Một kỳ thi công bằng và ít áp lực

11:25 | 05/07/2016
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 kéo dài 4 ngày (từ 1-4.7.2016) với sự tham dự của hơn 880.000 thí sinh cả nước đã kết thúc. Kỳ thi năm nay đã thực hiện được thành công một số mục tiêu cơ bản mà ngành Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) đề ra cũng như tạo được niềm tin của phụ huynh, học sinh và xã hội kỳ vọng một kỳ thi an toàn, nghiêm túc và đảm bảo sự công bằng, giảm áp lực thi tối đa cho các thí sinh dự thi.
mot ky thi cong bang va it ap luc Ngày 20/7 sẽ công bố điểm thi
mot ky thi cong bang va it ap luc Đề thi năm nay có tính phân loại cao

Kỳ thi có nhiều cái được

Đề thi nằm trong chương trình học, không đánh đố; hạn chế tốn kém, vất vả trong đi lại cho thí sinh những ngày thi; giảm áp lực về an ninh và trật tự xã hội cho các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM (giao thông, nhà trọ...); có sự vào cuộc tích cực và đồng bộ của các cấp, ngành ở cả 63 tỉnh, thành phố nên công tác tổ chức và phục vụ cho kỳ thi khá chu tất;  Quy chế kỳ thi thực hiện nghiêm túc, an toàn và minh bạch… Đó là đánh giá chung của dư luận xã hội và thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm nay.

Nhận xét về kỳ thi năm nay, chị Lan Phương (Đống Đa) - phụ huynh có con thứ 2 thi ĐH cho biết: “Chưa biết kết quả kỳ thi của con ra sao, nhưng tôi thấy kỳ thi năm nay có những thay đổi đáng ghi nhận. So với cách đây 2 năm (khi đưa con đầu đi thi) lần này đưa con đi thi đỡ áp lực hơn rất nhiều. Đơn cử, như năm nay tôi sợ tắc đường trễ giờ thi nên dù nhà cách điểm thi chưa đến 20 phút đi xe (trong điêu kiện bình thường) thì tôi bắt cháu đi sớm gần 2 tiếng. Nhưng năm nay, do hạn chế thí sinh từ các tỉnh đổ về cộng với BTC hình như có tính toán kỳ thi vào ngày cuối tuần nên giao thông Thủ đô những ngày thi vừa qua thông thoáng hẳn… điều này làm tâm lý phụ huynh lẫn học sinh thoải mái hơn”.

mot ky thi cong bang va it ap luc
Đề thi năm nay được thí sinh đánh giá cao.

Đây là năm đầu tiên Bộ GDĐT đổi mới công tác tổ chức bằng việc thành lập các cụm thi ngay tại các địa phương để đảm bảo thí sinh không phải đi xa để dự thi, nên nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ. Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ  cho hay: “Lúc đầu,  nhiều thày cô còn băn khoăn phát sinh chi phí đi lại, vất vả cho giám thị phải di chuyển làm việc tại các địa phương khá xa, nhưng xét trên bình diện tổng thể, đây là nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội của ngành giáo dục, của các trường ĐH, nên các trường và thày cô đều nghiêm túc thực hiện”.

Khâu tổ chức và ra đề thi năm nay cũng được đánh giá cao khi đề thi bám sát chương trình học của thí sinh, không đánh đố và giúp thí sinh có thể vận dụng kiến thức xã hội cũng như kỹ năng sống để giải quyết bài thi (đề thi các môn xã hội), nhưng vẫn có khả năng phân loại thí sinh cao với các câu hỏi từ khó bình thường, khó đến rất khó. Điều này giúp thí sinh định hướng rõ được mục tiêu dự thi: Chỉ để xét tốt nghiệp hay xét tuyển ĐH cũng như giúp các trường ĐH dễ dàng tuyển sinh được sinh viên đúng với yêu cầu chỉ tiêu đào tạo. Đặc biệt, đối với những thí sinh chỉ có nhu cầu được xét tốt nghiệp THPT thì cách thức thi mới sẽ giúp việc học nghiêm túc hơn. Bởi thực tế năm thứ 2 của việc tiến hành thi THPT quốc gia đã buộc những thí sinh chỉ muốn tốt nghiệp THPT phải thay đổi cách nghĩ: “Thay vì tránh điểm liệt (0 hoặc 1 điểm) thì giờ nếu không nghiêm túc học thì cơ hội để đạt điểm trung bình không dễ và điều này đồng nghĩa với việc nhận bằng tốt nghiệp THPT ngày càng khó hơn - thí sinh Trần Ngọc Quang học sinh lớp 12 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng tâm sự.

Không “khoán trắng” địa phương trong chấm thi

Phần lớn thí sinh bị đình chỉ do mang tài liệu

Theo báo cáo nhanh của Bộ GDĐT cuối kỳ thi, trong khi 2 buổi thi đầu tiên, cả nước chỉ có 64 trường hợp bị đình chỉ thi thì sang ngày thi thứ 2 (môn Ngữ văn và Vật lý), số thí sinh vi phạm kỷ luật thi bị đình chỉ thi gia tăng đột biến với 131 trường hợp bị đình chỉ thi trong số 136 trường hợp thí sinh vi phạm kỷ luật thi. Sang ngày thi thứ 3, số thí sinh bị xử lý kỷ luật giảm xuống còn 66 trường hợp (trong đó có 7 trường hợp bị khiển trách, 6 bị cảnh cáo, 53 thí sinh bị đình chỉ).Đa số các trường hợp này đều mắc lỗi mang tài liệu vào phòng thi…

Không chỉ đảm bảo an toàn  trong khâu ra đề thi cũng như công tác coi thi mà công tác chấm thi cũng là vấn đề được  đặc biệt coi trọng.  Trước e ngại của dư luận xã hội khi số cụm thi tăng lên khiến công tác chấm thi không công bằng giữa các địa phương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã  khẳng định, Bộ GDĐT không khoán trắng cho các địa phương: “Trong các cụm thi và địa bàn thi, Bộ GDĐT tăng cường  giáo viên có kinh nghiệm cũng như tổ chức 2 vòng chấm thi độc lập. Có nơi còn đổi chấm chéo, khắc phục tình trạng chấm chặt, chấm lỏng mang tính địa phương. Vất vả một chút, nhưng đảm bảo khách quan. Ngoài ra, còn có kiểm tra chéo để tránh tình trạng trong nội bộ chấm nhẹ tay, đảm bảo khách quan. Barem chấm, số điểm chênh nhau 0,25, phần mềm chấm thi cũng được minh bạch, giúp đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh xét tuyển ĐH và chỉ xét tốt nghiệp”.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng chỉ đạo các đơn vị chủ trì các cụm thi trên cả nước nhanh chóng triển khai kế hoạch chấm thi ngay từ ngày 5.7 để đảm bảo công bố điểm thi đúng tiến độ, không để thí sinh phải chờ đợi kết quả thi quá lâu. Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga, dự kiến ngày 20.7 sẽ công bố kết quả điểm thi. Vì vậy, đối với các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng-   những cụm thi đông thí sinh nên dễ quá tải công tác chấm thi - Bộ nhắc nhở cần lưu ý để tránh ảnh hưởng chung đến tiến độ công bố thi. Đồng thời, ngay khi có kết quả điểm thi, ngành GDĐT địa phương chỉ đạo các trường phổ thông trên địa bàn mở cửa phòng máy vi tính để thí sinh có thể đến đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng trực tuyến với sự hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật đăng ký trực tuyến của cán bộ túc trực tại các trường. Năm nay, sau khi các cụm thi gửi kết quả điểm thi về Bộ GDĐT thẩm định, Bộ có phân cho 7 đơn vị chuẩn bị cơ sở vật chất và phân tải đường truyền mạng phục vụ công tác công bố điểm thi nhằm tránh nghẽn mạng sau khi công bố điểm thi khoảng 15-20 phút đầu tiên.

Tổng hợp cả 4 ngày thi cho thấy, tỉ lệ thí sinh dự thi rất cao, đạt trên 99%. Có được điều này là do tổ chức thi tại các địa phương giúp cho những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số… đều có thể dự thi.

Kim Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này