Trục lợi Quỹ Bảo hiểm Y tế: Bao giờ mới chấm dứt?

12:33 | 31/05/2016
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), để chống tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) khi thông tuyến khám, chữa bệnh (KCB), cơ quan này sẽ chính thức triển khai hệ thống thông tin giám định y tế liên thông giữa các cơ sở KCB từ tháng 7.2016.
bao gio moi cham dut Từ 1.6.2016, sẽ có thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội
bao gio moi cham dut Chậm, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp sẽ bị tính lãi

Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảm hiểm Y tế (BHYT) - cho biết:  Trong 4 tháng đầu năm 2016, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT ở nhiều địa phương có xu hướng gia tăng sau khi Bộ Y tế triển khai chính sách mới về thông tuyến KCB BHYT trên toàn quốc và áp dụng chính sách viện phí mới.

bao gio moi cham dut
Ảnh minh họa.

Cụ thể, trong 4 tháng qua, BHXH Việt Nam đã thanh toán chi phí KCB BHYT cho trên 44 triệu lượt người với tổng số tiền hơn 20.000 tỉ đồng, số lượt thẻ khám chữa bệnh tăng 1,2%, nhưng số lượt khám, chữa bệnh tăng 5%. Đáng chú ý, tại các cơ sở y tế tuyến quận, huyện, có nơi bệnh nhân BHYT đến điều trị tăng đột biến, trong khi số người đến KCB ở tuyến xã giảm.

Nguyên nhân là do thông tuyến dẫn đến chuyển viện rất dễ, nên hiện tượng người dân đi khám ở nhiều nơi trong cùng 1 thời điểm và cùng 1 ngày cũng khá phổ biến. Không loại trừ khả năng họ chỉ đi khám để được cấp phát thuốc sau đó lấy thuốc ra ngoài bán.

Cũng theo ông Sơn, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ chủ yếu trong 2 quá trình, đó là: Lạm dụng trong tham gia, thu đóng BHYT, phát hành thẻ BHYT; lạm dụng trong khám, chữa bệnh BHYT. Qua theo dõi tại nhiều cơ sở, thấy có hiện tượng có sự bắt tay giữa người bệnh và cơ sở KCB để người bệnh được khám nhiều lần trong 1 ngày.

Điều này thể hiện ở chỗ, với chính sách thông tuyến KCB ở tuyến huyện hoặc phòng khám đa khoa khu vực, cơ sở KCB khuyến khích người bệnh thông tuyến từ nơi khác đến mà không phải là nơi KCB ban đầu. Cơ chế thanh toán không phải từ nơi KCB ban đầu, chi phí thanh toán rộng rãi hơn, mà việc kiểm soát chủ yếu là hậu kiểm, nên  dẫn đến có sự lạm dụng quỹ. 

Bên cạnh đó, có hiện tượng một số cơ sở KCB xin chuyển từ bệnh viện hạng 2 xuống hạng 3 để thu hút bệnh nhân, trong khi nhiều cơ chế chính sách vẫn hưởng theo hạng 2; tỉ lệ sử dụng dịch vụ kỹ thuật khá rộng rãi…

Thống kê cho thấy, trước đây, một số cơ sở y tế bình quân ngày giường điều trị cho bệnh nhân tuyến huyện là 5-6 ngày, nhưng 4 tháng đầu năm nay tăng lên 6,3- 6,4 ngày. Số liệu này cho thấy có sự khác biệt đáng chú ý so với trước và sau khi tăng giá dịch vụ y tế.

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo, việc tăng số lượt bệnh nhân KCB lên khoảng 4% khiến cơ quan đặt nghi vấn về việc trục lợi quỹ BHYT.

Nếu không chống được tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện chính sách, tạo nên sự mất công bằng trong khám, chữa bệnh BHYT, gây bức xúc cho dư luận… Do đó, việc này trở nên hết sức cấp thiết và cần được triển khai quyết liệt.

Để đối phó với các biểu hiện lạm dụng trên, BHXH VN đang xây dựng bộ mã định danh, người bệnh đi đâu khám sẽ được nhận diện ngay. Theo đó, từ tháng 7.2016 tới, Bộ Y tế phối hợp với BHXH VN sử dụng hệ thống thông tin về người có thẻ BHYT bằng công nghệ thông tin và có thể kiểm soát được số lần người có thẻ BHYT đi khám bệnh cũng như số lần đã sử dụng các thiết bị kỹ thuật trong khám và điều trị bệnh.

Một trong những tiện ích của hệ thống này là sẽ kiểm soát được lịch sử khám, chữa bệnh của người bệnh. Thông qua đó, sẽ phát hiện ra các trường hợp nào đi khám nhiều lần trong một khoảng thời gian không hợp lý cũng dễ dàng phát hiện những đơn thuốc, đơn điều trị được chỉ định bất hợp lý.

K.Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này