Vì sao ngành sư phạm có nguy cơ thừa nhân lực?

10:29 | 27/05/2016
Ước tính, đến năm 2020, cả nước vẫn có khoảng 70.000 cử nhân sư phạm ra trường không bố trí được việc làm. Trong khi đó, các trường lại vẫn thiếu đội ngũ giáo viên có trình độ, chuyên môn cao có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Vì sao?
vi sao nganh su pham co nguy co thua nhan luc Sinh viên Sư phạm được miễn học phí đến năm 2021
vi sao nganh su pham co nguy co thua nhan luc Nghịch lý "thiếu, thừa" vẫn đang được đặt ra cấp bách

Cụ thể, theo thống kê do PGS.TS Bùi Văn Quân -  Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô, tính đến năm 2018, số cử nhân sư phạm ra trường mỗi năm lên tới con số 60.930 em.  Trong đó, cử nhân được đào tạo là giáo viên chuyên ngành Tiểu học là 19.200, THCS là 18.700 và THPT là 23.030.

Như vậy, dù có tăng số học sinh/giáo viên bình quân lên tương đương các nước công nghiệp phát triển, thì đến năm 2020 số cử nhân sư phạm dư thừa theo các bậc học là: Khoảng 41.000 người đối với bậc tiểu học, 12.200 người đối với bậc THCS và 16.900 người đối với bậc THPT.

vi sao nganh su pham co nguy co thua nhan luc
Ngành sư phạm đang có nguy cơ thừa cử nhân.     ảnh minh họa

Đồng thời,  PGS Bùi Văn Quân cũng nhận định: "Cơ cấu mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên, nhất là cơ cấu theo địa bàn lãnh thổ (mỗi tỉnh/thành phố có ít nhất 1 cơ sở đào tạo giáo viên) và phương thức đào tạo giáo viên truyền thống (đào tạo song song) đã hoàn thành vai trò, sứ mệnh lịch sử của nó.

Theo các chuyên gia giáo dục, hệ thống đào tạo giáo viên hiện đang bộc lộ những hạn chế cơ bản. Hiện trên cả nước có 108 cơ sở đào tạo giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông, bao gồm 9 trường đại học sư phạm, 1 trường đại học giáo dục, 31 khoa, ngành sư phạm trong các trường đại học đa ngành, 35 trường cao đẳng sư phạm, 19 khoa, ngành sư phạm trong các trường cao đẳng đa ngành, 3 trường trung cấp sư phạm và 10 trường trung cấp chuyên nghiệp.

Nhìn về tổng quan thì số sinh viên sư phạm được đào tạo để trở thành giáo viên trong tương lai mỗi năm tương đối nhiều. Tuy nhiên, vấn đề là trong khi lượng cử nhân sư phạm tốt nghiệp hằng năm nhiều, nhưng các trường lại đang thiếu đội ngũ giáo viên có trình độ, chuyên môn cao có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.

Nguyên nhân đầu tiên phải nói đến là mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phát triển trong tình trạng thiếu ổn định do nhiều trường cao đẳng sư phạm yếu cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên được nâng cấp lên đại học, hoặc đổi tên để mở rộng tuyển sinh đào tạo trình độ đại học các ngành sư phạm và ngoài sư phạm, chưa có sự phân tầng trong mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên.

Bên cạnh đó, phương thức đào tạo chủ yếu của các trường ĐH hiện nay vẫn thiên về trang bị lý thuyết hơn là trang bị thực hành. Vì các trường chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng, nên phát triển thiếu bền vững, năng lực cạnh tranh về đào tạo sinh viên sư phạm khó có thể cạnh tranh được so với các nước trong khu vực và thế giới.

Kỳ tuyển sinh đại học 2016, Bộ GDĐT đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm để đối phó với tình trạng thừa giáo viên. Tuy nhiên, theo PGS Bùi Văn Quân, đây mới chỉ là biện pháp trước mắt với khủng hoảng thừa giáo viên.

Sau quá trình giảm thiểu chỉ tiêu đào tạo giáo viên, nếu xảy ra tình trạng khủng hoảng thiếu giáo viên thì ngành giáo dục sẽ trở tay không kịp. Vì vậy, cần thiết lập hệ thống đào tạo và phương thức đào tạo sư phạm phù hợp với tình hình mới, cũng như đào tạo đa ngành để dự trữ nguồn nhân lực cho ngành sư phạm.

Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh An - Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), chất lượng đội ngũ nhà giáo trong tương lai có vai trò rất quan trọng đối với việc truyền đạt tri thức, hướng dẫn thế hệ trẻ. Nếu trường học có giáo viên giỏi thì chắc chắn có học trò giỏi và xã hội sẽ có được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chính vì thế, việc đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay có vai trò rất quan trọng. Bởi đào tạo, giáo viên tại các trường đại học đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo không chỉ là mong mỏi của ngành giáo dục mà còn là mong đợi của toàn xã hội đối với đội ngũ nhà giáo - những người đem lại tri thức, dẫn dắt thế hệ trẻ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước.

Còn nhìn ở góc độ quy hoạch đội ngũ nhà giáo giỏi trong tương lai, GS.TS Đinh Quang Báo (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, Bộ GDĐT cần quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm. Trong đó, chú trọng đến vai trò đào tạo giáo viên ở các trường ĐH địa phương.

Các trường sư phạm ở địa phương không thể đứng độc lập mà phải được gắn kết với hệ thống các trường sư phạm lớn mạnh hơn trong việc trao đổi giảng viên, chia kinh nghiệm đào tạo...

Đồng thời, các nhà nghiên cứu khoa học, quản lý giáo dục đều thống nhất quan điểm, quy trình đào tạo giáo viên phải được thiết kế, tổ chức gắn chặt với thực tiễn đời sống học đường, đảm bảo mối quan hệ mật thiết giữa đào tạo và bồi dưỡng theo qua điểm phát triển liên tục nghề nghiệp giáo viên theo 3 giai đoạn: Trước đào tạo nghề giáo viên, đào tạo nghề giáo viên và lao động nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục mầm non hoặc phổ thông. Đặc biệt, đào tạo giáo viên cần phải xuất phát từ quan điểm “giáo viên là người lao động nghề nghiệp chuyên nghiệp”.

K.Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này