Vì bình yên của đất mẹ Việt Nam

10:17 | 21/06/2016
Không phải thời chiến mới có mất mát hy sinh, mà ngay cả khi đất nước thanh bình vì toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, vì sự bình yên của Tổ quốc hằng ngày, hằng giờ trên khắp mọi nẻo đường của đất nước, những chiến sĩ của Quân đội Việt Nam Anh hùng vẫn “chắc tay súng” bảo vệ biên cương của Tổ quốc và không ít người đã anh dũng hy sinh. Sự ra đi của phi công - Đại tá Trần Quang Khải là minh chứng cho những vẻ vang đó.
tin nhap 20160621100508 Truy điệu, an táng 19 hài cốt liệt sỹ hy sinh tại Lào về với đất mẹ
tin nhap 20160621100508 Lời Tổ quốc vọng giữa trùng dương

Nghẹn ngào nước mắt người thân

Sáng 19.6, tôi gọi điện cho chị Trần Thị Tuấn - là chị gái đầu của anh Trần Quang Khải (chị Tuấn sinh ở Bắc Giang, nhưng lập gia đình và chọn Vũng Tàu làm quê hương thứ hai của mình) - chị cho biết: “Khi nghe tin dữ, tôi bay luôn ra Nghệ An. Hơn năm nay tôi không gặp cậu Khải. Sự việc xảy ra quá bất ngờ. Cậu Khải là người hiếu thảo, dù công tác xa gia đình, nhưng vẫn dành thời gian chăm sóc bố mẹ già ở quê”. Để có thêm thông tin về nỗi đau của người cha, từ số điện thoại cung cấp của chị Tuấn, tôi kết nối với ông Trần Văn Phùng - bố đẻ của Đại tá Trần Quang Khải bên kia đầu dây, ông Phùng nghẹn lời nấc từng tiếng nghe đứt ruột: “Lá vàng còn ở trên cây. Tôi 90 tuổi vẫn còn đây, vậy mà con tôi đã đi rồi. Mới dịp 30.4, nó về thăm tôi. Trước khi đi, nó còn hứa sẽ làm nhà mới để đón bố đến thăm. Giờ thì chẳng còn nữa rồi Khải ơi”!

tin nhap 20160621100508
Phi Công Trần Quang Khải trong lần thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện trở về doanh trại.

Trong thương đau tang tóc, có lẽ chị Hà - vợ của Đại tá Khải là người đau buồn nhất. Mới ngày nào, vợ chồng còn gặp nhau, anh bàn với chị sẽ xây căn nhà mới từ đồng lương giành dụm hơn 3 năm kể từ ngày cưới của hai vợ chồng rồi đưa bố về ở, vậy mà giấc mơ ấy giờ thành mây khói. Chị Hà nghẹn ngào từ đáy lòng: “Cưới nhau hơn 3 năm, nhưng thời gian vợ chồng gặp nhau rất ít. Mỗi lần nghỉ phép, vợ chồng lại về Bắc Giang thăm bố. Anh mất rồi, giờ ai là điểm tựa. Con tôi mồ côi cha rồi”.

Ngày đón anh về

5 giờ sáng 18. 6, tàu biên phòng đưa thi thể Thượng tá Trần Quang Khải cập bờ biển Cửa Lò (Nghệ An) khép lại hành trình 4 ngày đêm tìm kiếm. Nỗi đau thương ngập tràn trên cầu cảng. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ mặc quân phục màu xanh da trời xếp hai hàng trên cầu cảng Hải đội 2 chờ thi thể người đồng đội từ biển trở về. Tàu Biên phòng cập cảng, thi thể anh Khải gói chặt trong bao tử thi trên măng-ca được 6 đồng đội nâng trên vai chuyển từ tàu lên cầu cảng. Những người lính đưa tay lên mũ chào đón anh trong niềm thương tiếc. Nhiều đồng đội xúc động nghẹn lời. Có người giấu giọt nước mắt tràn mi sau vai áo. Chị Trần Thị Tuấn gào khóc trên cầu cảng kêu tên em trai: “Khải ơi, em đã về rồi. Bố đang chờ em về, em ơi”.

tin nhap 20160621100508
Thượng tá Nguyễn Đức Thảo (Phi đội trưởng) cầm gói quà mang từ đất liền ra tặng các chiến sĩ Trường Sa (Ảnh: Thanh Niên)
Chị Hà nghẹn ngào từ đáy lòng: “Cưới nhau hơn 3 năm, nhưng thời gian vợ chồng gặp nhau rất ít. Mỗi lần nghỉ phép, vợ chồng lại về Bắc Giang thăm bố. Anh mất rồi, giờ ai là điểm tựa. Con tôi mồ côi cha rồi”.

Sáng 20.6, Lễ truy điệu đại tá Trần Quang Khải được tổ chức nghiêm trang theo nghi thức quân đội tại Bệnh viện Quân y Quân khu 4. Trong tiếng nhạc tiễn đưa thương tiếc, hàng trăm đồng đội đưa tay lên mũ chào Đại tá Khải lần cuối vĩnh biệt anh. Trong nước mắt đau thương, những người lính già một thời binh đao hoa lửa, những người đồng đội cùng đơn vị và cả những chiến sĩ mới khoác áo lính màu xanh da trời đều không cầm được nước mắt. Vĩnh biệt người đồng đội, người thầy, người đồng chí thân yêu

Sau lễ truy điệu, thi thể Đại tá Khải sẽ được chuyển về quê mẹ Bắc Giang để bà con anh em, họ hàng, đặc biệt là cha anh - ông Trần Văn Phùng nhìn mặt anh lần cuối, sau đó sẽ chuyển lên Hà Nội hỏa táng, tro cốt sẽ được chuyển về nghĩa trang liệt sĩ xã nơi anh sinh ra.

Sự hy sinh thầm lặng

Trước đó, trên tinh thần “không để đồng đội nằm lại biển khơi”, để tăng cường tìm kiếm phi công Trần Quang Khải và máy bay Su 30, Bộ Quốc phòng đã điều máy bay tuần thám CASA-212 số hiệu 8983 từ sân bay Kiến An (Hải Phòng) bay vào vùng biển đảo Mắt (Nghệ An) để tìm kiếm thượng tá Khải.

Nhận lệnh, Quân chủng Phòng không - Không quân đã triển khai kíp bay gồm 9 người gồm: Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ trưởng; Thượng tá Nguyễn Đức Hảo - Phi đội trưởng; Thiếu tá chính trị viên Nguyễn Văn Chính - Phi đội viên Phi đội phi công cấp ba; Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chu- phi công kiêm dẫn dường; Đại úy Lê Văn Đình - nhân viên tuần thám trên không; Thượng úy Đỗ Văn Mạnh - Phó đại đội trưởng kỹ thuật hàng không; Trung úy Nguyễn Văn Thái - nhân viên tuần thám; Trung úy Nguyễn Bá Thế - nhân viên tuần thám, Trung úy Lê Đức Lam - cơ giới trên không. Tất cả đều quân số thuộc Lữ đoàn 918 Quân chủng Phòng không - Không quân. Sau khi cất cánh ít phút, máy máy bay đã rơi trên vùng biển Hải Phòng cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 44 hải lý. Trước khi tổ bay này cất cánh, máy bay CASA-212 đã có 17 giờ liên tục bay trên biển tìm kiếm 2 phi công Cường và Khải trên vùng biển Nghệ An. Với phương châm “phát huy mọi khả năng, sử dụng tất cả các phương tiện”,  đến nay mọi công tác tìm kiếm vẫn đang được Bộ Quốc phòng, TP.Hải Phòng và ngư dân ngày đêm tìm kiếm 9 phi công mất tích. 

Mai Thắng

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này