Sẽ giảm 30% ùn tắc, tai nạn giao thông nếu...

12:56 | 26/10/2014
LĐTĐ - Rất quan tâm đến lĩnh vực an toàn giao thông, ông Lê Xuân Luyện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng, dịch vụ và hợp tác lao động (OLECO), đã gửi tòa soạn một số ý kiến tâm huyết với mục tiêu góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông

Xây dựng văn hóa giao thông

Đầu tiên là phải thực hiện đồng bộ 2 giải pháp cứng và mềm. Giải pháp về phần cứng được hiểu là tất cả những gì liên quan đến cơ sở hạ tầng giao thông. Đó là cầu, đường, sân bay, bến cảng… đòi hỏi phải có kinh phí đầu tư lớn và phải trải qua quá trình đầu tư lâu dài. Giải pháp này không thể làm trong ngày một ngày hai, ai cũng biết, vì vậy chúng ta không bàn ở đây.

Giải pháp về phần mềm cần làm ngay vì đây mới là cái gốc của vấn đề. Đó là làm sao để người tham gia giao thông có ý thức chấp hành pháp luật, ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông. Và chỉ có như vậy thì tai nạn và ùn tắc giao thông mới giảm và giảm bền vững.

Ai đã từng được ra nước ngoài, ắt hẳn sẽ đặt câu hỏi: Tại sao đường phố của bạn cũng hẹp, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, người cũng đông nhưng ở họ không có cảnh ùn tắc giao thông kéo dài? Đơn cử như  bên Lào hay ở Tokyo (Nhật Bản) người dân tham gia giao thông “nhẹ nhàng”, đường phố không ồn ào, không có tiếng còi xe… Phải chăng đó là văn hoá giao thông?

Ở Việt Nam, người tham gia giao thông dường như chỉ có ý thức chấp hành khi thấy có cảnh sát giao thông, khi không thấy bóng cảnh sát, họ sẵn sàng vượt đèn đó, đi không đúng làn đường, phóng nhanh vượt ẩu... Người Việt dường như có tâm lý: Luôn cố gắng để đi nhanh hơn người khác một tý, dù họ biết làm như thế là tất cả đều bị chậm. Ai cũng hiểu như vậy, nhưng vì sao không sửa? Phải chăng đó là thiếu văn hoá giao thông?

Thậm chí những người chấp hành, tham gia giao thông đúng luật lại được nhiều người nhìn như “vật thể lạ” hay được coi là người “không bình thường”. Điều này chỉ có ở giao thông Việt Nam. Đã đến lúc phải thay đổi điều này. Đó là xây dựng văn hoá giao thông.

Lâu nay, chúng ta mới chỉ tập trung vào đối tượng người tham gia giao thông, coi nhẹ trách nhiệm của những người thừa hành nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý giao thông như: Công an, thanh tra giao thông, các cơ quan chức năng quản lý về giao thông. Chính vì vậy mà tính khả thi của pháp luật đã giảm hiệu lực đi rất nhiều. Kết quả tất yếu là luật đưa ra không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Theo tôi, chúng ta phải đặt 2 đối tượng này ngang nhau. Mỗi cơ chế, thể chế, luật lệ ban hành ra đều phải nhằm vào cả hai đối tượng này. Xét về mặt nguyên tắc, khi chúng ta đưa ra một chế tài thì chế tài đó phải mang tính khả thi và thực hiện một cách triệt để, “không được giữa chừng”. Đơn cử như, khi đưa ra một hành vi vi phạm giao thông và muốn xử phạt hành vi đó, thì không chỉ xử phạt người tham gia giao thông mà phải xử cả người quản lý nếu không xử lý đúng.

Tôi rất đồng tình với việc tăng nặng mức xử phạt. Bởi hiện nay, mức xử phạt quá nhẹ, chưa mang tính răn đe. Nhưng về vấn đề thứ 2, thu giữ phương tiện, tôi lại có quan điểm khác. Theo tôi, điều này rất cơ bản và nó chạm gốc của vấn đề xử lý vi phạm giao thông. Hay nói một cách cụ thể là tôi không đồng tình với việc thu giữ phương tiện, vì nó phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp.

Thứ nhất, việc giữ phương tiện dễ nảy sinh tiêu cực. thực tế, Người tham gia giao thông thà chấp nhận phạt nặng, chi tiền hối lộ cho CSGT còn hơn để bị tạm giữ phương tiện, vì mưu sinh, vì sự đi lại dang dở…
Thứ hai, tạm giữ phương tiện sẽ gây lãng phí thời gian đi lại, phương tiện nằm im không phát huy được giá trị, gây lãng phí, chưa nói đến việc chúng ta hiện đang rất thiếu bến bãi, nơi tạm giữ phương tiện.

Như vậy, cần phải cân nhắc kỹ trước khi tạm giữ phương tiện, cần phân biệt những hành vi nào, mức độ vi phạm nào mới phải tạm giữ phương tiện. Có thể hiểu đó là những hành vi vi phạm đặc biệt, gây nguy hiểm cho xã hội như: Đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây tai nạn bỏ chạy… Còn với những hành vi khác như vượt đèn đỏ, sai làn đường, không bật đèn… thì nên phạt thật nặng (tính tương đương cả phí của những ngày nếu tạm giữ phương tiện).

Tôi nghĩ, chế tài tăng nặng như thế đã đủ đánh vào ý thức người tham gia giao thông. Nếu anh bị phạt 5-10 triệu cho các lỗi vi phạm đi quá tốc độ, vượt đèn đỏ, sai làn đường… đảm bảo người tham gia giao thông sẽ “nhớ lâu” và không  muốn vi phạm trở lại.

Ùn tắc giao thông vẫn xảy ra trong giờ cao điểm

Xoá mãi lộ bằng cơ chế

Sẽ có ý kiến cho rằng nếu phạt càng cao thì nạn mãi lộ càng nhiều, bởi số người vi phạm vì bị phạt cao sẽ sẵn sàng hối lộ lực lượng chức năng với số tiền thấp hơn tiền phạt, phạt cao thì mãi lộ phải cao hơn. Khi ấy nạn mãi lộ sẽ càng có cớ để “phát triển”. Vậy làm gì để xóa được nạn mãi lộ? 

Theo quan điểm của tôi, mục tiêu của chúng ta là đánh vào ý thức người tham gia giao thông chứ không phải thu tiền nộp vào ngân sách nhà nước. Chính vì thế, nên chăng, toàn bộ số tiền xử phạt để lại hết cho đơn vị trực tiếp xử phạt. Bởi lẽ, người điều hành giao thông hằng ngày rất vất vả. Dầm mưa, dãi nắng, trong khi cơ chế tiền lương hiện tại không tương xứng với những nguy hiểm, khó khăn, vất vả. Với những đặc thù của ngành giao thông, số tiền xử phạt nên chi cho các hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tất nhiên, việc chi tiêu như thế nào sẽ phải có cơ chế, chính sách cụ thể, nhưng phải theo nguyên tắc, những người làm trực tiếp sẽ đáng được hưởng tương xứng, không được cào bằng. Quyền lợi phải đi kèm với trách nhiệm, có như vậy mới hy vọng xoá mãi lộ. Một khi còn nhận hối lộ, đút lót, là tiếp tay cho phạm tội, là làm ngơ để người tham gia giao thông vi phạm, và đây chính là nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông.

Xã hội hoá phạt nguội

Lâu nay, chúng ta đã áp dụng nhiều hình thức xử phạt đối tượng tham gia giao thông vi phạm, nhưng vì sao không triệt để, theo tôi nên tăng cường biện pháp xử phạt “nguội”, hay còn gọi là xử phạt gián tiếp qua hình ảnh. Cách xử phạt này đã được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng và mang lại hiệu quả.

Có 3 lý do khiến chúng ta chưa thể áp dụng hình thức này, đó là thiếu hệ thống camera trên đường, do việc quản lý phương tiện lỏng lẻo dẫn đến số phương tiện tham gia giao thông không chính chủ còn khá phổ biến, do không đủ lực lượng để phạt “nguội” người vi phạm. Tôi xin đề xuất 3 giải pháp cho vấn đề này.

Thứ nhất, xây dựng hệ thống camera giám sát giao thông theo hình thức xã hội hoá. Thay vì nhà nước bỏ tiền đầu tư, cho phép tư nhân hay tổ chức xã hội đầu tư xây dựng hệ thống camera giám sát, quản lý vận hành tại các ngã tư, các cung đường có nguy cơ mất an toàn. Vấn đề ở đây là xây dựng cơ chế để tư nhân, doanh nghiệp dám đầu tư, yên tâm đầu tư. Cơ chế ở đây có thể hiểu là việc chia lại một phần số tiền thu được từ xử phạt nguội cho doanh nghiệp, cá nhân chịu trách nhiệm xây dựng và duy trì hệ thống.

Thứ 2, để xử phạt nguội đòi hỏi tất cả phương tiện phải chính chủ, có tên tuổi, có khai báo địa chỉ rõ ràng. Nên chăng cần phải ban hành quy định cho phép đăng ký, chuyển đổi chính chủ dễ dàng, miễn hoàn toàn phí trước bạ khi thay đổi chủ xe. Nếu đã có quy định, ai không thực hiện sẽ tịch thu phương tiện sung công quỹ.

Khi chủ phương tiện vi phạm không tự giác tới nộp phạt, sau 3 lần gửi thông báo theo địa chỉ đăng ký sẽ tịch thu phương tiện và thông báo rộng rãi. Để xử phạt công khai minh bạch, sẽ xây dựng hệ thống tư liệu xử phạt trên website riêng, công bố xe vi phạm theo tháng. Người dân có thể vào tra cứu theo biển số phương tiện để biết mình đã vi phạm bao nhiêu lần trong tháng và tự giác đi nộp phạt. Cùng với đó là chế tài khuyến khích ý thức tự giác của người dân, ví như tự giác nộp phạt ngay khi nhận được thông báo sẽ được giảm 10% số tiền xử phạt…

Thứ ba, Nhà nước quy định rõ ràng việc thu, chi tiền thu được từ xử phạt nguội. Số tiền này sẽ chia làm 2 phần theo tỉ lệ tương ứng, đơn vị đầu tư, duy trì hệ thống; đơn vị thực thi pháp luật và bộ máy vận hành. Có kinh phí, đầu tư có lãi, bộ máy hoạt động đảm bảo hiệu quả, không nảy sinh tiêu cực.

Nếu làm được những vấn đề trên, ý thức chấp hành luật giao thông của người  dân sẽ được cải thiện đáng kể. Chưa cần phải đầu tư nhiều tiền để thay đổi cơ sở hạ tầng, chỉ tiêu giảm ùn tắc và tai nạn giao thông chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số khiêm tốn 5%-10% mà sẽ lên đến 30%.

Lê Xuân Luyện

Phạt nguội vì sao chưa hiệu quả?

Công an Hà Nội vừa đề xuất Chính phủ và UBND thành phố cấp kinh phí để phạt nguội ô tô đi sai làn đường và các vi phạm giao thông khác. Theo đó ngoài hệ thống thử nghiệm 40 camera hiện nay áp dụng xử phạt nguội, dự kiến đầu năm 2015 Hà Nội sẽ có 450 camera được lắp tại 4 quận nội thành để phục vụ cho công tác theo dõi và xử phạt vi phạm giao thông.

Các tuyến đường được đề xuất lắp camera là Thăng Long - Nội Bài, quốc lộ 1A, 1B, 5, 6…và các tuyến phố Huế - Hàng Bài- Kim Mã- Tràng Thi- Giải Phóng… Các hình ảnh ô tô vi phạm như chạy quá tốc độ, đi sai làn, không chấp hành đèn tín hiệu sẽ được lưu lại đến khi xử phạt thì in ra cho người điều khiển ô tô thấy rõ đã vi phạm như thế nào và vi phạm bao nhiêu lần.

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, CSGT Hà Nội đã và đang thực hiện phạt nguội phương tiện vi phạm, nhưng còn ở quy mô nhỏ. Năm 2013, qua hệ thống camera giám sát, CSGT đã xử lý 460 trường hợp vi phạm, tạm giữ 460 bộ giấy tờ, tước GPLX 102 trường hợp, trong đó xe chở khách chiếm đa số với 346 xe, 103 xe tải…  CSGT đã gửi 113 thông báo vi phạm cho tổ chức, cá nhân vi phạm về nơi cư trú.

Nhưng khó khăn lớn nhất khi áp dụng “phạt nguội” vi phạm giao thông qua hệ thống camera là việc xác minh phương tiện vi phạm. Tình trạng các phương tiện vi phạm mà không phải chính chủ diễn ra phổ biến. Việc gửi thông tin rồi chờ chủ xe vi phạm đến nộp tiền rất khó khăn, bởi chúng ta thiếu một cơ chế đồng bộ.

Thu Hương

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này