Làng thuốc nam giữa lòng Hà Nội xưa

13:43 | 28/07/2016
Bây giờ, nhắc đến làng thuốc nam Đại Yên ở phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) xưa kia hẳn không mấy ai còn biết tới, bởi lẽ trong sự phát triển của đô thị hóa, những mảnh đất trồng thuốc nam xưa đã trở thành những “tấc vàng” cùng với sự nhập cư của những người dân nơi khác tới. Với sự bê-tông hóa cùng những ngôi nhà cao tầng san sát, làng thuốc nam Đại Yên gần như chỉ còn là hoài niệm của Hà Nội xưa.
tin nhap 20160728133832 Xẩm hồi sinh giữa lòng Hà Nội
tin nhap 20160728133832 Hồn quê giữa lòng Hà Nội

Làng Đại Yên Hà Nội khi xưa vốn nổi tiếng với nghề trồng cây, bốc thuốc nam. Từ ngôi làng nhỏ bé nằm ở "ngoại ô" Hà Thành cổ, là thuốc, dược liệu được đưa đi khắp các chợ Hà Thành. Dân làng ở đây không chỉ trồng mà còn đi khắp các vùng miền, rừng núi để tìm cây, cỏ, lá thuốc nam về chữa bệnh.

tin nhap 20160728133832
Cảnh bán thuốc nam của làng Đại Yên.

Trong thần tích của Đại Yên còn ghi: Ngọc Hoa Công chúa chính là Bà Tổ của nghề - người đã đem thuốc nam phổ biến cho dân làng. Vào thời nhà Lý thế kỷ XI, một cô gái tên là Trần Ngọc Tường mới 9 tuổi, nhưng đã rất giỏi chữa bệnh bằng các loại lá cây. Quân lính của Lý Thường Kiệt qua đây bị mắc bệnh, đã được cô chữa trị và nhờ đó, quân ta đã đánh thắng giặc. Ngọc Tường được nhà Vua triệu vào cung và phong làm Ngọc Hoa Công chúa, nhưng vì nhớ mẹ, cô đã trở lại làng Đại Bi (Đại Yên ngày nay) và truyền lại nghề thuốc cho dân. Cũng bởi thế, hầu như, người làm nghề này ở làng đa phần là phụ nữ. Cứ đúng dịp 13-14.3 âm lịch, làng Đại Yên lại tổ chức hội làng linh đình, con cháu tề tựu đông đủ, cúng thành hoàng, tưởng nhớ công lao của Ngọc Hoa Công chúa, đồng thời nhắc nhở thế hệ sau tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống tôn quý này.

Theo lời các bậc cao niên, trước đây ở Đại Yên, gia đình nào cũng có một vườn cây thuốc. Những thập niên 70-80 của thế kỷ XX, cả làng là vựa thuốc đông dược cung cấp cho các nơi như Viện Y học cổ truyền Việt Nam, Đại học Dược Hà Nội. Thậm chí, hàng thuốc nam xuất xứ từ đây còn được bày bán hầu khắp các chợ ở Đồng bằng Bắc bộ. Có những gia đình nhiều đời cha truyền con nối nghề này.

Điều đặc biệt, người Đại Yên không chữa bệnh theo cách bắt mạch và kê đơn như thường thấy ở các nhà thuốc y học cổ truyền Việt Nam. Người khám bệnh chỉ lắng nghe khách hàng kể các triệu chứng, hỏi các biểu hiện của bệnh và dựa vào kinh nghiệm sẵn có để cho thuốc uống. Kinh nghiệm bốc thuốc của người làng được ông bà, cha mẹ truyền lại cho từ tấm bé. Các trò chơi của trẻ làng ngày trước là đố nhau các loại lá thuốc, thách nhau tìm các loại lá thuốc quanh làng, rồi đố nhau gọi tên. Chính nhờ những trò chơi tuổi thơ đã khắc sâu vào tâm thức những kinh nghiệm quý báu, nên thậm chí có những cụ bà dù nhắm mắt, vẫn có thể nói được mình cầm loại lá gì, héo hay tươi và chữa được những bệnh gì…

Được biết, xưa kia vào mỗi buổi chiều, thuốc nam thu hoạch từ các khu vườn của làng Đại Yên được bày bán ở một chợ cóc nhỏ ngay cạnh cổng làng, người mua kẻ bán luôn tấp nập. Song, hình ảnh ấy, tiếng thơm ấy dường như chỉ còn là hoài niệm. Trong sự phát triển của đô thị hóa, những mảnh đất trồng thuốc nam xưa đã trở thành những “tấc vàng” cùng với sự nhập cư của những người dân nơi khác tới. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Làng Đại Yên đã trở thành khu dân cư của 10 tổ dân phố thuộc phường Ngọc Hà.

Bây giờ, người ta chẳng còn mặn mà với cái nghề vất vả, cầu kỳ mà thu nhập thấp. Chỉ vài nhà còn sót lại mảnh đất nhỏ để trồng thuốc nam phục vụ cho chính gia đình hay bạn bè thân hữu, thỉnh thoảng mang ra cổng làng “bán chơi” như một cách cố níu giữ ký ức về làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời của kinh kỳ.

Lê Mai

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này