tư liệu đồ sộ về những di sản ký ức vô giá.

Tác phẩm nhiếp ảnh của Lê Vượng chất chứa rất nhiều yếu tố hội họa, bởi ảnh hưởng từ người chú ruột - họa sĩ Lê Phổ. Do vậy, năng khiếu về nghệ thuật thị giác của Lê Vượng được bộc lộ khá sớm. Ông đã có dịp làm quen với các nghệ sĩ, như "bộ tứ" thế hệ vàng của mỹ thuật VN: Nghiêm - Liên - Sáng - Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái) và qua đó, tìm cách “chuyển hóa” những học hỏi của mình về hội họa vào nghệ thuật nhiếp ảnh.

8 Giải thưởng Lớn “Vì tình yêu Hà Nội” đã được trao tặng

Năm 2009: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc; Năm 2010: Nhà văn Tô Hoài; Năm 2011: Giáo sư Phan Huy Lê; Năm 2012: Nghệ sĩ guitar Văn Vượng; Năm 2013: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng; Năm 2014: Nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán; Năm 2015: Nhà nghiên cứu Giang Quân;Năm 2016: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng.

Lê Vượng còn kết bạn với nhiều nghệ sĩ lớn của Hà Nội cùng thời như nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân. Qua đó, ông đã học được nhiều điều qua những sẻ chia tâm đắc về nghệ thuật, về cuộc sống, về những điều đau đáu với Hà Nội của các nghệ sĩ bậc thày.

Những tác phẩm nhiếp ảnh của nghệ sĩ Lê Vượng đều có bố cục chặt, đồng thời thấy rõ những nét thơ trữ tình. Trong gia tài nhiếp ảnh của ông có nhiều tác phẩm chụp về Hà Nội xưa cũ, với những mái nhà phố cổ rêu phong, những cành cây khẳng khiu, mảnh mai trong mùa đông, một đường tàu điện đi dọc phố cổ... Với những bức ảnh đó, nhìn lướt qua, thấy có vẻ tĩnh tại, nhưng nếu quan sát kỹ, thì ngoài những giá trị tư liệu quý về kiến trúc, về con người, về thời đại, nó còn khơi gợi sự hài hòa và cảm xúc tạo hình.

Với Hà Nội, mỗi người đều có cách cảm nhận, cách yêu riêng. Bằng tình yêu lặng thầm với Hà Nội, Lê Vượng thường khoác máy ảnh, rong ruổi bằng xe đạp, bất kể thời tiết ra sao, lầm lũi đi khắp các tuyến phố Hà Nội, đến nhiều vùng ngoại thành, để chộp bắt, chắt chiu cho đời những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Với tình yêu ấy, Lê Vượng đã gắng khắc họa Hà Nội trọn vẹn trong nhịp sống thường ngày và trong chiều sâu văn hóa.

Nhiều người cho rằng, Hà Nội đẹp nhất vào mùa thu, lúc nắng hửng ấm trên những tán cây xanh mượt. Nhưng với Lê Vượng, người chụp ảnh Hà Nội là người "thư ký" cần mẫn ghi lại từng khoảnh khắc đổi thay của Thủ đô. Trời nắng có vẻ đẹp riêng, trời mưa có những nỗi niềm khác. Vậy nên, ông đã có nhiều bức ảnh vô giá những vẻ đẹp bình dị về cuộc sống và con người của vùng đất Hà Thành.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã có nhận xét ngắn gọn: “Lê Vượng không chạy theo trường phái nào cả, ảnh của ông tìm cái đẹp cổ điển, chân phương, rất gần hội họa do bố cục, đường nét, màu sắc, nhất là ảnh phong cảnh. Không chỉ đẹp mà những bức ảnh của Lê Vượng nhiều ý nghĩa. Mặc dù lãng mạn, ảnh của ông lại mang tính chính xác, nhiều khi mang tính dân tộc học vì ông chụp cho Viện Bảo tàng Mỹ thuật hàng vạn phim ảnh làm tư liệu nghiên cứu".

Với những đóng góp của mình trong nghệ thuật, nghệ sĩ Lê Vượng đã được Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP) trao tước hiệu A-FIAP. Ông cũng được tôn vinh ở nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Giải thưởng Bifota (Đức) trao cho tác phẩm “Đôi bàn tay khéo” (1967); giải nhì triển lãm ảnh tại Liên Xô (1972) với tác phẩm “Nghệ nhân Song Hỷ thêu tranh” (1972); Giải ACCU (Nhật) năm 1984 trao cho tác phẩm “Hội Đền Hùng” ; huy chương Bạc FIAP 1996 với tác phẩm “Lòng đất”...

Ảnh của nghệ sĩ Lê Vượng có mặt tại nhiều triển lãm ở nước ngoài như tại Rumani các năm 1967, 1971, 1973, 1975, 1977; tại Pháp năm 1971, 1972, 1998; tại Ba Lan năm 1975; tại Malaysia năm 1979; tại Liên Xô (cũ) năm 1980; tại Nhật Bản năm 1984; tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 1993; tại Mỹ năm 1994; tại Hồng Kông (TQ), Pakistan, Canada năm 1997...

Năm 2012, nghệ sĩ Lê Vượng ra sách khổ lớn “Những khoảnh khắc” gây ấn tượng mạnh trong giới nghề và dư luận. Ông tâm sự: “Tôi thích chụp những vẻ đẹp bình dị của cuộc sống. Tôi chụp những gì tôi thích. Tuổi tác đối với tôi chỉ là con số. Đam mê không có tuổi. Nghệ thuật không có tuổi”.

Lê Quang Vinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này