Chính phủ nói cần thiết, báo cáo thẩm tra thiếu khả thi

16:17 | 29/10/2014
Sáng 29/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải (GT-VT) Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Chính phủ: Dự án Sân bay Long Thành là khả thi

 Trong báo cáo của mình, Bộ trưởng Bộ GT-VT cho rằng, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết, nhằm hình thành và phát triển một cảng quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực; đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải. Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để đạt công suất 40 - 50 triệu hành khách vào khoảng năm 2025 - 2030 là không khả thi. Toàn bộ Dự án dự kiến chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, đầu tư nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, 2 đường cất hạ cánh song song có cấu hình đóng, nhằm chia sẻ sự quá tải cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (mở cửa vào năm 2023-2030). 

 Về tổng mức đầu tư và phương án huy động vốn, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án khoảng 7,837 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng). Trong đó, phân kỳ giai đoạn 1a có tổng mức đầu tư khoảng 5,662 tỷ USD (tương đương 118.910 tỷ đồng). Vốn đầu tư cho dự án sẽ gắn với các dự án đầu tư các hạng mục cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn; khuyến khích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư. 

Cơ cấu nguồn vốn dự kiến như sau: vốn nhà nước (vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA...) giai đoạn 1 là 84.624 tỷ đồng. Vốn huy động khu vực ngoài nhà nước (vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư (PPP) là 79.965 tỷ đồng. Các phương án huy động vốn gồm vốn ODA; vốn thông qua các dự án PPP, BOT... Về hiệu quả kinh tế xã hội, báo cáo cho rằng, kết quả phân tích cho tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 22,1%. Tỷ suất này được đánh giá là cao hơn tỷ suất chiết khấu xã hội tiêu chuẩn trung bình của các công trình công cộng tại Việt Nam (trong khoảng từ 10% đến 12%); do đó, việc thực hiện Dự án là khả thi. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng hứa, việc xem xét ảnh hưởng của đầu tư Dự án đến tình hình nợ công sẽ được phân tích, đánh giá cụ thể ở bước lập dự án đầu tư. Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội kỳ họp thứ 8 thông qua chủ trương đầu tư Dự án sân bay Long Thành.

Ủy ban kinh tế: Chưa khả thi

Thẩm tra Báo cáo đầu tư dự án này,  Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay: Trong lúc khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên cân nhắc lựa chọn việc đầu sân bay Long Thành hay lựa chọn đầu tư phát triển hệ thống đường sắt Bắc – Nam, hoặc phát triển hệ thống giao thông đường thủy trên cơ sở đánh giá toàn diện cả hiệu quả kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.

Về sự cần thiết đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, hầu hết ý kiến tán thành chủ trương nước ta cần có một Cảng HKQT hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Có ý kiến đề nghị làm rõ tính cấp thiết hay là tính cần thiết của việc đầu tư Cảng HKQT Long Thành. Nếu chưa cấp thiết thì cân nhắc thời điểm đầu tư thích hợp.

Về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, báo cáo đầu tư dự án sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 164.589 tỷ đồng (tương đương 7,8 tỷ USD), trong đó: Vốn nhà nước bao gồm ngân sách Nhà nước, Trái phiếu Chính phủ, ODA là 84.624 tỷ đồng, vốn khác là 79.965 tỷ đồng.  Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây mới là vốn đầu tư của giai đoạn 1 của dự án, nếu tính cả 3 giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn (khoảng 18,7 tỷ USD). Mặt khác, dự toán mức đầu tư cho giai đoạn 1 là ước tính, mức độ chính xác chưa cao. Ngoài ra, các dự án thuộc hệ thống hạ tầng kết nối với sân bay Long Thành cần được tính toán, cân đối cùng với tổng vốn đầu tư Cảng hàng không này.

Về phương án huy động vốn, việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách nhà nước khó khăn thì chưa bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, nếu khả năng vay được từ nguồn của các tổ chức tài chính quốc tế thì cũng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ. Có ý kiến cho rằng, Dự án với phân kỳ đầu tư 3 giai đoạn đến sau năm 2030 là quá dài, đề nghị rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Kết luận,  Ủy ban Kinh tế cho rằng: Trong bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như tình hình kinh tế của đất nước, đề nghị làm rõ hơn nữa sự cần thiết, tính cấp thiết, xác định thời điểm phải xây dựng Cảng HKQT trung chuyển Long Thành; tính hợp lý, hiệu quả, khả thi về nguồn vốn đầu tư của toàn bộ dự án, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư.  Đồng thời,  phải đánh giá toàn diện các mặt tác động của dự án đối với vấn đề nợ công; tác động của sân bay Long Thành đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển của ngành hàng không Việt Nam; đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trình Quốc hội xem xét, quyết định khi thông qua chủ trương đầu tư Dự án.

Trước đó, khi trao đổi với báo giới về nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết; Bộ trưởng Bộ GT- VT thì nói trong bối cảnh hiện nay cá nhân tôi cũng khó có thể bấm nút cho đầu tư dự án này; Còn khi trao đổi với PV L Đ T Đ, Đại biểu Dương Trung Quốc cho hay: Với cơ chế hiện hành không nên đầu tư siêu dự án này.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này