Xét tuyển ĐH, CĐ: Vất vả tìm phương án tối ưu

11:05 | 08/09/2016
Dù chưa kết thúc kỳ tuyển sinh ĐH năm 2016, nhưng Bộ GDĐT đã sớm xây dựng phương án thay đổi việc xét tuyển ĐH, CĐ cho năm 2017 để lấy ý kiến đóng góp của dư luận xã hội nhằm tìm phương án tuyển sinh tối ưu.
xet tuyen dh cd vat va tim phuong an toi uu 163 trường đại học, học viện xét tuyển bổ sung đợt 1
xet tuyen dh cd vat va tim phuong an toi uu Xét tuyển đợt 1: Bộ GD&ĐT lý giải vì sao nhiều trường lớn không đủ chỉ tiêu

Bức xúc nghịch lý tuyển sinh “may … rủi”

Bức xúc, hụt hẫng, tiếc nuối là tâm trạng chung của nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH năm nay sau khi kết quả đăng ký xét tuyển nguyện vọng đợt 2 vừa công bố. Bởi đăng ký xét tuyển cùng ngành, cùng trường, nhưng thí sinh đăng ký nguyện vọng bổ sung có mức điểm thấp lại đỗ, trong khi thí sinh điểm cao đăng ký đợt 1 lại bị trượt.

Nguyên nhân là do tình trạng trúng tuyển “ảo” đợt 1 của các trường quá cao, khiến có trên 140 trường buộc phải thông báo tuyển sinh bổ sung đợt 2 với mức điểm chuẩn hạ thấp hơn đợt 1 từ 1-3 điểm để mong tuyển được đủ chỉ tiêu tuyển sinh như dự kiến.

Cá biệt, trong lịch sử tuyển sinh ĐH lần đầu tiên chứng kiến cảnh những trường tốp đầu như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Công nghiệp Hà Nội… phải tuyển sinh bổ sung.

xet tuyen dh cd vat va tim phuong an toi uu
Thí sinh mong có những đổi mới trong tuyển sinh đại học để không còn nỗi lo chọn trường.

Ngay sau khi các trường công bố điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung, nhiều thí sinh, phụ huynh tìm đến tận các trường ĐH bày tỏ sự bức xúc vì cho rằng việc các trường hạ điểm chuẩn là “quá bất công”.

Trên diễn đàn cộng đồng sinh viên Trường ĐH Thương mại, một cuộc tranh luận gay gắt về tính công bằng của kỳ tuyển sinh khi dẫn chứng nhiều thí sinh đạt 23 điểm trượt ngành kế toán từ đợt 1 lại ngậm ngùi tiếc nuối nhìn những thí sinh chỉ cần đạt 20 điểm lại may mắn lách “cửa hẹp” để đỗ vào ngành này ở đợt tuyển bổ sung.

Không chỉ có các thí sinh, theo phản ánh của cán bộ tuyển sinh một số trường ĐH trên địa bàn, tình trạng “điểm cao thì trượt, điểm thấp lại đậu” cũng là điều mà các trường không hề mong muốn khi “lỡ tay” đánh trượt một số không ít thí sinh điểm cao ở đợt 1 do không lường hết tỉ lệ ảo. Để rồi rốt cuộc phải tuyển bổ sung những thí sinh điểm thấp hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng cả đến chất lượng đào tạo sau này của trường.

Theo số liệu báo cáo tổng hợp, đợt 1 của tuyển sinh ĐH 2016, số thí sinh chính thức nộp Giấy chứng nhận kết quả thi để khẳng định nhập học chỉ đạt 62,5% (trong đó, có 40 trường đại học tuyển đạt từ 80% chỉ tiêu trở lên và 87 trường tuyển đạt từ 60% trở lên). So sánh với những năm thi “3 chung”, tỷ lệ này thấp hơn khá nhiều (những năm "3 chung", số lượng thí sinh trúng tuyển đợt 1 thường chiếm khoảng 70 - 75% tổng chỉ tiêu). Còn tại đợt xét tuyển bổ sung (đợt 2), trong số thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung có trên 25% thí sinh được trên 20 điểm ở các khối A, B, C, D. Kết thúc ngày 31.8, có 48.860 thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung vào 80.950 lượt trường với 144.600 nguyện vọng.

Số liệu cho thấy nhiều thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển bổ sung vào một trường duy nhất và bình quân mỗi thí sinh chỉ đăng ký 3 nguyện vọng trên tổng số 6 nguyện vọng tối đa. Sau đợt bổ sung, mặc dù điểm chuẩn ở một số trường có giảm, nhưng vẫn còn hàng chục nghìn chỉ tiêu chưa được lấp đầy. Riêng khối trường quân đội có hàng nghìn chỉ tiêu chưa tuyển đủ. Tuy nhiên, khá nhiều trường đã quyết định không kéo dài tuyển sinh sang đợt 3 trong tháng 9 như kế hoạch Bộ GDĐT đã ban hành.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, năm 2017, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục trong các trường đại học để từ đó giám sát chỉ tiêu tuyển sinh nhằm tránh tình trạng một số trường đặt ra chỉ tiêu cao hơn năng lực thực tế. Bộ cũng sẽ thành lập trung tâm dự báo nghề nghiệp và nhu cầu lao động để làm cơ sở cho các trường xây dựng chỉ tiêu và chuyển đổi cơ cấu ngành nghề.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho hay, Bộ chia sẻ khó khăn với các trường trong việc tính toán tỷ lệ thí sinh “ảo” để xác định điểm trúng tuyển và danh sách trúng tuyển.

“Tuy nhiên, chỉ tiêu do các trường tự xác định thực chất là năng lực đào tạo tối đa mà các trường được phép tuyển, để đảm bảo chất lượng ở mức chấp nhận được theo quy định. Thực tế chất lượng đào tạo của nhiều trường còn thấp so với yêu cầu của xã hội nên người học chưa mặn mà. Có tình trạng các trường xác định chỉ tiêu chưa dựa vào thực tế nhu cầu của xã hội, chưa dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng của thị trường lao động đối với ngành nghề đào tạo… mà chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo tối đa của mình và kinh nghiệm tuyển sinh của năm trước nên so với thực tế, số “ảo” có thể nằm ngay trong số chỉ tiêu mà các trường đặt ra”- bà Phụng đánh giá.

Còn giải thích về quy định điểm chuẩn đợt sau không cần cao hơn đợt trước khiến nhiều thí sinh đã phải tiếc nuối, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga chia sẻ, năm 2016, quy chế không cho phép thí sinh rút, nộp hồ sơ để khắc phục bất cập đã xảy ra vào năm 2015. Để hỗ trợ thí sinh tránh bớt rủi ro, quy chế đã cho phép thí sinh có nhiều nguyện vọng và được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học.

Như vậy, khi đã trúng tuyển đợt 1 rồi mà thí sinh thấy không thích ngành, trường đã trúng tuyển, các em vẫn còn cơ hội sửa sai bằng cách không nộp Giấy chứng nhận kết quả thi để tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo. Còn khi thí sinh đã nộp Giấy chứng nhận kết quả thi thì có nghĩa là các em đã chấp nhận nguyện vọng trúng tuyển.

Hoàn thiện phương án tuyển sinh và xem xét lại chỉ tiêu

Rút kinh nghiệm của năm nay và trước đó, chuẩn bị cho kỳ thi THPT và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017, Bộ GDĐT đã tổ chức lấy ý kiến về vấn đề này. Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, về phương thức tổ chức thi, Bộ có chủ trương tiếp tục thực hiện và hoàn thiện phương án năm 2016.

Hiện Bộ GDĐT đang xem xét 2 phương án. Phương án thứ nhất: Thi 5 bài đối với thí sinh hệ giáo dục THPT gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (gồm vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (gồm lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Phương án thứ 2: Thí sinh hệ giáo dục THPT thi bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ và chọn một trong hai bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Trong năm tới, Bộ sẽ có cải tiến thi là mở rộng đánh giá toàn diện học sinh, tránh học lệch học tủ bằng việc áp dụng công nghệ thông tin để ra đề trắc nghiệm tổng hợp kiểm tra kiến thức bao quát.

Còn bên cạnh việc hoàn thiện phương án tuyển sinh, Bộ và các trường cũng sẽ nghiêm túc xem xét lại chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017. Bởi có thể chỉ tiêu được xác định cao hơn năng lực đào tạo hiện có đã gây nên hiện tượng "ảo" trong xét tuyển. Bộ sẽ tăng cường bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng chỉ tiêu - chất lượng không khớp với nhau.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, năm 2017, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục trong các trường đại học để từ đó giám sát chỉ tiêu tuyển sinh nhằm tránh tình trạng một số trường đặt ra chỉ tiêu cao hơn năng lực thực tế. Bộ cũng sẽ thành lập trung tâm dự báo nghề nghiệp và nhu cầu lao động để làm cơ sở cho các trường xây dựng chỉ tiêu và chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. Đặc biệt, tới đây, Nhà nước sẽ không giao chi phí thường xuyên mà qua “đặt hàng”, không phân biệt trường công, tư, thậm chí là trường nước ngoài, trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng.

Bộ cũng sẽ đưa ra những giải pháp khuyến khích và tạo dựng cho các trường gắn kết với người sử dụng lao động, đặc biệt là doanh nghiệp, tạo ra một chuỗi cung ứng… Điều này sẽ giúp khắc phục tình trạng đào tạo không gắn với thực tiễn của nhiều ngành đại học hiện nay khiến cho tỷ lệ cử nhân thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành nghề luôn ở mức cao.

H.Thành

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này