Sốt xuất huyết: Căn bệnh không thể coi thường

15:27 | 28/07/2016
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2016 tới nay trên cả nước, số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng đáng ngại, số trường hợp tử vong lên tới 14 người, riêng trong tháng 7 đã ghi nhận 5.561 trường hợp mắc, trong đó có 2 trường hợp tử vong. 
sot xuat huyet can benh khong the coi thuong Sốt xuất huyết: 12 trường hợp tử vong
sot xuat huyet can benh khong the coi thuong Muỗi vằn “vũ khí” quan trọng chống lại Zika
sot xuat huyet can benh khong the coi thuong Thiếu niên 15 tuổi tử vong do sốt xuất huyết

Theo PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế, thời gian tới, dịch sốt xuất huyết sẽ còn diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quan tâm và chỉ đạo UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo duy trì, triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt, bọ gậy tại các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh.

sot xuat huyet can benh khong the coi thuong
Phun hóa chất diệt trừ muỗi, lăng quăng.

Đồng thời tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình tại các ổ dịch theo chỉ định của ngành Y tế và xử lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Xác định các điểm nóng để tập trung nguồn lực, giải quyết triệt để, bảo đảm không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.

Ngoài ra, các địa phương cần tính tới phương án ứng phó kịp thời khi dịch lan rộng như: phân tuyến, chỉ đạo tuyến, giải quyết vấn đề nhân lực, chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, thuốc… điều trị kịp thời, không để xảy ra ca bệnh tử vong.

Bên cạnh đó, theo ông Phu, các cơ sở khám chữa bệnh, cần tổ chức tốt việc điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Đặc biệt tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, tránh trường hợp bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, dẫn đến tình trạng khi nhập viện thì đã nặng, nguy cơ tử vong cao. Đồng thời, có kế hoạch hỗ trợ cán bộ có kinh nghiệm điều trị cho tuyến dưới để hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

Hiện nay, tại Việt Nam, đang lưu hành 4 tuýp virus sốt xuất huyết. Bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên người đã mắc vẫn có thể mắc lại.

Vì vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh là người dân cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; tích cực dọn dẹp nhà cửa; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ,...

Đặc biệt, khi ngủ người dân nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột (39- 40 độ C), khó hạ sốt; đau đầu dữ dội, có thể nổi mẩn, phát ban; diễn biến nặng hơn có dấu hiệu xuất huyết, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm... khi thấy các triệu chứng trên, người dân cần chủ động đến các cơ sở y tế sớm ngay khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên để được khám, điều trị sớm nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong.

PT (Tổng hợp)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này