Gốc của vấn đề là từ nhà sản xuất

11:55 | 15/07/2016
Vừa qua, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội để triển khai kế hoạch phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2016.
goc cua van de la tu nha san xuat Cẩn thận với mác "Rau sạch"
goc cua van de la tu nha san xuat Đắt như... bữa rau ngày Tết
goc cua van de la tu nha san xuat Rau sạch - giá rẻ, vì sức khỏe người dân
goc cua van de la tu nha san xuat Người tiêu dùng làm gì để bảo vệ mình?

Góp ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, Chương trình 90 (phối hợp giữa UBTUMTTQ Việt Nam với các bộ, ngành, tổ chức chính trị, đoàn thể) sẽ mở ra sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc bảo đảm ATTP. Đây là nhiệm vụ của toàn dân, không phải của riêng bộ, ngành nào. Theo ông Long, trong chương trình phối hợp cần làm rõ trách nhiệm các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc bảo đảm ATTP.

goc cua van de la tu nha san xuat
Sản xuất rau an toàn là yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Còn ông Lê Tiến Châu- Thứ trưởng Bộ Tư pháp - cho rằng, cái gốc của vấn đề bảo đảm ATTP thuộc về nhà sản xuất. Việc vận động các doanh nghiệp thực hiện bảo đảm ATTP không khó, nhưng với những người nông dân, những hộ sản xuất nhỏ lẻ, thì cần phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp để vận động, chia sẻ với người nông dân về kinh nghiệm, vốn, giống, làm sao cho họ thấy được lợi ích khi sản xuất bảo đảm ATTP.

Đồng với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám khẳng định, để vận động và giám sát bảo đảm ATTP, việc thực thi ở địa phương là rất quan trọng. Do đó, nên để mục trách nhiệm của UBND các địa phương cụ thể hơn, trong đó cần nhấn mạnh vai trò người đứng đầu. Cùng với đó, việc thanh tra, kiểm tra ATTP không nên thực hiện theo kế hoạch mà chỉ thực hiện đột xuất.

Từ các tham luận và kiến nghị của các bộ, ngành liên quan, Chủ tịch UBTUMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, ATTP là vấn đề bức xúc kéo dài, đây là việc cần có thời gian ít nhất 5 năm mới tạo chuyển biến căn bản. Chủ tịch nêu rõ, không thể chỉ có Mặt trận thực hiện mà cần sự chung tay của các tổ chức đoàn thể, các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, việc chuẩn bị các điều kiện căn bản để triển khai hiệu quả là rất cần thiết. Trước hết, cần tạo chuyển biến trong sản xuất an toàn, trong đó vận động người sản xuất trở thành người sản xuất an toàn, trở thành người đồng hành cùng cơ quan quản lý để bảo đảm ATTP. Vấn đề đặt ra là người trong cuộc cần thay đổi nhận thức về sản xuất an toàn, muốn thế, phải đẩy mạnh sự vận động.

Do đó, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ngay trong quý III/2016, các bộ, ngành cần ban hành xong hướng dẫn quy trình sản xuất, kinh doanh sạch, qua đó vận động, hướng dẫn người dân sản xuất sạch. Sau khi có hướng dẫn, vận động mà vẫn diễn ra tình trạng sản xuất bẩn sẽ có chế tài xử lý. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Quan trọng nhất là cần vận động để thay đổi nhận thức; cùng với đó, Nhà nước tăng cường quản lý, đoàn thể giám sát để bảo đảm lợi ích người dân theo quy trình cụ thể. Các bộ, ngành xây dựng quy trình giám sát, Mặt trận sẽ thực hiện giám sát thực hiện bảo đảm ATTP.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, ngay sau khi có kế hoạch thống nhất, các bộ, ngành cần tập trung hướng dẫn triển khai theo ngành dọc. Việc xây dựng chế tài xử phạt sẽ được thực hiện theo từng bước, tập trung ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. 5 tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần tuyên truyền vận động đối với từng hộ dân, trong đó quan trọng nhất là xã hội cần lên án những đối tượng vi phạm ATTP; khơi dậy "Tòa án lương tâm". Bản chất ATTP không phải là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề văn hóa. Phải hình thành nếp sống văn hóa nông dân Việt Nam là người sản xuất an toàn, người Việt Nam được dùng thực phẩm an toàn...

A. Tùng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này