Kỷ niệm 27 năm ngày thành lập DK1 (5/7/1989-5/7/2016)

Nghĩa trang vĩnh hằng trên biển

19:06 | 03/07/2016
Trên vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc có một nghĩa vĩnh hằng - đó là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của 10 cán bộ chiến sĩ  Vùng 2 hải quân. Gọi là nghĩa vĩnh sằng trên sóng biển bởi 10 liệt sĩ ngã xuống giữa lòng biển cả trong đó có 6 liệt sĩ không tìm thấy thi thể. Máu đào, xương cốt của các anh đã hòa lẫn biển cả, thành biển mặn mòi của biển khơi

Lời người sống sót trở về

Hỏi đến thế hệ đi nhà giàn đầu tiên, cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 nói ngay: “Phải hỏi trung tá Bùi Xuân Bổng. Anh Bổng là người đi nhà giàn lâu nhất, người đã từng bám vào thùng phuy bơi trên biển liên tục 15 giờ trong sóng dữ”.

nghia trang vinh hang tren bien
Thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ

Chúng tôi tìm đến nhà anh Bổng ở khu tập thể B Lữ đoàn 171 Hải quân để nghe anh kể câu chuyện nhà giàn Phúc Tần A sụp đổ cách đây gần 27 năm về trước. Ngôi nhà cấp 4 thiết kế kiểu “3 buồng” (buồng khách, buồng ngủ, buồng ăn) cũ kỹ lọt giữa dãy nhà lầu. Chị Vân- vợ anh Bổng đon đả: “Anh ấy vừa ở đơn vị về, các anh chờ nhà em tý nha”.

Mời chúng tôi ly nước trà xanh đằm đặm, anh Bổng nhìn ra khoảng sân trước nhà có mấy cái bồn rau, giọng anh chùng xuống: “Đó là những năm tháng không thể nào quên. Họ đã hi sinh để nhà giàn trường tồn vững chắc. Tôi và những đồng đội ở nhà giàn Phúc Tần ngày ấy đều là những người sống sót trở về”.  Mắt anh Bổng đỏ hoe nhìn chúng tôi như tìm sự chia sẻ cảm thông.

Chiều ngày 4 tháng 10 năm 1990, vùng biển thềm lục địa khu vực Phúc Tần bỗng khác thường. Phía Tây trời trong xanh ngăn ngắt, còn phía Đông từng mảng mây đen bất chợt kéo về, chẳng mấy chốc phủ kín bầu trời. Sóng gió nổi lên dữ dội.

Nhà giàn Phúc Tần rung bần bật. Thượng  úy Bùi Văn Bổng  (lúc đó anh Bổng đeo lon thượng úy) và Trung úy Nguyễn Hữu Quảng đã động viên anh em, sẵn sàng đối phó với sóng bão.

Lúc 20 giờ ngày 4 tháng 12 năm 1990, một đợt sóng mạnh đã đánh bật tung sàn nhà ở. Những tấm gỗ mặt sàn tung tóe trôi trong nước. Hiểm nguy cận kề, anh em đã lấy dây thừng kết những tấm gỗ lại với nhau thành một chiếc bè, để nếu nhà giàn đổ thì bám vào đó chờ tàu đến cứu.

2 giờ sáng ngày 5 tháng 12 năm 1990, nhà giàn Phúc Tần A bị nhấn chìm trong bão tố. 8 cán bộ chiến sĩ bám vào mảng phao bè tự chế, vừa chống chọi với sóng dữ, vừa động viên nhau cố gắng giữ sức bám chặt phao.

Sóng mỗi lúc một to, chiếc phao bè tự chế tan tác từng mảnh. Giữa đêm tối mịt mùng và ngâm trong nước biển giá lạnh, biết không thể trụ vững được nữa, trạm phó chính trị Nguyễn Hữu Quảng đã nhường lại chiếc can nhựa cho đồng đội rồi bị sóng cuốn đi.

Sau 15 giờ chống choi trong sóng gió, tàu HQ -771 đã ra cứu vớt. Nhưng thương ơi, 3 cán bộ chiến sĩ Trung úy Nguyễn Hữu Quảng, Y sĩ Trần Văn Là, nhân viên cơ điện Hồ Văn Hiền đã bị sóng dữ cướp đi, vĩnh viễn nằm lại biển xanh.

Sau đó hơn 1 năm, đêm 23 tháng chạp năm 1991, thuyền phó quân sự Phạm Tảo và máy trưởng Lê Tiến Cường đã anh dũng hi sinh cứu tàu HQ-666 trong trận lốc cuồng phong ở bãi cạn Nhà giàn Tư Chính.

Và gần 7 năm sau, cơn bão có tên quốc tế Fathes đêm ngày 12 rạng sáng ngày 13 tháng 12 năm 1998 với sức gió mạnh trên cấp 12 đã nhấn chìm nhà giàn Phúc Nguyên 2 B, cuốn xuống biển sâu 3 người con ưu tú là đại úy Vũ Quang Chương, chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An.

Cho đến bây giờ sau 18 năm nhà giàn Phúc Nguyên 2A đổ, nhiều cán bộ chiến sĩ hiện đang công tác ở nhà giàn DK1 vẫn không kìm được xúc động khi nghe câu chuyện kể về sự hi sinh anh dũng của cán bộ chiến sĩ nhà giàn Phúc Nguyên 2A ngày ấy.

Nỗi đau người ở lại

Khi hay tin con trai hy sinh, từ quê nhà Thái Thụy Thái Bình, ông Vũ Quang Dương bố của liệt sĩ Vũ Quang Chương đã lặng người ngất đi. Trong tột cùng đau thương, ông tìm đến những nơi đơn vị trước đây con ông đã từng công tác.

Đi đến Hải Phòng, Nha Trang hay Vũng Tàu, ở đâu ông cũng tâm niệm:  “Biết đâu nó vượt biển sống sót trở về”. Ông vẫn đi, dù biết đó là vô vọng. Sau ngày con hi sinh, ông lặn lội vào Lữ đoàn 171 tìm con, nghẹn ngào ông nói: “Ước mơ của tuôi cuối cuộc đời là có ngôi nhà xây để che nắng che mưa, có ít nước biển và chút san hô lấy từ nơi con tôi đã hy sinh, coi đó là xương là cốt để tôi thờ cúng”.

Theo nguyện vọng của ông, Bộ Tư lệnh Hải quân và Đoàn M71 đã xây tặng ông ngôi nhà tình nghĩa. Ngay bây giờ, dẫu tên tuổi anh Chương chỉ là ảo ảnh và linh hồn, nhưng ông Dương vẫn tin con mình còn sống. Niềm đau của người cha mất con vẫn mong manh: “Một ngày nào đó nó sẽ trở về”

nghia trang vinh hang tren bien

Viếng các liệt sĩ hi sinh trên thềm lục địa

Trong khi đại úy Vũ Quang Chương hy sinh ở tuổi chớm 30 để lại cho gia đình bao tiếc thương, đồng đội bao cảm phục, thì liệt sĩ Nguyễn Văn An để lại người vợ trẻ tận Ninh Bình và đứa con trai 2 tháng tuổi chưa kịp đặt tên và chưa một lần nhìn thấy mặt. Còn liệt sĩ Nguyễn Hữu Quảng để lại sự thảng thốt ngỡ ngàng cho người vợ mới đính hôn với lời hẹn ước sau chuyến đi biển ấy về sẽ làm lễ cưới.

Thời gian rồi sẽ xoa dịu đi những mất mát thương đau, nhưng thiên tai làm sao lường trước được. Đây đó ở quê nhà người vợ, người mẹ, người em của những người lính nhà giàn vẫn luôn dõi mắt ra biển khơi bao nỗi lo toan. Thời gian có thể làm cho họ thêm già nua, thay đổi, nhưng niềm đau, tình thương về người thân thì vẫn nguyên vẹn như mới hôm qua.  

Gửi theo sóng ngàn lời đưa tiễn

Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân vượt sóng đến các nhà giàn để làm phim “DK1 những năm tháng không bao giờ quên”. Sau chặng hải trình hai ngày đêm không nghỉ, chúng tôi đến nhà giàn Phúc Nguyên khi hoàng hôn buông xuống. Công việc đầu tiên là tưởng niệm các liệt sĩ đã ngã xuống nơi này, đó là thông lệ của những người đi biển.

Trong gió biển và mùi hương trầm ngan ngát, giọng trưởng đoàn công tác chùng xuống: “Các đồng chí đã gác lại bao khó khăn của hậu phương gia đình, gác lại những tình cảm riêng tư và biết bao nhiêu hoài bão, khát vọng lớn lao của tuổi trẻ, để lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Trong sóng cuồng bão dựt, giữa sự sống và cái chết, các đồng chí đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, với ứng  Tổ quốc và nhân dân. Trước khi cuốn vào sóng dữ, Đại úy Vũ Quang Chương đã ôm lá cờ Tổ Quốc vào lòng. Trước lúc hi sinh, Nguyễn Văn An vẫn hi vọng được gặp đứa con trai chưa một lần biết mặt, còn Nguyễn Hữu Quảng mang theo hình bóng và lời hẹn ước của người vợ chưa cưới xuống đáy biển sâu. Tất cả những điều đó là cội nguồn của đức hi sinh, là bản chất của người chiến sĩ Hải quân anh hùng thời đại mới.

Hôm nay, đứng nơi biển trời lạnh vắng, cán bộ chiến sĩ Vùng 2 Hải quân xin kính cẩn nghiêng mình viếng hương hồn các anh. Tràng hoa trước biển hôm nay cuộn gói trong đó bao ân tình, là nghĩa cử tri ân và lòng ghi ơn tạc dạ của thế hệ cán bộ chiến sĩ chúng tôi đối với các liệt sĩ. Xin cầu mong linh hồn các anh bình yên vĩnh hằng trong lòng biển”

Cả đoàn chúng tôi bật khóc. Từ mái tóc bạc phơ đến mái đầu xanh; từ những người vào sinh ra tử qua hai cuộc kháng chiến đến các bạn trẻ chưa một lần mặc áo lính; từ những người lăn lộn với biển, đảo sống sót trở về đến những người lần đầu tiên đến nghĩa trang xanh này đều không cầm được nước mắt, khi thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ. Và tôi, người đã từng công tác nhiều năm ở DK1 càng nghẹn ngào khi biết thêm về những câu chuyện kể về  các liệt sĩ.

Mai Thắng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này