​Tuổi trẻ đi giữ rừng Trường Sơn

23:34 | 26/06/2016
Mặc dù cuộc sống muôn vàn khó khăn nhưng những chàng lính trẻ chẳng ngại gian nguy để ngày đêm quyết bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh trên dảy Trường Sơn nằm ở phía tây tỉnh Quảng Bình.
tuoi tre di giu rung truong son Linh thiêng những câu chuyện giữ rừng

Sống nơi rừng thiêng nước độc

Chúng tôi có mặt tại trạm bảo vệ rừng Khe Nét, xã Kim Hóa (Tuyên Hóa – Quảng Bình) vào một ngày nắng xé trời. Trạm phó Đoàn Ngọc Hoàng, 41 tuổi cho biết: Hồi sáng khi vô chốt trực tôi có mang về ít rau tớn (một loại rau mọc ven các khe suối-PV), để nấu canh. Trời nắng thế này  ăn canh rau tớn thì phải nói là “tuyệt cú mèo”. Ở trên này, rau đầy đủ lắm các anh à! Ngoài các loại rau có sẵn ra anh, em tận dụng trồng thêm các loại rau nhà khác để cải thiện bữa ăn thêm. Nói đến rau là có nguyên một đơn vị rau luôn, không thiếu thứ gì…”

Khoảng12 giờ sau bữa cơm trưa cùng với món rau rừng, những thành viên trong trạm phân nhau, luồn rừng vào chốt trực giữa cái nắng trời như thiêu đốt. Tôi, Đàm Thanh Chung, Nguyễn Mạnh Hùng men theo con suối để vào sâu chốt trực trong cùng để gác. Chung và Hùng đều là lính mới vào nghề, chưa nhận được hợp đồng, 2 chàng trai trẻ đang phấn đấu, những mong lập nhiều thành tích để trở thành một người lính gác rừng thực thụ. Trước đây, cả 2 đều học ở trường Trung cấp Kỹ thuật Công – Nông nghiệp Quảng Bình ra.

tuoi tre di giu rung truong son
Chàng lính trẻ Đàm Thanh Chung (sinh năm 1993) đang lội suối để kiểm tra rừng.

Chung (SN 1993), một “lính trẻ” tâm sự: “ Những người trẻ khi mới bước chân vào nghề đều phải trải qua nhiều năm, tháng thực địa ở các vùng rừng núi khó khăn hiểm trở, vừa như để học hỏi thêm từ những đàn anh về kinh nghiệm cũng như cách thuyết phục, vận động để bà con trong vùng có tránh nhiệm giữ rừng tốt hơn. Nguyên tắc của một “người lính” giữ rừng là bằng mọi giá phải bảo vệ hết tất cả các sinh vật, từ cây cỏ trong khu rừng được khoanh vùng bảo vệ cho đến những cây cổ thụ. Thường xuyên đạp cội, thăm rừng và phải liên tục dọn thực bì đề phòng cháy rừng vào những ngày cao điểm như thế mấy hôm nay. Tuy mới lên đơn vị ngót một năm nay, nhưng cũng nhiều lần em được theo chân anh, em đi tuần tra ở các khu rừng giáp biên giới nước bạn Lào. Những chuyến đi như thế, để lại cho em rất nhiều trải nghiệm và thêm phần yêu nghề mình chọn hơn.”.

Tương tự, Nguyễn Mạnh Hừng, một “lính trẻ” cho biết thêm: Đa phần “lâm tặc” ở đây manh động lắm, chúng trà trộn trong dân nên khó để nhận biết, vì thế công tác bảo vệ của tổ cũng gặp vô vàn khó khăn. Thậm chí những khi bắt tận tay họ đang phá rừng đó rồi mà vẫn bị chửi, có khi cả đêm nằm nghe chửi rứa. Chửi không sót một từ nào… nhiều khi còn bị đe dọa trả thù đủ kiểu.

tuoi tre di giu rung truong son
Hái rau rừng để cải thiện thêm bữa ăn hàng ngày.

Sống và sinh hoạt giữa chốn rừng núi sâu thẳm, cho đến bây giờ ở tuổi 26, Hùng vẫn chưa có một mối tình vắt vai, nhiều lần tâm sự với Hùng tôi biết trong ánh mắt ấy vẫn khao khát một tình yêu. “Đời lính giữ rừng đi dép rọ, trong khi người ta đi giày đen cả rồi anh à! Nhưng đam mê mà, như duyên phận rứa! Nghề này là một nghề đặc thù, tuy cực khổ nhưng nhiều lúc quen với cảnh rừng núi mất rồi nên cũng vui lắm! Nhiều bận, ghé nhà lâu quá cũng thấy nhớ trên ni lắm!”, Hùng tâm sự.

Trạm phó Đoàn Ngọc Hoàng cho biết thêm: Nhất là vào mùa mưa lũ, “lâm tặc” lợi dụng tình hình đó để đưa gỗ ra khỏi rừng, phát giác được những sự vụ trên trạm liên hệ, phối hợp với các đơn vị trên địa bàn để phục kích đón đường bắt “lâm tặc”. “Những ngày gió mưa đó anh, em trong tổ phải xuyên rừng vô luân chuyển số gỗ lậu giáp với biên giới Hà Tĩnh về để xử lý. Phải luân chuyển gỗ trong rừng sâu, trong mưa lũ để đem về tận nơi tập kết rất khó khăn. Nhất là những đồng chí trẻ mới vào nghề, lạ nước lạ cái có khi sáng thấy tỉnh táo nhưng mặt trời vừa sập thì thấy trở bệnh rồi. Thanh niên sức vóc vời vợi, cứ ăn rú nằm rừng suốt thấy cũng tội nên những anh, em đi trước luôn tạo điều kiện hết sức để giúp đỡ các em đến khi trở thành lính giữ rừng thực thụ”, Anh Hoàng chia sẻ.

Gác rừng trên đỉnh Sa Mù

tuoi tre di giu rung truong son
Thú vui giải trí và cũng là kênh nắm bắt thông tin miền xuôi của toàn tổ bảo vệ rừng Xuyên Á lúc này.

Trạm bảo vệ rừng Xuyên Á nằm chót vót trên đỉnh rừng bên tuyến đường Xuyên Á (QL-12C) từ cửa biển phía Hà Tĩnh xẻ ngang dãy Hoành Sơn sang tận nước bạn Lào. Anh, em trong trạm đón tôi bằng một bản nhạc rừng với cây “đài chồng bin”(gần 5 cặp bin con thỏ kẹp lại với nhau), không điện, không tivi, sóng điện thoại theo kiểu trèo cây…trạm bảo vệ rừng Xuyên Á như lạc vào xứ nguyên sơ đến chạnh lòng, trong khi đó trạm nằm rất gần với thị trấn Đồng Lê, nhưng do địa thế cao, rừng núi hiểm trở nên những thứ gọi là văn minh chưa thể rọi đến được.

Anh Cao Xuân Bằng, Trạm trưởng trạm bảo vệ rừng Xuyên Á, đón tôi bằng một câu ví von đầy ý vị: “Ở trên này anh em được mệnh danh là “lính thủy đánh bộ” hay “tay không bắt giặc” là như rứa đó! Chẳng có gì cả, công cụ hỗ trợ chỉ có một cái rựa trên tay, cũng vô rừng như ai rứa. Đúng là “oai như cóc”. Với lại, trên này khí hậu không giống dưới thị trấn đâu, khắc nghiệt lắm! May lắm một năm có được 3 tháng trồng nổi rau mà ăn. Cơn mưa, kéo theo gió lốc vừa rồi đã làm tốc mái lá cọ của tổ bảo vệ rừng Xuyên Á. Anh em trong tổ đang chung tay lợp tạm bằng một chiếc bạc đã cũ.  Chàng trai trẻ Võ Quang Long (quê ở xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa) đang tay vén tấm bạc rách ở trên nóc mái nói vui: “Mùa này còn đỡ đó, chứ mưa rét kéo về là trăm bề khổ luôn, trạm mình ở cửa gió mà, đến cây cối còn trụ không nỗi huống chi là người. Trạm này đặc biệt lắm, mang tên là Xuyên Á mà thực chất chẳng xuyên bên nào, đến sóng điện thoại còn trèo cây nữa là...”.

tuoi tre di giu rung truong son
Chàng lính trẻ Võ Quang Long, đang lợp lại mái gác sau một trận mưa rừng kéo dài kèm lốc xoáy.

Được biết, trước kia anh Long từng tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm - Huế, được cử lên trạm Xuyên Á để cùng các anh em nơi đây cắm đỉnh Sa Mù. Tuy có nhiều vốn kiến thức chuyên ngành, nhưng khi tiếp xúc thực địa gặp những tình huống khiến chàng lính trẻ dở khóc dở cười, nhất là lúc trời mới mưa xong vắt rừng mọc nhiều như rễ tre cứ thế đeo bám vào chân có khi vắt lần lên tới cổ. “Những hôm đầu lên đây cơm nuốt không nổi. Vắt rừng rồi thì muỗi rừng cứ thế thay nhau hành hạ, mới lên thì còn ngại lắm nhưng dần dần rồi cũng quen.  Chàng trai trẻ Đàm Xuân Lợi, (sinh năm 1991, quê ở Quảng Kim) tay sắm nắm chiếc điện thoại “cục gạch” đi lần ra gờ đất vắng để dò sóng điện thoại. Chợt kêu lên: “Đây rồi, đúng chỗ này có sóng, gọi về nhà tí đã...”. Bên cạnh anh Long đang cặm cụi thái mỏng bắp chuối rừng vẫn đang ri rỉ nước mưa.  

Trạm trưởng Cao Xuân Bằng tâm sự: dù công tác ở nơi đây hết sức khắc nghiệt nhưng lúc nào anh em cũng vui vẻ và tự an ủi nhau để quyết tâm bảo vệ rừng từng mét một. Mấy anh em trẻ lúc mới  lên đây công tác nhiều lúc nhớ nhà đều được mọi người động viên. Còn những hôm thực địa đạp cội nhiều ngày trong rừng mình phải theo sát từng anh em một để chỉ bảo, căn dặn đủ điều cho anh em.  

CTV Ngọc Oai

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này