Chuyển giao công nghệ:

Bao giờ thực hiện được?

09:40 | 15/09/2016
Một trong những mục tiêu khi thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài là để tiếp cận được với công nghệ hiện đại của các đối tác, sau đó sẽ tiến hành chuyển giao để xây dựng nền công nghệ sản xuất tiên tiến mang thương hiệu Việt Nam.Trong khi đó, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm).  
bao gio thuc hien duoc Công nghệ IOT chạy trên nền tảng 4G LTE hiện đại nhất
bao gio thuc hien duoc Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý giao thông đô thị
bao gio thuc hien duoc Diễn đàn doanh nghiệp thúc đẩy hợp tác KH&CN Việt – Nga
bao gio thuc hien duoc Viện khoa học công nghệ Mỏ: Chỗ dựa tin cậy của các cơ sở sản xuất

Thế nhưng, mục tiêu này đến nay đã không thành, đa số các công nghệ được đầu tư và chuyển giao vào Việt Nam thời gian qua theo đánh giá của Bộ Khoa học - Công nghệ đều ở dạng trung bình, thậm chí lạc hậu so với thế giới. Vì vậy, việc Ban soạn thảo vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ được cho là nhằm khắc phục những hạn chế cố hữu hiện nay.

Tuy nhiên, so sánh giữa Luật hiện hành và dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự thảo Luật còn một số điều quy định rất chung chung. Đơn cử như quy định tại Điều 5 - chính sách của Nhà nước về chuyển giao công nghệ, mới chỉ ghi “có chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ”, hay “có chính sách ưu đãi đối với công nghệ tiên tiến, công nghệ mới”, “có chính sách hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho khởi nghiệp công nghệ”… quy định như vậy nhưng khi luật này ra đời không thể biết được Nhà nước sẽ có chính sách gì đối với hoạt động chuyển giao công nghệ. “Và nếu cứ quy định chung chung như thế thì quá trình đi tắt, đón đầu về chuyển giao công nghệ sẽ triển khai ra sao?”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

bao gio thuc hien duoc
Việc sửa Luật lần này mong muốn sẽ có được những công nghệ hiện đại.

Một số ngành, lĩnh vực (các nhà máy nhiệt điện, xi măng, mía đường, luyện cán thép, khai khoáng…) vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề: “Thời gian qua, Việt Nam vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ... Và trong khi khoa học công nghệ thế giới đã và đang phát triển như vũ bão, thì khoa học công nghệ và lĩnh vực chuyển giao công nghệ nước ta vẫn đang đứng trước những câu hỏi lớn: Việt Nam đang trở thành bãi rác công nghệ của thế giới, vậy thì sửa đổi luật lần này có khắc phục, ngăn chặn và xử lý được không? Có giải quyết được mâu thuẫn giữa yêu cầu quản lý Nhà nước là phải kiểm soát được chất lượng công nghệ, thiết bị nhập khẩu và mong muốn tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nước cũng như từ nước ngoài vào Việt Nam để cải thiện trình độ công nghệ quốc gia, năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp? Có khắc phục được tình trạng cất ngăn kéo các kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu mà tư lệnh lĩnh vực khoa học và công nghệ đã thừa nhận với QH từ nhiệm kỳ trước không?”.

Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, một trong những thử thách lớn mà đất nước đang phải đối mặt đó là công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến trật tự an ninh, an toàn xã hội. Một số vụ việc xảy ra gần đây như Formosa Hà Tĩnh là minh chứng rõ nét. “Câu hỏi đặt ra là: Tại sao nước ta lại đứng trước thực trạng như vậy? Do Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 và các luật có liên quan khác chưa có đủ cơ sở pháp lý, hoặc đủ, nhưng chưa chặt chẽ? Hay do khâu tổ chức thực hiện, quản lý Nhà nước chưa tốt?”- Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Do vậy, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, tập trung nhiều sức lực để có thể giải quyết một cách toàn diện, căn cơ. Và đặc biệt, việc sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ phải trên cơ sở tôn trọng quy luật của thị trường, nhu cầu của các nhà đầu tư. Muốn vậy, trong dự thảo phải kế thừa được quy định tốt của luật hiện hành, chỉ rõ những lĩnh vực nào, loại công nghệ nào bị cấm nhập khẩu, chuyển giao vào Việt Nam, hoặc cấm sản xuất tại Việt Nam để chuyển ra nước ngoài; loại công nghệ nào hạn chế chuyển giao và hạn chế bằng cơ chế gì, cơ quan nào sẽ kiểm tra, kiểm soát? Trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ, ngành ra sao?... Tất cả những nội dung trên cần phải làm rõ và quy định ngay trong luật, tránh lặp lại những bài học cũ “công nghệ lạc hậu”.

Với tư cách cơ quan thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng nhấn mạnh: Điều quan trọng cần tăng cường trách nhiệm quản lý công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ có liên quan trong việc kiểm soát công nghệ tại các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), dự án sử dụng ngân sách Nhà nước để tạo điều kiện trong việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến, phù hợp với Việt Nam và khắc phục tình trạng lỗ hổng trong kiểm soát công nghệ hiện nay, nhất là đối với việc kiểm tra sau chuyển giao công nghệ (như trường hợp Formosa, Bauxite Tây Nguyên, các dự án chế biến gỗ dăm, xây dựng, xăng sinh học...). Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa các Điều 52, 53 và 54 của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 theo hướng quy định, phân định rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ có liên quan, việc phân cấp cho các địa phương trong việc thẩm định, kiểm soát, quản lý công nghệ thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của mình.

PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này