Tiêu thụ thực phẩm an toàn:

Nông thôn cần được thụ hưởng công bằng

15:24 | 28/07/2016
Trong khi thực phẩm an toàn đang được các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng chú trọng phát triển, thậm chí là hình thành những chuỗi tiêu thụ khép kín, thì có một nghịch lý xảy ra, khi những chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn này chỉ được tập trung và bán tại các thành phố lớn, trong khi đó, rất nhiều người dân ở nông thôn cũng mong muốn được tiêu thụ thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, hiện tại, người tiêu dùng ở nông thôn vẫn khó tiếp cận được…
nong thon can duoc thu huong cong bang Quận Đống Đa khai trương mô hình cung cấp thực phẩm an toàn
nong thon can duoc thu huong cong bang Kinh doanh, sản xuất thực phẩm sạch: Sân chơi của các doanh nghiệp

Nông thôn khó tiếp cận thực phẩm an toàn?

Theo thống kê từ Bộ NNPTNT cho thấy, hiện nay tại các thành phố lớn, kênh phân phối thực phẩm an toàn, hiện đại và được tổ chức theo chuỗi chiếm khoảng trên 25%, tổng lượng tiêu thụ nông sản tươi sống trên thị trường.

nong thon can duoc thu huong cong bang
Người dân nông thôn hiện vẫn khó tiếp cận được với chuỗi thực phẩm an toàn

Từ số liệu trên cho thấy, xu thế phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn đang được quan tâm và phát triển đúng hướng, cùng với đó là sự ra đời của hàng loạt cơ sở phân phối hiện đại như: Chuỗi cửa hàng an toàn thực phẩm, siêu thị…với sự kết nối, giám sát do các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cùng phối hợp tổ chức.

Với nhu cầu thực tế, cùng với tốc độ phát triển nhanh của loại hình này, cơ quan Bộ NNPTNT cũng dự báo, đến năm 2020, mặt hàng nông, lâm, thủy sản an toàn được cung ứng tại các kênh phân phối hiện đại có thể lên đến trên 40% thị phần trong nước.

Trước sự phát triển nhanh chóng của mô hình sản xuất, cung cấp chuỗi thực phẩm an toàn tại các thành phố lớn, rất nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho rằng, việc phát triển này tựu chung vẫn là để đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng ở thành phố. Nông sản an toàn chưa thể cung ứng được cho các vùng nông thôn bởi một thực tế là: Tư duy truyền thống, cơ sở vật chất và sản phẩm bán với giá cao.

Theo chị Thu Trang (Phú Sơn, huyện Ba Vì, HN), hiện nay, nhu cầu được thụ hưởng thực phẩm sạch, an toàn, không chỉ là nhu cầu của mỗi người dân thành phố, mà là nhu cầu chung của toàn xã hội.

Thế nhưng, một thực tế cho thấy, hầu hết thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch sản xuất theo chuỗi chỉ được bán tại các siêu thị, các chuỗi cửa hàng chuyên dụng, trung tâm thương mại và nó chủ yếu tập trung tại thành phố và giá thành lại khá đắt đỏ.

Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NNPTNT) đưa ra cho thấy, hiện nay có khoảng 85 cơ sở tại 18 tỉnh, thành trên cả nước, được cấp chứng nhận chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn.

Trong đó, có một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào lĩnh vực này như: VinGroup, Hoàng Anh Gia Lai, Ngân hàng Bắc Á…đầu tư vùng sản xuất, vùng nguyên liệu ở vùng nông thôn tại các tỉnh, thành ven trung tâm thành phố. Tuy nhiên, mục tiêu của các doanh nghiệp này vẫn là đảm bảo nguồn cung cho chuỗi cửa hàng an toàn tại các trung tâm thành phố lớn, thậm chí nguồn cung ấy vẫn còn chưa đủ.

Điều này cho thấy, hàng triệu người tiêu dùng nông thôn sẽ còn rất lâu mới có thể được tiếp cận với chuỗi thực phẩm an toàn và được thụ hưởng thực phẩm an toàn, bởi hệ thống cung ứng vẫn là một khoảng trống chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều ở khu vực nông thôn.

Cần có sự thụ hưởng công bằng

Theo chuyên gia kinh tế Đặng Đình Tiền, mạng lưới các chợ truyền thống ở nước ta hiện nay khá đa dạng, được phân bố nhỏ lẻ và len lỏi đến tận mọi ngõ ngách, xã, phường…các mặt hàng chủ yếu vẫn là thực phẩm, thịt, gia cầm, hải sản, rau. Nhưng có an toàn hay không, được kiểm định chặt chẽ hay không thì người tiêu dùng ở nông thôn khó có thể nhận biết.

Do đó, không chỉ riêng đối với ngành nông nghiệp, mà bất cứ ngành hàng tiêu dùng nào khác, phân phối là một kênh cực kỳ quan trọng trong chuỗi cung ứng sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm đặc thù với yêu cầu về độ an toàn cao. Vì thế, việc phát các kênh phân phối hiện đại là cực kỳ quan trọng.

Vấn đề an toàn thực phẩm, cũng như vấn đề giúp người dân nông thôn tiếp cận được với nguồn thực phẩm an toàn, không chỉ là vấn đề quan tâm của Bộ NNPTNT, Bộ Y tế, mà ngay đến Bộ Công Thương cũng đã có rất nhiều chính sách, hoạt động nhằm khuyến khích xây dựng, phát triển hệ thống cung ứng chuỗi thực phẩm an toàn đến mọi tầng lớp nhân dân như: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, xây dựng mở kênh phân phối hiện đại; đầu tư, cải tạo xây mới hạ tầng chợ, đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm tại nhiều tỉnh thành trên cả nước…

Khó khăn lớn nhất và cũng là một trong những hạn chế để các doanh nghiệp xây dựng, phân phối sản phẩm theo chuỗi, chính là trách nhiệm của các doanh nghiệp khi tham gia chưa thật sự nghiêm túc.

Từ câu chuyện cấp giấy chứng nhận VietGAP, đến việc chứng nhận cơ sở đủ tiêu chuẩn xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, vấn để duy trì hệ thống, nguồn nguyên liệu…khiến người tiêu dùng cảm thấy bất an.

Giờ đây, khó khăn thứ hai đối với các doanh nghiệp chính là việc xây dựng chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn ở nông thôn, bởi sự thiếu nguồn lực và nguồn lợi kinh tế đưa về thiếu sự ổn định.

“Người tiêu dùng nông thôn có được sử dụng thực phẩm an toàn hay không, hiện vẫn phải phụ thuộc vào chính sách, chiến lược phát triển của các bộ, ngành và đặc biệt là của doanh nghiệp. Vấn đề này không thể giải quyết trong một sớm, một chiều, vì thế người tiêu dùng nông thôn còn rất lâu nữa mới có thể tiếp cận được với chuỗi thực phẩm an toàn”- ông Tiền chia sẻ.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này