Xe dù, bến cóc lại bùng phát

20:02 | 01/07/2016
Hiện nội thành Hà Nội có 6 bến xe khách liên tỉnh cùng một số bến tại các huyện ngoại thành. Theo thống kê, mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe khách liên tỉnh xuất bến, đã chuyên chở hàng triệu lượt khách đến/đi Hà Nội. Trong khi đó, tình trạng “xe dù, bến cóc” vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức các cơ quan chức năng. Theo nhiều chuyên gia, thì nguyên nhân chính vẫn là do quy hoạch chưa đồng bộ.
tin nhap 20160701094846 Hà Nội: Giấy phép “lạ” của chiếc xe đi vào phố cấm
tin nhap 20160701094846 Thủ tướng yêu cầu: Chấn chỉnh tình trạng “xe dù, bến cóc”

Xe hợp đồng lấn át xe khách

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao động Thủ đô, hiện tình trạng “xe dù, bến cóc” ngày càng phức tạp và hoạt động tinh vi hơn, các lái xe tìm mọi cách để qua mặt lực lượng chức năng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, nhiều xe hợp đồng, xe buýt trá hình hoạt động như xe khách liên tỉnh đã len lỏi vào tận các con phố trung tâm để hoạt động đón, trả khách, gây mất trật tự  an toàn giao thông (ATGT). Cụ thể, như các xe khách 12 chỗ limousine chạy các tuyến Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa… gắn biển xe VIP hoặc xe chở khách hợp đồng, nhưng thực chất là xe chở khách liên tỉnh đã ngang nhiên đón trả khách trên các tuyến phố nội đô.

Với lợi thế những chiếc xe này nhỏ gọn, len lỏi các ngõ, ngách, đón khách tận nhà, nên được nhiều người dân ưa chuộng, nhưng lại gây xáo trộn trong hoạt động vận tải hành khách, cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe, tăng nguy cơ ùn tắc và mất an toàn giao thông. Mới đây, trên tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân) thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra xe khách giường nằm mang biển kiểm soát 36B-01133, treo biển xe hợp đồng chở công nhân, nhưng thực chất lại hoạt động đón khách liên tỉnh.

tin nhap 20160701094846

Cũng theo báo cáo của Phòng CSGT Hà Nội, vấn đề xe buýt trá hình cũng đang gây bức xúc cho người dân và các doanh nghiệp vận tải. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2016, Phòng CSGT Hà Nội đã xử lý hơn 200 trường hợp xe buýt trá hình vào các tuyến phố nội thành hoạt động đón trả khách. Tuy vậy, mỗi đợt cao điểm xử lý qua đi, thì tình trạng xe chở khách liên tỉnh gắn mác hợp đồng, xe buýt trá hình lại tái diễn, hoạt động phức tạp, nhức nhối trên khắp các địa bàn TP.Hà Nội. Theo Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải thì hiện tượng xe hợp đồng trá hình, chở khách liên tỉnh hiện đang nóng lên từng ngày, nhưng lại rất khó bắt quả tang, xử lý. Đây cũng là một hệ lụy phát sinh từ việc có cầu, nhưng không đủ cung của vận tải khách liên tỉnh tại Hà Nội.

Được biết, hiện khu vực nội thành Hà Nội có 6 bến xe chính là: Mỹ Đình, Giáp Bát, Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Gia Lâm và Lương Yên (bến xe này sẽ bị xóa sổ trong tháng 7.2016). Nhưng trên thực tế, từ lâu nay giữa các bến xe này đã có sự mất cân đối về lượng khách cũng như mật độ luồng tuyến, phương tiện khai thác hành khách. Hiện 3 bến lớn là Mỹ Đình, Giáp Bát và Gia Lâm đã quá tải, trong khi đó, nhu cầu khai thác của doanh nghiệp vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách tại 3 bến xe này quá lớn, thì 2 bến Nước Ngầm, Yên Nghĩa lại “ế ẩm”, dù đã có nhiều chính sách ưu đãi, mời gọi các doanh nghiệp vận tải. Nguyên nhân chính là do quy hoạch luồng tuyến không đồng bộ, dẫn đến bến thì quá tải và bến thì vắng khách.

Quy hoạch luồng tuyến phải thực tế

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh, 5 năm qua, Sở GTVT Hà Nội đã điều chuyển hàng trăm tuyến xe về bến Nước Ngầm, nhưng sau một thời gian, doanh nghiệp bỏ bến vì hoạt động không hiệu quả. Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Linh, trên các tuyến đã điều chuyển từ Mỹ Đình về Nước Ngầm, xuất hiện tình trạng xe dù, bến cóc do nhu cầu của người dân là thực tế, có cầu dẫn đến có cung.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh, 5 năm qua, Sở GTVT Hà Nội đã điều chuyển hàng trăm tuyến xe về bến Nước Ngầm, nhưng sau một thời gian, doanh nghiệp bỏ bến vì hoạt động không hiệu quả. Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Linh, trên các tuyến đã điều chuyển từ Mỹ Đình về Nước Ngầm, xuất hiện tình trạng xe dù, bến cóc do nhu cầu của người dân là thực tế, có cầu dẫn đến có cung.

Một lái xe tuyến Hà Nội - Vinh - Hà Tĩnh bật mí đoạn đường từ bến xe Mỹ Đình về đến bến Nước Ngầm chỉ gần 10km, nhưng lại là “con gà đẻ trứng vàng” vì sau khi xuất bến các xe sẽ bắt khách dọc tuyến này. Nhưng nếu xe xuất bến tại Nước Ngầm ra cao tốc là chạy thẳng sẽ không bắt được khách nữa. Đây cũng là lý do mà bến xe này ế ẩm. Cùng chia sẻ đó một đơn vị vận tải trong diện sắp bị điều chuyển từ bến Mỹ Đình về bến Nước Ngầm bức xúc cho biết, tuyến xe của doanh nghiệp tôi được thông báo nằm trong diện sẽ phải điều chuyển về bến xe Nước Ngầm và  đang rất lo lắng. Nếu hoạt động không hiệu quả thì chúng tôi phải dừng tuyến hoặc bỏ ra ngoài chạy “dù” để duy trì hoạt động và trả nợ ngân hàng.

Cũng theo đại diện Sở GTVT Hà Nội thì theo quyết định điều chuyển luồng tuyến vận tải khách của Bộ GTVT mới đây, hàng loạt Sở GTVT các tỉnh có xe khách chạy về Hà Nội như Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai,.. đã họp với các doanh nghiệp địa phương và có văn bản gửi Bộ GTVT không đồng tình với phương án điều chuyển của Bộ GTVT.

Nhưng nhiều ý kiến lo ngại cho rằng, nếu cứ ép các doanh nghiệp vận tải phải điều chuyển theo quy hoạch luồng tuyến của Bộ GTVT, sẽ rất dễ khiến tình trạng xe dù bến cóc bùng phát mạnh hơn. Một số chuyên gia giao thông cũng cho rằng, Hà Nội muốn xóa triệt để nạn “xe dù, bến cóc”, kéo giảm ùn tắc giao thông, cần có sự đánh giá toàn diện, thận trọng hơn, đề ra nhóm giải pháp căn cơ, giải quyết đồng bộ các vấn đề như nhu cầu của người dân, năng lực đáp ứng của mạng lưới vận tải, quy hoạch luồng tuyến, tính kết nối của bến xe… Quan trọng nhất là quy hoạch, chiến lược phát triển phải được xây dựng từ những khảo sát thực tế, chứ không chỉ là suy luận.

Minh Hạnh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này