Nâng tầm dòng tranh thêu tay truyền thống

15:07 | 06/09/2016
Việt Nam có nhiều làng nghề tranh thêu tay truyền thống nổi danh như tranh thêu xứ Huế, tranh thêu tay Quất Động,… Tuy nhiên, thời gian qua, sự xuất hiện tràn lan của những dòng tranh du nhập từ Trung Quốc như tranh thêu chữ thập, tranh gắn đá, tranh gắn lụa... với mẫu mã đa dạng, dễ thực hiện, đã khiến cho dòng tranh thêu tay truyền thống dần bị mất thị phần.
nang tam dong tranh theu tay truyen thong Người phụ nữ nặng tình với tranh thêu tay

Vui buồn nghề truyền thống

Theo tìm hiểu tại nhiều làng thêu nổi danh ở Hà Nội như Quất Động, Đào Xá và nhiều làng thêu ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, hầu hết nghề tranh thêu tay gần như bị lãng quên. Một số phường thêu ở Hà Nội như Hàng Trống, Hàng Chỉ, Hàng Nón, Hàng Mành, Yên Thái… giờ cũng chuyển kinh doanh mặt hàng khác. Ở các làng thêu, thợ thêu cứ bỏ nghề dần hoặc cố duy trì, nhưng thấy khá hoang mang với nghề truyền thống. Dù cổng các làng nghề vẫn trưng biển “Làng văn hóa du lịch”, nhưng các nghệ nhân vẫn phải tự “vật lộn” với nghề. Họa hoằn lắm mới có khách du lịch ghé qua mua tranh.

nang tam dong tranh theu tay truyen thong
Nghệ nhân thêu của Cty CP tinh hoa nghệ thuật Thêu Việt đang thực hiện tác phẩm tranh.

Họa sĩ, Thạc sĩ mỹ thuật Trần Gia Huy - Tổng GĐ Công ty CP tinh hoa nghệ thuật Thêu Việt - cho biết, chục năm trở lại đây, nghề thêu truyền thống vốn xưa kia khá thịnh hành ở nhiều làng nghề trên cả nước, nhưng nay đều đang “chết dần, chết mòn” theo thời gian, vì nó chưa từng được người dân coi là nghề kinh doanh mang lại lợi nhuận lớn, mà chỉ đơn giản là việc làm trong lúc nông nhàn, trong phạm vi “cha truyền con nối”. Bởi vậy, không ai chịu đầu tư, sáng tạo, nâng tầm để nó vươn lên, thích hợp với thời đại mới. Các sản phẩm thêu vẫn chỉ là những hình mẫu thêu tay đơn giản, quen thuộc tới mức nhàm chán, nên chẳng ai còn chú ý đến dòng tranh này cũng là điều đương nhiên.

Ngày nay, những làng tranh thêu tay vốn lừng danh cả nước đang dần mai một trước cơ chế thị trường. Hỏi lớp thanh niên ở đây, họ không hề biết đến nghề làng. Cũng có một số nơi còn nhiều gia đình duy trì làm nghề, nhưng lại trong cảnh “tự cung tự cấp”, mẫu mã, sản phẩm cũng đơn giản, không hấp dẫn, giá lại đắt, nên cũng khó kiếm được người mua. Những nghệ nhân tâm huyết với nghề tâm sự rằng, họ gặp không ít khó khăn, từ nguồn vốn, thu nhập, đầu ra đến sự cạnh tranh không lành mạnh từ các dòng tranh thị trường “ăn xổi” khác.

Thậm chí, nhiều cửa hàng tranh thêu tay truyền thống giờ chuyển sang bán tranh chữ thập, tranh gắn đá, gắn lụa,… có xuất xứ từ Trung Quốc. Những loại tranh thị trường này có mẫu mã đa dạng, dễ thực hiện và giá thành lại rẻ, nên thời gian qua đã tạo nên “cơn sốt” không hề nhỏ. Trong khi đó, để có được những bức tranh thêu truyền thống đẹp, người thợ phải tốn rất nhiều công sức - từ khâu vẽ tranh ban đầu tới những đường nét thêu tay tỉ mỉ, thổi hồn vào mỗi bức tranh. Nhìn vào những bức tranh thêu tay cầu kỳ bị “hạ giá” hoặc “phủi bụi” trong cửa hàng tại một số làng nghề, nhưng không có khách hỏi mua, khiến không ít người phải suy ngẫm.

Tranh thêu tay vẫn có chỗ đứng riêng

Tuy nhiên, theo Họa sĩ, Thạc sĩ mỹ thuật Trần Gia Huy, dòng tranh thêu Trung Quốc sẽ chỉ được ưa chuộng tức thời. Bởi trong thời đại công nghiệp hoá hiện đại hoá hiện nay, mọi thứ chạy theo công nghệ, con người lại muốn có cái gì đó chậm lại để họ hưởng thụ cuộc sống được trọn vẹn hơn. Họa sĩ Huy cho rằng, tranh thêu tay truyền thống vẫn luôn có một chỗ đứng vững và sẽ dần hưng thịnh trở lại. Thực tế, những sản phẩm làng nghề chưa bao giờ bị ruồng bỏ trên thị trường trong và ngoài nước. Khách du lịch vẫn rất thích sản phẩm thêu, nhưng do thiếu sự đầu tư bài bản, những chiến lược dài hơi cho phát triển làng nghề, nên những làng thêu chấp nhận cảnh mai một dần, bị cạnh tranh với sản phẩm kiểu công nghệ và không hề mang bóng dáng nghệ thuật gì như tranh chữ thập. Trong khi đó, những kỹ thuật thêu xưa như thêu chữ nhân, hay những mẫu thêu cổ cũng chẳng mấy ai còn lưu giữ.

nang tam dong tranh theu tay truyen thong
Họa sĩ Trần Gia Huy hướng dẫn nghệ nhân tại xưởng thêu.

Để dòng tranh thêu tay truyền thống trở lại, Họa sĩ Huy cho rằng, trước hết phải có những người đam mê với nghề và sáng tạo ra nhiều mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu người dân, nhưng vẫn mang tầm cao của nghệ thuật. Các tác phẩm thêu nên chú ý hướng tới nhiều đề tài phong thuỷ và đời sống xã hội xưa và nay. Các cấp chính quyền, ban, ngành cần có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp bảo tồn nghề truyền thống; tổ chức các triển lãm và trao giải thưởng cho những tác phẩm tranh thêu có giá trị nghệ thuật cao. Như vậy, sẽ giúp cho các doanh nghiệp tranh thêu có động lực và thêm yêu nghề của cha ông để lại.

Ngoài ra, các làng nghề tranh thêu truyền thống nói riêng và làng nghề nói chung rất cần sự quan tâm hơn nữa của cơ quan chức năng trong việc quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Việc Bộ Công Thương vừa lần đầu tiên phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ đã tạo động lực không nhỏ cho các nghệ nhân - những người đang đau đáu bám trụ với nghề, giúp họ có thêm niềm tin tiếp tục truyền lửa cho thế hệ sau, góp phần đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đến bạn bè thế giới.

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này