Xử lý “hung thần” xe tải:

Chế tài đã có, liệu có khó triển khai?

09:12 | 24/06/2016
Từ 1.8.2016, xe chở quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường bộ sẽ bị xử phạt tiền tới 16 triệu đồng, ngoài ra còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. Với mức xử phạt như vậy, người dân hy vọng tình trạng xe tải “hung thần” sẽ phần nào hạn chế. 

Đầu năm 2016, trên tuyến quốc lộ 6 Hà Đông - Chương Mỹ và tuyến quốc lộ 21B đoạn qua huyện Thanh Oai - Ứng Hòa liên tục được lực lượng chức năng lập chốt trực và đặt trạm cân để xử lý xe ô tô quá tải. Để trốn chốt trực, trạm cân, các chủ phương tiện thường xuyên cho xe ôtô quá khổ, quá tải chạy qua tuyến đường đê sông Đáy thuộc địa bàn phường Đồng Mai, quận Hà Đông rồi đi qua đường liên xã Thanh Cao dài gần 3km, rộng 5 - 6m, có tải trọng cho xe ôtô dưới 12 tấn để đi ra tỉnh lộ 427 về huyện Thanh Oai và huyện Thường Tín. Do nơi đây có hàng nghìn hộ dân thôn Thanh Thần và Thượng Thanh đang sinh sống cộng với việc hàng trăm tiểu thương buôn bán ở 2 chợ tạm ven đường nên rất dễ gây nguy hiểm.

Mặt khác, lợi dụng tuyến đường này chưa được đặt biển giới hạn tải trọng, nên các xe ôtô 30 - 40 tấn mới vô tư đi qua. Ngoài ra, người dân còn phản ánh tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động trên các tuyến đường Ỷ Lan (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm),  tuyến đường 21B (từ Ba La, Hà Đông) về thị trấn Đại Nghĩa, Mỹ Đức) và đặc biệt là xe chở vật liệu xây dựng trên nhiều tuyến đê ở Hà Nội. Những vi phạm diễn ra hằng ngày, nhưng cơ quan chức năng vẫn không xử lý triệt để, khiến dư luận không khỏi lo lắng về vấn đề tai nạn giao thông, đường sá xuống cấp, ô nhiễm môi trường… 

tin nhap 20160624083238
 Xe quá khổ, quá tải vẫn đang là nỗi ám ảnh với người dân.

Để giải quyết triệt để vấn nạn xe quá khổ quá tải, từ ngày 1.8.2016, nghị định mới về xử phạt những vi phạm nêu trên sẽ góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội. Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định, phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 10% đến 20%, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng. Mức phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường ghi trong giấy phép lưu hành; điều khiển xe bánh xích tham gia giao thông không có giấy phép lưu hành hoặc có giấy phép lưu hành, nhưng không còn giá trị sử dụng theo quy định hoặc lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường theo quy định; điều khiển xe vượt quá khổ giới hạn của cầu, đường hoặc chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường tham gia giao thông, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng; điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20% đến 50%, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.

Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50% đến 100%, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng; điều khiển xe có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng, nhưng tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe nếu có) vượt quá quy định trong giấy phép lưu hành. Hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 100% đến 150%, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng bị phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng.

Đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 150%, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng; không chấp hành việc kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe khi có tín hiệu, hiệu lệnh yêu cầu kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe; chuyển tải hoặc dùng các thủ đoạn khác để trốn tránh việc phát hiện xe chở quá tải, quá khổ bị phạt tiền từ 14 - 16 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng)...

Với quy định mới, dư luận kỳ vọng, tình trạng xe quá khổ, quá tải làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân sẽ ngày càng suy giảm. Theo bà Đinh Thị Oanh (Mỹ Đình, Hà Nội): “Tình trạng xe quá khổ, quá tải diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng dường như các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Với chế tài xử phạt mới này, chắc chắc các chủ phương tiện đang cố tình vi phạm luật sẽ phải cân nhắc thật kỹ trước khi thực hiện việc chở hàng hóa quá quy định cho phép”.  Nhìn dưới góc độ pháp lý, luật sư Ngọc Anh - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng: Với chế tài xử lý nghiêm minh, chắc chắn các tài xế sẽ phải cố gắng để tuân thủ đúng quy định của pháp luật về việc chở hàng hóa trên phương tiện của mình. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm và đặc biệt là phải ngăn chặn tình trạng bảo kê cho vi phạm, có thế, chúng ta mới có thể dần dần giải quyết dứt điểm được vấn nạn xe quá khổ, quá tải đang diễn ra.

H.Duy

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này