Xã hội hóa sân khấu Thủ đô còn nhiều lúng túng!

06:20 | 06/08/2016
Theo lộ trình xã hội hóa của sân khấu Hà Nội, đến năm 2020, 100% số nhà hát công lập đều phải tự chủ hoạt động, nhưng tới nay, sân khấu Hà Nội vẫn còn nhiều lúng túng. Xem ra “cái đích” của việc xã hội hóa hoạt động sân khấu vẫn khá xa vời.

Bước đầu của công cuộc tự chủ

Năm 2015, Bộ VHTTDL đã chọn 5 đơn vị nghệ thuật thí điểm hoạt động theo cơ chế tự chủ. Sang năm 2016, tiếp tục có thêm 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ bước vào lộ trình này, trong đó có Nhà hát Kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam,…

Theo đó, năm nay, các đơn vị nghệ thuật Nhà nước sẽ bị cắt giảm 30% ngân sách và bước sang năm 2017, mọi đơn vị nghệ thuật phải đối diện với mức giảm 60%. Về cơ bản, đến năm 2018, sân khấu kịch sẽ xã hội hóa hoàn toàn. Trong đó, 5 đơn vị sân khấu của Hà Nội gồm: Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Hà Nội sẽ chính thức xã hội hóa vào năm 2020.

con nhieu lung tung
Vở “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam là ví dụ thành công điển hình trong quá trình xã hội hóa hoạt động sân khấu.

Như vậy, từ thời điểm này, chặng đường xã hội hóa của sân khấu Thủ đô chỉ còn 4 năm nữa để thực hiện. Thế nhưng, trong số 5 nhà hát công lập ở Hà Nội, hiện chỉ có Nhà hát Múa rối Thăng Long là đã tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động. Hơn 15 năm qua, đây là đơn vị nghệ thuật đầu tiên và duy nhất của Hà Nội thực hiện xã hội hóa và tự chủ 100% kinh phí hoạt động.

Bên cạnh đó, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng đã tiến hành xã hội hóa hoạt động được khoảng 30% - 50%. Các nhà hát còn lại còn rất lúng túng. Thỉnh thoảng, họ mới kiếm được nguồn tài trợ để dựng vở, kiểu “được chăng hay chớ”. Việc đến các doanh nghiệp để “xin tiền” tài trợ khiến không ít nghệ sĩ kêu khó, kêu ngại. Thiếu tính chiến lược nên chủ yếu các đơn vị này chủ yếu vẫn trông chờ vào ngân sách Nhà nước.

Cần lộ trình cụ thể

Rõ ràng, chủ trương xã hội hóa sân khấu sẽ giúp cho các đơn vị nghệ thuật chủ động hơn trong việc quản lý chi tiêu tài chính của đơn vị, thu nhập của người lao động từ đó cũng sẽ được cải thiện hơn, đặc biệt là xóa bỏ sự trì trệ trong tư duy bao cấp.

ở Hà Nội, hiện chỉ có Nhà hát Múa rối Thăng Long là đã tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động. Hơn 15 năm qua, đây là đơn vị nghệ thuật đầu tiên và duy nhất của Hà Nội thực hiện xã hội hóa và tự chủ 100% kinh phí hoạt động.

Nhìn lại những bước đầu của lộ trình cắt giảm ngân sách, dù có nhiều gian nan, song ở một số đơn vị nghệ thuật cái khó vẫn “ló” cái khôn” và ít nhiều đã có được những thành công nhất định. Nhà hát Tuổi Trẻ là một trong những đơn vị điển hình trong việc kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ, qua dự án “Chắp cánh niềm tin” hợp tác với ngân hàng SHB trị giá 4 tỉ đồng. Nhà hát Kịch Việt Nam cũng thành công trong việc kêu gọi Tập đoàn Hoa Sen thực hiện 10 suất miễn phí vở hài kịch “Bệnh sĩ" tại 7 tỉnh, thành phía Bắc và gần đây là việc đưa vở “Hamlet” sang Singapore biểu diễn. Nhà hát Cải lương Việt Nam đã tìm nguồn xã hội hóa để dựng vở diễn tiền tỉ như “Mai Hắc Đế”, “Chuyện tình Khau Vai”,…

Tuy nhiên, khi chính thức bước vào lộ trình xã hội hoá, nhiều đơn vị nghệ thuật, cũng như các nghệ sĩ không tránh khỏi trăn trở. Bởi trong điều kiện khó khăn hiện nay, nhiều đơn vị vẫn còn đang thiếu rạp hát, thiếu nguồn nhân lực trẻ, trang thiết bị còn lạc hậu,…thì việc cắt giảm ngân sách này chắc chắn sẽ khiến lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật “đau đầu” về bài toán kinh tế.

Tại hội thảo “Sân khấu Hà Nội với xã hội hóa” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức vừa qua, lãnh đạo các nhà hát của Hà Nội đều kiến nghị, Nhà nước chưa nên thực hiện xã hội hóa ngay, mà cần có thời gian để các đơn vị chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để họ có thể dần thích nghi với cơ chế thị trường hiện nay. NSND Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội - thẳng thắn cho rằng, đã đến lúc sân khấu Hà Nội không thể sống mãi bằng ngân sách Nhà nước, song đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống (như tuồng, chèo, cải lương...), Nhà nước cần phải có những chính sách đặc thù cho các đơn vị này.

Theo NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, các đơn vị sân khấu của Hà Nội cần có những đề án thực hiện xã hội hóa với những lộ trình cụ thể, bởi cái mốc năm 2020 các đơn vị nghệ thuật phải thực hiện tự chủ tài chính 100% không còn bao lâu. Có đề án, thì mới có những giải pháp thực hiện. NSND Lê Tiến Thọ cũng đề xuất Hà Nội nên thành lập Quỹ Phát triển nghệ thuật sân khấu Thủ đô, huy động từ khán giả, từ các thành phần kinh tế đầu tư trở lại cho nghệ thuật.

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này