Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Chú trọng chất lượng hơn số lượng

22:19 | 18/08/2016
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được TP.Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2016, theo kế hoạch, toàn Thành phố sẽ đào tạo nghề cho 30.490 lao động nông thôn với tổng kinh phí đào tạo nghề đạt 69,815 tỉ đồng - gấp 156,9% so với năm 2015.
chu trong chat luong hon so luong Thành phố sẽ đào tạo nghề cho 30.490 lao động nông thôn

Đào tạo nghề cho 30.490 lao động nông thôn

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm, Thành phố đã có 10/20 quận, huyện và thị xã tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với sự tham gia của 52 cơ sở đào tạo nghề. Kết quả, tổ chức được 149 lớp với 5.110 người tham gia học nghề, đạt 17% kế hoạch năm 2016. Cụ thể, nghề nông nghiệp có 87 lớp đào tạo được 3.006 người. Nghề phi nông nghiệp là 62 lớp đào tạo cho 2.104 người. Trong đó, đào tạo nghề cho đối tượng hưởng chính sách, người có công với Cách mạng là 203 người; dân tộc thiểu số là 526 người; hộ nghèo là 501 người; đối tượng bị thu hồi đất 809 người; người khuyết tật 17 người; hộ cận nghèo 2 người; các đối tượng khác là 3.025 người…Trong đó các huyện đều bám sát đặc thù, thế mạnh riêng của địa phương để mở các ngành nghề đào tạo phù hợp cho người lao động.

chu trong chat luong hon so luong
Lớp dạy nghề làm lồng chim ở huyện Thanh Oai.

Hai lĩnh vực nghề được chú trọng là các nghề nông nghiệp như: Trồng nấm, trồng cây ăn quả, chăn nuôi...Nghề phi nông nghiệp như: Tin học văn phòng, may công nghiệp, nấu ăn, điện dân dụng, mây tre đan. Nhiều lao động sau khi học nghề tự tạo việc làm tại gia đình, địa phương như mở quán ăn nhỏ, trồng nấm. Những lao động học nghề kỹ thuật trồng rau an toàn và kỹ thuật chăn nuôi gia cầm đã biết áp dụng kiến thức, kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, phát triển khu trồng rau an toàn và gia cầm đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường nông sản. Đặc biệt có những lao động nông thôn sau khi học nghề đã lập trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp trồng cây cảnh có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng; đồng thời tạo việc làm cho các lao động khác trong xã.

Từ kết quả đạt được, theo kế hoạch năm 2016, toàn Thành phố sẽ đào tạo nghề cho 30.490 lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, gấp 141,7% so với năm 2015. Tổng kinh phí đào tạo nghề đạt 69,815 tỉ đồng, gấp 156,9% so với năm 2015. Đây sẽ là những cơ hội tốt cho các lao động nông thôn được tiếp cận nghề một cách bài bản và có cơ sở để vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Quyết liệt trong đào tạo nghề

Tại hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo và đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội” do UBND Thành phố tổ chức sáng 16.8, các quận, huyện trên địa bàn cho rằng: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Do thời gian thực hiện chỉ tiêu ban hành theo chuẩn nghèo mới khá ngắn, trong khi chỉ tiêu giảm nghèo Thành phố giao cho các đơn vị tương đối cao. Công tác đào tạo nghề chưa sát với thực tế, việc tuyên truyền tư vấn cho người lao động nghề chưa phù hợp. Sau đào tạo nghề, tỉ lệ có việc làm của các lao động còn thấp do kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Giải pháp đào tạo nghề các đơn vị đưa ra là chủ yếu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn để các đối tượng này có thể tự tạo việc làm sau đào tạo nghề. Một số huyện trên địa bàn đã kiến nghị Thành phố xem có cơ chế đặc thù về đào tạo nghề cho các xã dân tộc miền núi như xã An Phú (huyện Mỹ Đức) và xã Ba Vì (huyện Ba Vì)…

Từ kết quả đạt được, theo kế hoạch năm 2016, toàn Thành phố sẽ đào tạo nghề cho 30.490 lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, gấp 141,7% so với năm 2015. Tổng kinh phí đào tạo nghề đạt 69,815 tỉ đồng, gấp 156,9% so với năm 2015. Đây sẽ là những cơ hội tốt cho các lao động nông thôn được tiếp cận nghề một cách bài bản và có cơ sở để vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, ngay từ đầu năm, Thành phố đã rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, song việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới thực hiện được 17% kế hoạch năm. Do đó, những tháng cuối năm, các ngành cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện công tác giảm nghèo cũng như đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phó Chủ tịch đề nghị, các quận, huyện, thị xã phải đánh giá, phân tích cụ thể các hộ nghèo, hộ không có khả năng thoát nghèo, nhóm hộ không có việc làm, nhóm cần đáp ứng tiếp cận thông tin đa chiều… từ đó phân tích từng nhóm, đưa ra nguyên nhân và giải pháp cho từng nhóm cụ thể. Ngoài ra, các địa phương cần đưa ra các giải pháp giảm nghèo một cách tích cực, tập trung vào 7 dịch vụ: Hỗ trợ tạo việc làm, phối hợp doanh nghiệp tạo việc làm sau đào tạo, hỗ trợ vay vốn xuất khẩu, có những chính sách liên quan dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin nước sạch, nhà ở…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng khẳng định, đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Vì vậy, để làm tốt công tác này, Phó Chủ tịch đề nghị các đơn vị rà soát, phân loại các đối tượng để đạt hiệu quả cao trong công tác đào tạo. Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cho rằng: Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần chú trọng đến chất lượng hơn số lượng, nên ngay từ đầu phải có sự giám sát chặt chẽ từ chương trình, nội dung giảng dạy đến việc sắp xếp thời gian học, lớp học cho các đối tượng… Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đợt kiểm tra toàn diện công tác đào tạo vào cuối năm 2016. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ nay đến năm 2020…

Trần Vũ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này