Để phí BOT không ám ảnh người dân và doanh nghiệp:

Phải công khai hóa tiền thu

14:56 | 09/06/2016
Hàng loạt các dự án xây dựng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao) giai đoạn 2011-2015, được đưa vào khai thác đã góp phần thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, những bất cập về tổng mức đầu tư, mức thu phí, lộ trình tăng phí và khoảng cách giữa các trạm phí trong quá trình triển khai các dự án BOT đã và đang là vấn đề nóng, gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp vận tải và người dân.
phai cong khai hoa tien thu Đường làm chưa xong đã đặt 2 trạm thu phí
phai cong khai hoa tien thu Vì sao 100km có tới 4 trạm thu phí?

Trạm thu phí tràn lan!

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh - cho biết: Quá trình triển khai các dự án BOT đã xuất hiện nhiều trạm thu phí bất hợp lý đã khiến hoạt động giao thông bất cập và dư luận xã hội bức xúc, như các trạm tại Quốc lộ 5, Bắc Thăng Long - Nội Bài, Bắc đèo Hải Vân, thu phí Long Xuyên - Cần Thơ...

phai cong khai hoa tien thu
Ảnh chỉ có tính minh họa.

Cùng đó các trạm thu phí quá gần nhau, manh mún như tuyến Hà Nội - Thái Bình chỉ 100 km mà có tới 4 trạm thu phí và người dân phải trả phí cao hơn phí nhiên liệu. Do vậy, cần phải minh bạch tổng mức đầu tư được kiểm toán chính xác, lý trình và mức thu phí, lộ trình thu phí, thời hạn thu phí ra sao. Công khai để cho người dân giám sát, người sử dụng đường giám sát.

Đồng tình quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư cùng lúc với mật độ “hơi dày” các trạm thu phí khiến người dân không còn sự lựa chọn. Nếu không thích đi đường BOT thì người dân có thể sử dụng đường cũ, nhưng ngả nào đường nào cũng “dính” vào BOT, nên rất bức xúc. Do vậy, cần phải quy hoạch lại.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng:

Thiếu quy hoạch các trạm thu phí hợp lý

Việc bố trí trạm thu phí chưa hợp lý, gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân do thiếu quy hoạch tổng thể về phân bổ nguồn lực cho đầu tư công trình hạ tầng giao thông, chưa có quy hoạch cụ thể, đường nào cần BOT, đường nào cần ngân sách đồng thời thiếu quy hoạch các trạm thu phí hợp lý.

Hiện nay, đầu tư BOT chủ yếu là nhà đầu tư và ngân hàng, Nhà nước chưa tham gia nhiều. Công tác quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế như khối lượng dự toán, tư vấn thiết kế và khảo sát kém, năng lực các chủ thể tham gia BOT còn bất cập, sự phối hợp giữa các chủ đầu tư là chưa tốt nên dẫn đến nhiều trạm phí trên cùng một tuyến đường.

Thừa nhận trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại như sự nhầm lẫn một số đơn giá định mức, hạng mục khối lượng trong thẩm định tổng mức đầu tư, áp dụng hình thức chỉ định thầu các dự án... Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, việc lập tổng mức đầu tư cơ bản tuân theo quy định của pháp luật, nhưng nhiều quy định của các bộ, ngành vẫn có cách hiểu khác nhau nên đã dẫn đến từng chủ thể trong quá trình lập và thẩm định tổng mức đầu tư còn một số sai sót, nhầm lẫn. Dựa trên kết luận của các đơn vị thanh tra, kiểm toán, Bộ GTVT yêu cầu các tập thể, cá nhân kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định.

Chỉ rõ những bất cập của của các dự án BOT, Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh, sự hiểu biết của các cơ quan chức năng, nhà đầu tư và nhà thầu về BOT và BT chưa thực sâu sắc. Thế nên, các vấn đề liên quan đến tổng mức đầu tư, phí, trạm thu phí cần tiếp tục hoàn thiện.

Theo ông Bảo, để khắc phục những bất cập này, các cơ quan Nhà nước và DN cần phải thay đổi cách thức về suất đầu tư, lập dự án đầu tư và huy động đầu tư theo hướng thị trường. Đặc biệt quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư bởi đây là hợp đồng cấu thành rất nhiều yếu tố, dự báo hiệu quả dự án, trượt giá, giá dự phòng cần phải xem xét lại; kiểm soát phương án tài chính, doanh thu chi phí thời hạn hoàn vốn trong điều khoản hợp đồng cần phải có sự linh hoạt. Cạnh đó, phải có biện pháp giám sát doanh thu bằng cách áp dụng công nghệ để đảm bảo sự minh bạch, công bằng giữa các nhà đầu tư.

Sẽ giảm phí và thời gian thu

Theo các chuyên gia, việc đầu tư các dự án BOT phải lựa chọn thế nào để đảm bảo các lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Hiện cả nước có 88 trạm thu phí trên quốc lộ, trong đó 74 trạm do ngành Giao thông quản lý, 14 trạm do UBND các tỉnh, thành phố quản lý và 13 trạm cao tốc. Đáng nói, trong số trạm thu phí trên quốc lộ có 20 trạm có khoảng cách dưới 60km.

Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, Bộ GTVT nên đặt ra câu hỏi tại sao lại dồn quá nhiều nguồn lực đầu tư về đường cao tốc?, nên chăng thời gian tới chúng ta tính toán đầu tư cho cả hệ thống hàng không, đường sắt thay vì ưu ái quá nhiều cho đầu tư đường bộ.

Cũng theo ông Thiên, hiện suất đầu tư BOT của Việt Nam so với thế giới là khá cao. Vì thế việc thu hồi vốn bằng cách áp mức phí cao là cần thiết, nhưng đảm bảo lợi ích nhà đầu tư và DN. Để giải quyết mức phí thì đề nghị kéo dài thời gian thu phí, giảm mức phí, Nhà nước lấy tiền bù cho DN đầu tư.

Bổ sung thêm ý kiến của ông Thiên, bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, hiện tại nhiều dự án BOT đường bộ triển khai trong thời gian qua vẫn còn nhiều khoản dư chưa sử dụng so với dự toán ban đầu và đây là cơ sở cho việc tính toán giảm phí hoặc giảm thời gian hoàn vốn.

Do vậy, Bộ GTVT cần rà soát lại tổng mức đầu tư, quy trình đầu tư nhanh chóng quyết toán hoàn thành công trình chắc chắn sẽ giảm suất đầu tư, dẫn đến mức thu phí BOT cũng giảm theo.

Đặng Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này