Lao động giúp việc gia đình:

Cần chú trọng công tác đào tạo

13:51 | 17/06/2016
Theo một nghiên cứu về giới, gia đình và phát triển cộng đồng, 90% số lao động trong nghề giúp việc gia đình không qua đào tạo nghề, hầu hết chỉ làm theo kinh nghiệm. Đây cũng là lý do khiến lao động làm công việc này chưa được chuyên nghiệp hóa.
can chu trong cong tac dao tao 21,5 triệu lao động giúp việc gia đình được hưởng lợi
can chu trong cong tac dao tao 21,5 triệu lao động giúp việc gia đình hưởng lợi từ bộ tiêu chuẩn nghề

Thống kê trên cả nước hiện có khoảng 250.000 người làm nghề giúp việc gia đình. Nếu được đào tạo, họ sẽ trở thành lực lượng lao động chuyên nghiệp, có chất lượng, đóng góp vào sự phát triển của xã hội, giải quyết lao động dư thừa tại nông thôn.

can chu trong cong tac dao tao
Đào tạo lao động giúp việc mới chỉ được thực hiện ở các đơn vị cung ứng xuất khẩu lao động ra nước ngoài.

Tìm hiểu nhu cầu sử dụng đối với các gia đình đang có người giúp việc cho thấy, có tới 86,7% số gia đình cho rằng cần thiết cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho người giúp việc và trên 50% số gia đình có dự định thuê người giúp việc qua đào tạo, trong đó, 87,6% số gia đình sẵn sàng trả lương cao hơn cho những người đã qua đào tạo.

Có thể thấy, việc đào tạo nghề sẽ giúp cho người lao động có thêm những kiến thức mới để hoàn thành công việc tốt hơn, thích nghi được với môi trường thành phố, biết được quyền lợi và trách nhiệm của mình và người chủ cũng sẽ yên tâm, tin tưởng hơn.

Dự báo đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 350.000 lao động giúp việc.

Nhưng hiện nay, việc cung ứng lao động giúp việc trong nước không được chú trọng khâu đào tạo nghề, việc đào tạo chỉ được thực hiện ở các đơn vị cung ứng lao động giúp việc đối với lao động xuất khẩu ra nước ngoài.

Nắm bắt được nhu cầu của xã hội, một số công ty đã tổ chức tuyển dụng, đào tạo trình độ sơ cấp cho người lao động làm nghề giúp việc, đào tạo về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử phù hợp với từng gia đình. Các học viên được đào tạo bài bản theo chương trình đã được Sở LĐTBXH thẩm định và được cấp chứng chỉ nghề.

Tuy nhiên, mặc dù liên tục được đặt hàng cung ứng lao động giúp việc, nhưng việc tìm được học viên để đào tạo lại gặp nhiều khó khăn. Vì thế, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực cung ứng lao động đã phải lặn lội đi tuyển ở nhiều vùng ngoại thành, nhưng vẫn không có người đăng ký theo học.

Tuy nhiên, với việc không coi trọng công việc của mình, nên khi đề cập đến việc đầu tư tiền của để đi học làm người giúp việc, nhiều người vẫn nghĩ rằng, nghề giúp việc đơn thuần chỉ là làm những công việc nội trợ gia đình, nên không cần phải học vẫn làm được.

Bên cạnh đó, nhiều người cho biết, với công việc này chẳng cần tham gia đào tạo để khỏi mất thời gian, đỡ tốn tiền học và phí môi giới. Vì vậy, hầu như rất ít người chịu bỏ tiền của và thời gian để đầu tư cho việc học nghề này.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo nghề, tại Việt Nam, nhu cầu dạy nghề cho người giúp việc gia đình rất cần thiết. Nhưng hiện tại, các trường nghề, trung tâm dạy nghề chưa biết dạy thế nào, vì chưa có giáo trình chuẩn cho khối dạy nghề ở lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, các trung tâm dạy nghề phải chịu trách nhiệm về nội dung, kiến thức nghề giảng dạy. Do đó, nếu không có giáo trình chuẩn, mỗi nơi dạy một cách, sẽ hạn chế hiệu quả.

Có thể thấy, lao động giúp việc từ lâu đã được coi là một nghề được xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, xã hội cũng cần phải nhìn nhận người giúp việc là những người lao động như nhiều  nghề nghiệp khác.

Và đã là một nghề, thì việc quan tâm đến công tác đào tạo kỹ năng cho lao động giúp việc là điều rất cần thiết. Có như thế, mới tạo được sự yên tâm cho người lao động làm nghề này, cũng như góp phần tạo tính chuyên nghiệp cho lao động khi tham gia làm việc tại các gia đình.

T.An

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này