Làm thì khó đấy!

08:46 | 07/07/2016
Tớ nhớ không nhầm thì cách nay vài năm, anh em mình đã bàn chuyện “phí” ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. Đúng quá rồi bác. Em còn nhớ báo chí phản ánh nhiều xã nghèo của huyện Hậu Lộc ngày ấy đè thu mỗi hộ đến gần hai chục loại phí.
lam thi kho day Là nóng ở chỗ ấy!
lam thi kho day “Con sâu bỏ rầu nồi canh”

- Đúng thế, tưởng đã đã dẹp rồi, ai dè mới đây lại rộ chuyện thu phí ở Hậu Lộc.

- Cụ thể thế nào bác?

- Ở xã Minh Lộc, Hậu Lộc không những thu các khoản phí Nhà nước đã bãi bỏ, mà ngay cả trẻ sơ sinh, chỉ cần có tên trong hộ khẩu là phải “cõng” một loạt các loại phí. Theo người dân địa phương, cứ có giấy khai sinh, cứ có tên trong sổ hộ khẩu là phải đóng hết.

-Phí gì mà lạ thế bác, trẻ sơ sinh cũng phải đóng như người lớn à?

-Thế mới lạ. Tại thông báo của thôn gửi về cho các hộ dân ghi  rõ: “Thu quỹ thiếu niên, bóng đá là 30.000đ/khẩu/năm, phúc lợi xã hội 20.000đ/khẩu/năm, quỹ thôn làng văn hóa 20.000đ/khẩu/năm, quỹ khuyến học 10.000đ/khẩu/năm, quỹ họp dân là 50.000đ/hộ/năm”.

-Rõ khổ. Mới sinh ra biết gì mà bóng đá với chả văn hóa. Hay thu thế để hạn chế sinh đẻ?

-Tầm bậy. Để tận thu nuôi cán bộ thì có.

-Dù sao cũng còn hơn trước, chưa đến chục khoản. Vậy là khá hơn rồi.

-Đâu có, còn nhiều lắm. Nếu chú muốn, tớ kể thêm: Quỹ đền ơn đáp nghĩa 7.000đ/lao động/năm; quỹ bảo trợ trẻ em: 5.000đ/hộ/năm; quỹ chăm sóc người cao tuổi: 10.000đ/lao động/năm; quỹ an ninh - quốc phòng: 40.000đ/hộ/năm; quỹ phòng, chống thiên tai: 15.000đ/lao động/năm…

-Vẫn còn nữa hả bác, thôi nghe buốt ruột lắm. Bác cứ kể, em nhẩm tình cũng đến hàng trăm chứ ít à.

-Lại chả thế. Ngoài cái vô lý của nhiều loại thuế, tớ còn băn khoăn tiền phí ấy tiêu như thế nào.

-Minh bạch sao được, mà bác vừa nói để nuôi cán bộ là gì?

-Nuôi cũng chả nhiều đến như vậy. Xã Minh Lộc có 2.900 hộ với hơn 14.000 khẩu thì riêng một năm, số tiền mà người dân đóng góp phục vụ quỹ ở thôn, xã lên đến hàng tỉ đồng cơ mà.

-Vậy tiêu sao cho hết bác nhể?

-Vẫn thiếu đó. Đã thu phí hỗ trợ trẻ em, bóng đá…vậy mà cứ hễ tổ chức gì cho các cháu, hoặc có hoạt động gì mang tính cộng đồng, họ lại vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ.

-Em hỏi bác, nếu hộ nào nghèo quá không có tiền nộp thì sao? Nhiều loại phí theo em biết chỉ mang tính vận động không được áp đặt.

-Thì thế, nhưng ở xã Minh Lộc, nếu người dân đóng không đúng thời hạn sẽ bị đọc tên trên loa truyền thanh của xã hoặc dọa cắt điện. Không những thế, những người đóng tiền chậm mỗi khi đi xin giấy tờ, xin dấu, câu đầu tiên cán bộ xã hỏi là đã đóng hết tiền chưa, nếu chưa sẽ bị gây khó dễ.

-Vậy thì bậy quá. Thế chả nhẽ chính quyền cấp trên không biết hở bác?

-Biết cả chứ, dân kêu sao không biết được.

-Sao không dẹp?

-Có dẹp, có ra văn bản chỉ đạo ngừng thu.

-Thế thì việc này giải quyết xong rồi đâu còn gì để nói nữa.

-Xong đâu mà xong. Công văn chỉ đạo là một chuyện, cái “lệ làng” lại là chuyện khác.

-Em chả nghĩ cái “lệ làng” to thế, chẳng qua vì cán bộ huyện, tỉnh xa thôn làng quá nên không kiểm soát được thôi. Cứ kỷ luật cách chức là chẳng lệ nào to cả.

-Nói như chú thì còn gì bằng. Nhưng làm thì khó đấy.

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này