Cần sửa đổi một số đạo luật:

Không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư

16:24 | 31/05/2016
Lao động Thủ đô từng phản ánh 2 kỳ “Đầu tư nước ngoài cần gạn đục, khơi trong” nội  dung xoay  quanh vấn đề  thời gian qua các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được hưởng quá nhiều ưu đãi về hạ tầng và chính sách thuế, song rất nhiều dự án lại có hàm lượng công nghệ chưa cao dẫn đến ô nhiễm môi trường. Và một lần nữa, tại hội thảo với chủ đề “Thương mại tự do, dịch chuyển đầu tư và các vấn đề về môi trường”, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục cảnh báo thực trạng này.
khong danh doi moi truong de thu hut dau tu Tăng đột biến FDI ngành dệt may: Thách thức doanh nghiệp trong nước
khong danh doi moi truong de thu hut dau tu Đất lành thu hút các nhà đầu tư

Chưa công nghiệp hóa xong, môi trường đã ô nhiễm

Tại hội thảo, bà Trần Thanh Thủy (Trung tâm Con người và Thiên nhiên) dẫn số liệu đánh giá về tình hình tuân thủ chính sách pháp luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội thực hiện trong năm 2015 cho hay:  Thời gian qua, trên địa bàn cả nước có đến 60%  số các doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn; trong đó có 23% doanh nghiệp FDI xả vượt quy chuẩn cho phép từ 5 -12 lần.

khong danh doi moi truong de thu hut dau tu
Phải sửa các văn bản luật để thu hút đầu tư công nghệ cao.

Điều đáng nói, trong số các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, thủ phạm gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất là các dự án liên quan lĩnh vực có sử dụng nhiều hóa chất như da giày, dệt may, nhuộm, sản xuất phân bón... Thậm chí, đến nay, đất nước đã trải qua 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nhưng không ít địa phương vẫn thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vốn chỉ dành cho những quốc gia mới bắt đầu thời kỳ mở cửa, hội nhập như lĩnh vực dệt - may. Điển hình, các chuyên gia tại hội thảo đã trích dẫn báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định về thu hút FDI. Theo đó, năm 2015, địa phương này thu hút khoảng 190 triệu USD vốn FDI, tuy nhiên có khoảng 80% số dự án đầu tư đăng ký vào ngành dệt - may…

Đi sâu vào phân tích những hệ lụy của các dự án gia công, ông Đỗ Thanh Bái (Hội Hóa học Việt Nam) đánh giá: Dệt - may là ngành thu hút đầu tư nhiều tại Việt Nam do tận dụng được lợi thế về lao động, nhưng thách thức lớn nhất trong vấn đề môi trường mà ngành này đặt ra là nước thải. Ông Bái dẫn chứng cụ thể: Hiện tại, nhận thức của các cơ quan chuyên môn về thuốc nhuộm chưa được đầy đủ. Mà khi không biết hết tác động của thuốc nhuộm thì việc vận hành hệ thống xử lý nước thải sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thông thường các nhà đầu tư trong ngành dệt - may hay tìm cách né tránh trong xử lý vấn đề nước thải, nhất là xử lý về màu vì khó. “Không chỉ ngành dệt - may, những ngành như da  - giày, chế biến dầu khí, hóa chất, điện tử... vốn đang thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất lớn, song cũng chính là những ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao”- ông Bái nói.

Nhìn dưới góc độ kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nêu con số đáng để chúng ta suy nghĩ, đó là “hiện mỗi năm, Việt Nam bị ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tương đương với 2,5% GDP. Còn con số này của Trung Quốc là 6,5%. Nếu với đà ô nhiễm môi trường như hiện nay, chẳng bao lâu hệ số ô nhiễm môi trường của chúng ta cũng sẽ tăng lên rất cao”. Từ thực tế này, các chuyên gia đã đưa chung nhận định: Việt Nam chưa thực hiện xong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, song vấn đề ô nhiễm môi trường đã rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nhân dân cũng như kinh tế - xã hội.

Phải xem lại các đạo luật

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu xét về góc độ luật, Việt Nam đã có khá nhiều đạo luật liên quan đến đầu tư và môi trường, song trên thực tế vẫn có nhiều khoảng trống dẫn đến các doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư vào Việt Nam chưa chú trọng đến yếu tố môi sinh. Thậm chí, theo không ít nhà đầu tư, khi đầu tư vào Việt Nam, chi phí môi trường rẻ hơn tại các nước khác 10 - 15%.

Vì vậy, để không xảy ra vấn nạn môi trường, các chuyên gia cho rằng, điều đầu tiên phải tiếp tục xem xét lại Luật Đầu tư. Cụ thể, bên cạnh việc tạo ra sự thông thoáng trong lĩnh vực hành chính liên quan đến thu hút đầu tư nói chung, đầu tư FDI nói riêng, thì bản thân luật vẫn chưa có những quy định chi tiết về chất lượng dự án đầu tư. Ví dụ, khi đầu tư vào Việt Nam thì công nghệ dự án đó phải ra sao? Hạn chế lĩnh vực nào và cần ưu tiên lĩnh vực nào? Nếu những lĩnh vực dễ ảnh hưởng đến môi trường như nhuộm, tẩy, hóa chất, da - giày, dệt - may, luyện cán thép... thì phải có những hàng rào kỹ thuật quy định ngay trong bản thân luật. Thế nhưng, vì chưa có các khoản quy định này, chúng ta vẫn dễ dàng để các dự án ảnh hưởng đến môi trường được đầu tư vào Việt Nam.

Thậm chí, ngay đến việc quản lý hóa chất độc hại, Luật Hóa chất đã có, song tính khả thi vẫn còn rất kém. Theo ông Đỗ Thanh Bái, Luật Hóa chất đã có gần 10 năm, nhưng đến nay đã bộc lộ nhiều lỗ hổng. Sử dụng hóa chất chưa theo những quy chuẩn nhất định dẫn đến sử dụng và xử lý khá bừa bãi. Vì vậy, để hạn chế việc sử dụng, xử lý hóa chất trong công nghiệp, hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp Hóa chất thế giới và Hiệp hội Công nghiệp Hóa chất Nhật Bản sẽ tiến hành điều chỉnh đạo luật này trong thời gian tới để trình Quốc hội cho ý kiến. Việc chỉnh sửa sẽ theo hướng chuyển từ quản lý hóa chất theo mức nguy hiểm sang quản lý theo hướng rủi ro. Nghĩa là sẽ kiểm soát rủi ro đối với con người và môi trường do hoạt động sử dụng hóa chất gây ra. Cũng theo ông Bái, một trong những bất cập hiện nay trong lĩnh vực quản lý hóa chất đó là sự chồng chéo. Ở các nước, quản lý hóa chất chỉ có một hoặc 2 bộ, song ở Việt Nam, lại có rất nhiều bộ như Công Thương, Tài nguyên - Môi trường và còn có cả Bộ Y tế, Công an…

Điều cuối cùng các chuyên gia khuyến cáo, đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là quan trọng, nhưng đây là thời điểm chúng ta phải lựa chọn những phân ngành, dự án đầu tư vào Việt Nam thiên về chất, có hàm lượng công nghệ cao để giảm thiểu sự rủi ro về môi trường. Muốn vậy, phải rà soát đồng bộ các đạo luật từ Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Hóa chất... Cương quyết không đánh đổi đầu tư bằng mọi giá để tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá nặng nề.

H. Phạm  - A. Tùng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này