Trục lợi bảo hiểm: Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

09:57 | 25/08/2016
Vụ việc chị Lý Thị N. (30 tuổi, trú ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã thuê người chặt chân, tay để được chi trả tiền bảo hiểm đang gây xôn xao dư luận. Báo Lao động Thủ đô đã phỏng vấn luật sư Đào Trung Kiên - Công ty Luật TNHH Everest - về trách nhiệm của những người liên quan đến vụ việc.
co bi truy cuu trach nhiem hinh su Chặt tay, chân để đòi bảo hiểm 3,5 tỉ đồng
co bi truy cuu trach nhiem hinh su
Luật sư Đào Trung Kiên.

Theo Luật sư Kiên: Đây là một vụ việc hiếm thấy trong lịch sử tố tụng. Trước đây, chúng ta đã được biết đến một số vụ việc người mua bảo hiểm tự hủy hoại tài sản của mình, tạo dựng các tai nạn, sự kiện bất ngờ để trục lợi tiền bồi thường từ các công ty bảo hiểm (như đốt nhà, đốt tàu, tự gây tai nạn va chạm xe cộ…). Nhưng hầu hết các vụ việc trên đều liên quan đến thiệt hại về vật chất, tài sản được bảo hiểm. Trường hợp của chị N. là bảo hiểm nhân thọ, liên quan đến sức khỏe và tính mạng của con người. Một người phụ nữ mà lại thuê người khác chặt tay, chân của mình để hưởng tiền bồi thường bảo hiểm thì quả thực làm rúng động dư luận.

Trong sự việc này, chị N. đã bị cụt một phần ba bàn tay và một phần ba bàn chân - là mất mát lớn đối với chị N. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 39 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 được sửa đổi bổ sung năm 2010 "người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng" thì doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm. Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm hoặc toàn bộ số phí bảo hiểm đã đóng sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan (Khoản 3 Điều 39 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000).

co bi truy cuu trach nhiem hinh su
Tranh minh họa.

Về trách nhiệm của chị N. trước pháp luật, Luật sư Kiên cho rằng: Theo thông tin từ một số cơ quan báo chí thì sau khi chị N. thuê anh Doãn Văn D. chặt chân, tay của mình, anh D. đã đến công an quận Bắc Từ Liêm trình báo về việc chị N. bị tai nạn giao thông đường sắt. Sau khi cơ quan điều tra tiến hành xác minh và điều tra, đến nay, chị N. và anh D. đã thừa nhận về việc chị N. thuê anh D. chặt chân, tay của mình để được nhận số tiền bảo hiểm tai nạn trong 3 hợp đồng bảo hiểm mà chị N. mua của một số công ty bảo hiểm. Như vậy, có thể thấy chị N. đã có hành vi chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đó là việc tự ngụy tạo tình trạng thương tích của mình, tạo thông tin gian dối để chuẩn bị cho việc chiếm đoạt tiền bồi thường của các công ty bảo hiểm. Trên thực tế, chị N. chưa thực hiện được việc chiếm đoạt tiền của các công ty bảo hiểm. Hành vi của chị N. mới dừng lại tại giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Theo đó, tại Điều 17 BLHS năm 1999 quy định: “Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm. Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện”.

Để xác định chị N. có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” hay không, cần phải làm rõ một số tình tiết, nội dung sau: Cần làm rõ tỉ lệ thương tật, tổn hại sức khỏe của chị N là bao nhiêu %, như thế nào?. Đối chiếu với các điều khoản về bồi thường thiệt hại mà các công ty bảo hiểm và chị N. thỏa thuận với nhau, trong trường hợp này, chị N. sẽ chiếm đoạt được cụ thể bao nhiêu tiền của các công ty bảo hiểm? Trong trường hợp số tiền chị N. dự định chiếm đoạt từ các công ty bảo hiểm có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên thì căn cứ vào các Điều 8, Điều 17, Điều 139 BLHS, chị N. hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khi quyết định hình phạt, Tòa án sẽ áp dụng Điều 52 BLHS để quyết định mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của chị N.

Đối với anh D., hành vi chặt chân và tay chị N. trong sự việc này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo 2 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; đồng phạm với vai trò là người giúp sức trong tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nếu như anh D. biết rõ động cơ, mục đích chị N thuê mình chặt tay, chân của chị N. để làm gì.

Ngày 24.8, CA quận Bắc Từ Liêm cho biết vừa làm rõ vụ trục lợi bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, đêm 5.5, cảnh sát được tin báo từ một thanh niên về vụ tai nạn tại đường sắt qua khu gian Hà Đông - Phú Diễn. Nạn nhân là chị Lý Thị N. (SN 1986, ở huyện Phúc Thọ) bị cụt 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái. Lực lượng công an đã đưa chị N. đi cấp cứu tại Bệnh viện 19.8. Sau 4 ngày, nạn nhân xin chuyển đến Bệnh viện Việt - Đức và bác sĩ tại đây buộc phải tháo bỏ phần thân thể đứt rời do vết thương bị hoại tử... Tại cơ quan công an, chị N. khai, buồn chuyện gia đình nên đi lang thang và bị tàu hút vào, lúc đó có người đi qua và cứu chị N. thoát chết.

Sau hơn 3 tháng, cơ quan công an làm rõ, vụ tai nạn trên không có thật. Thừa nhận với cơ quan điều tra, chị N cho hay, chị ta mua 3 gói bảo hiểm nhân thọ. Do khó khăn về kinh tế, chị N. nghĩ ra cách tự hại thân thể mình để được thanh toán bảo hiểm. Chị N. đã bàn với người quen là Doãn Văn D. và thuê D. chặt chân, tay của chị để được bảo hiểm nhân thọ thanh toán số tiền khoảng 3,5 tỉ đồng.

Hoàng Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này