CĐ ngành Dệt may Hà Nội hỗ trợ kịp thời lao động khó khăn

15:37 | 31/10/2014
“Công việc vất vả, thường xuyên phải làm ca, môi trường bụi - ồn - độc hại ... là những áp lực đối với LĐ ngành dệt may. Thấu hiểu nỗi vất vả của CNLĐ, công đoàn ngành Dệt may Hà Nội đã rất linh hoạt trong hoạt động, có nhiều việc làm thiết thực vì NLĐ.

Quan tâm tới NLĐ

Có thể nói dệt may là ngành chịu ảnh hưởng nhiều của sự suy thoái nền kinh tế thế giới. Hiện nay các DN trong ngành dệt may Hà Nội sản phẩm may xuất khẩu chủ yếu theo hình thức gia công. Nguyên vật liệu để sản xuất phần lớn phải nhập khẩu. Lãi suất ngân hàng tuy đã giảm song các DN ngành dệt may khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi khiến quá trình sản xuất của DN và đời sống NLĐ gặp nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân của CNLĐ ngành dệt may HN chỉ đạt xấp xỉ 3,5 triệu động/tháng, trong khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng luôn tăng chóng mặt.  

Theo ông Đinh Văn Viện, Chủ tịch CĐ ngành Dệt may Hà Nội, ngành dệt may chủ yếu là lao động nữ - trên 19 ngàn người, tuổi đời còn trẻ, trình độ tay nghề không đồng đều, cường độ lao động căng thẳng, thời gian làm việc kéo dài, mức thu nhập chưa cao cũng là những nguyên nhân khiến nhiều CN chưa yên tâm gắn bó với DN. Nhiều CN cho biết chỗ làm cách nhà gần 30 km nhưng không dám thuê nhà trọ bởi chi phí thuê nhà, sinh hoạt hàng ngày.         

CNLĐ ngành dệt may HN chung sức hoàn thành nhiệm vụ

Thấu hiểu khó khăn chung của toàn ngành, CĐ Dệt may Hà Nội đã chỉ đạo CĐCS phối hợp với chuyên môn làm tốt công tác chăm lo cho NLĐ, nhất là đối với CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy trong dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, 100% CNVCLĐ được DN lo quà tết; 46 đơn vị thưởng tháng lương thứ 13 cho NLĐ với số tiền gần 21 tỉ đồng. 56 CĐCS phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động tặng quà gia đình và CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 80 triệu đồng. Đồng thời, nhiều DN còn tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ cho CNLĐ vui tết và tổ chức cho CNLĐ không có điều kiện về quê ăn tết. Riêng CĐ ngành phối hợp với LĐLĐ TP tổ chức xe đưa 504 CNLĐ về quê đón tết cùng gia đình. CĐ ngành trực tiếp hỗ trợ 10 triệu đồng tiền vé xe cho 86 CNLĐ Cty CP Dệt 10-10 về quê ăn tết. Trao 60 suất quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, kết quả này thể hiện sự nỗ lực của tổ chức CĐ và doanh nghiệp.

Thêm hăng say sản xuất

Theo ông Đinh Văn Viện để có kết quả trên, ngay từ đầu năm, CĐ ngành xác định nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp của CNVCLĐ. Đặc biệt là việc thực hiện chế độ chính sách tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với NLĐ. Đặc biệt 100 CĐCS trực thuộc chủ động phối hợp với chuyên môn, người sử dụng LĐ tổ chức Hội nghị Cán bộ công chức, gần 67% DN tổ chức Hội nghị NLĐ đảm bảo quy trình, nội dung và thời gian. Đồng thời, CĐCS chủ động đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo DN kịp thời giải quyết công bố công khai về tiền lương, tiền thưởng và các phúc lợi khác...động viên CNVCLĐ yên tâm làm việc, góp phần hoàn thành kế hoạch SXKD.

CĐ ngành cũng kịp thời giải quyết kịp thời những vướng mắc trong việc trả lương, thưởng và các chế độ phúc lợi khác nhằm hạn chế tối đa tranh chấp lao động tại đơn vị. “Chúng tôi rất phấn khởi khi  tham gia với Bảo hiểm xã hội thị xã Sơn Tây kịp thời giải quyết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho 15 nữ CNLĐ Công ty TNHH JC Plus Vina. Tham gia giải quyết đơn của 70 CNLĐ Công đoàn Công ty TNHH MTV dệt 19/5 Hà Nội, đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi doanh nghiệp di rời địa điểm sản xuất, ổn định tình hình tư tưởng CNLĐ và an ninh trật tự trên địa bàn”, ông Viện chia sẻ

Trước đây, để “giữ chân” CNLĐ sau tết, các DN trong ngành đã giữ lại một phần thưởng tết của NLĐ. Nhưng từ 2011 CĐ ngành đã yêu cầu DN trả hết tiền thưởng cho NLĐ. Cùng với việc chăm lo đảm bảo tiền lương, thưởng tết cho NLĐ, các CĐCS còn xây dựng kế hoạch tổ chức cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê đón tết tại đơn vị, nơi cư trú đảm bảo an toàn, tiết kiệm.

Chung tay cùng DN khắc phục khó khăn, CĐ ngành còn phát động phong trào thi đua đến 100% CĐCS trọng tâm là phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm, tạo uy tín thương hiệu sản phẩm trên thị trường”; phong trào “luyện tay nghề, thi thợ giỏi” và thi đua học tập nâng cao trình độ tay nghề chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhằm động viên khích lệ CNLĐ công đoàn ngành đã tổ chức biểu dương 63 “Công nhân giỏi”, 7 “sáng kiến sáng tạo” cấp ngành, với tổng giá trị khen thưởng 31 triệu đồng. Trong đó có nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã áp dụng thực tế và nhiều đề tài có giá trị làm lợi hàng 100 triệu đồng. CĐ ngành đề nghị LĐLĐ thành phố biểu dương 5 “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2014.

Cùng  với sự quan tâm chia sẻ kịp thời về vật chất và tinh thần , các phong trào thi đua yêu nước do tổ chức Công đoàn phát động đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và hiệu ứng tích cực đối với NLĐ, qua đó góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của ngành.

Trần Vũ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này