Sai phạm trong cấp chứng nhận phân bón: Người dân có quyền khởi kiện ra tòa

09:33 | 17/05/2016
11 tổ chức cấp chứng nhận phân bón có nhiều dấu hiệu sai phạm chắc chắn sẽ bị xử lý. Thế nhưng, phía sau chuyện cấp giấy chứng nhận ấy, hàng nghìn, hàng triệu sản phẩm phân bón sai và thiếu quy chuẩn đã và đang được bà con nông dân xử dụng sẽ ra sao, ngành nông nghiệp sẽ xử lý vấn đề đó như thế nào?
sai pham trong cap chung nhan phan bon nguoi dan co quyen khoi kien ra toa Lộ diện phân bón giả, kém chất lượng: Ai phải đền bù thiệt hại cho dân?

“Nhắm mắt” làm liều?

Trước thông tin Thanh tra Bộ NNPTNT kết luận 11 đơn vị, tổ chức không đủ tiêu chuẩn vẫn được phép cấp Giấy chứng nhận hợp quy phân bón, người dân và các chuyên gia trong ngành nông nghiệp đều tỏ ra bức xúc. Việc sai phạm trên không chỉ là vấn đề buông lỏng quản lý, là cách làm việc thiếu ý thức, trách nhiệm của những người có trình độ, có chức có quyền…mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngành trồng trọt, người nông dân, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế quốc gia.

Chị Nguyễn Thị Thu (ở Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Ngành nông nghiệp đang có quá nhiều vấn đề đáng quan ngại, hết thực phẩm bẩn, chất tạo nạc, vàng ô… lỗi được cho là do người chăn nuôi, giờ đến lượt ngay cả các tổ chức, các cơ quan trực thuộc Bộ NNPTNT cũng cấp phép bừa bãi, gian dối, khiến phân bón giả, kém chất lượng tràn lan thị trường, ảnh hưởng lớn đến người trồng trọt cũng như người tiêu dùng. Thiết nghĩ, ngành nông nghiệp cần chấn chỉnh ngay từ gốc”.

sai pham trong cap chung nhan phan bon nguoi dan co quyen khoi kien ra toa
Phân bón là sản phẩm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Đưa ra quan điểm của mình về vấn đề trên, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Thị Hằng cũng cho rằng, việc buông lỏng quản lý của ngành trồng trọt đã dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng tại các tổ chức chứng nhận chất lượng phân bón, thử nghiệm phân bón, khiến cho người dân mất niềm tin vào ngành trồng trọt. Thậm chí việc làm trên gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của nông dân, bởi họ là những người trực tiếp phải tiêu thụ những sản phẩm kém chất lượng này, bằng chính mồ hôi và công sức của mình. “Tôi nghĩ không chỉ ngành nông nghiệp mà các cơ quan chức năng phải vào cuộc để vấn đề này được xử lý triệt để, rõ ràng. Cần thiết thì phải xử lý hình sự để làm gương và làm trong sạch ngành nông nghiệp” – bà Hằng cho hay.

Người dân có thể khởi kiện

Đơn vị nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trước mắt, Cục Trồng trọt yêu cầu các đơn vị trên làm tường tình và tổng hợp ý kiến báo cáo lên Bộ trưởng Bộ NNPTNT, sau đó mới đưa ra kết luận xử lý cuối cùng. Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị trên thu hồi toàn bộ giấy chứng nhận hợp quy với các tổ chức trên, đồng thời yêu cầu thu hồi các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường. Với những sai phạm về mặt hành chính, việc xử lý kỷ luật sẽ do Thanh tra Bộ NNPTNT thực hiện, còn đối với những đơn vị có dấu hiệu vi phạm hình sự, Thanh tra Bộ cũng đã chuyển hồ sơ sang công an để điều tra và xử lý.

Từ trước đến nay chúng ta vẫn biết, phân bón là một trong những sản phẩm liên quan đến năng suất cây trồng, cụ thể nó quyết định đến 40% năng suất cây trồng. Theo số liệu đưa ra từ Bộ NNPTNT, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng hơn 10 triệu tấn phân bón các loại, trong khi đó, hiện tại Bộ NNPTNT đang quản lý khoảng 5.300 chủng loại phân bón đã có trong danh mục, chủ yếu là phân bón hữu cơ. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang quản lý và cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy cho gần 1.000 loại phân bón (phân bón vô cơ). Bên cạnh đó, cũng có khoảng gần 1.000 thương hiệu phân bón truyền thống nằm ngoài danh mục như: Phân vi lượng, phân bón lá, phân hóa học…đang trôi nổi ngoài thị trường.

Theo số liệu trên, hiện trên thị trường có khoảng trên 7.000 sản phẩm phân bón. Vì thế, việc để người nông dân lựa chọn ra được một sản phẩm phân bón chất lượng là một việc làm hết sức khó khăn. Trong khi đó, vì mục đích lợi nhuận, 11 tổ chức chứng nhận chất lượng phân bón được Cục Trồng trọt cho phép lại có những dấu hiệu cố tình làm sai, để rồi từ đó tiếp tay cho hàng trăm sản phẩm, thương hiệu kém chất lượng xuất hiện trên thị trường, ảnh hưởng đến lợi ích, kinh tế của bà con, ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước.

Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ chuyên môn, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Thị Hằng nhận định, việc thị trường xuất hiện tràn lan phân bón kém chất lượng những năm trước đây, có liên quan trực tiếp hay không đến việc 11 tổ chức trên chứng nhận chất lượng phân bón chưa đúng quy trình, thì cần phải có sự điều tra cụ thể từ các cơ quan chức năng.

Sai phạm thì chắc chắn sẽ bị xử lý, nhưng xử lý và khắc phục như thế nào là vấn đề được nhiều người dân quan tâm nhất trong thời giai đoạn này. Trả lời câu hỏi trên với các cơ quan báo chí, ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Trồng trọt - cho biết: Đơn vị nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trước mắt, Cục Trồng trọt yêu cầu các đơn vị trên làm tường tình và tổng hợp ý kiến báo cáo lên Bộ trưởng Bộ NNPTNT, sau đó mới đưa ra kết luận xử lý cuối cùng. Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị trên thu hồi toàn bộ giấy chứng nhận hợp quy với các tổ chức trên, đồng thời yêu cầu thu hồi các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường. Với những sai phạm về mặt hành chính, việc xử lý kỷ luật sẽ do Thanh tra Bộ NNPTNT thực hiện, còn đối với những đơn vị có dấu hiệu vi phạm hình sự, Thanh tra Bộ cũng đã chuyển hồ sơ sang công an để điều tra và xử lý.

Việc sai phạm của các tổ chức cấp chứng nhận chất lượng phân bón đã và đang được lãnh đạo Bộ NNPTNT điều tra, xử lý. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, với những sản phẩm đã và đang được người dân sử dụng và gây thiệt hại sẽ phải xử lý như thế nào? Trước câu hỏi này, Luật sư Đăng Sơn (Văn phòng Luật Đăng Sơn) cho biết: Nếu người dân chứng minh được từ trước đến nay họ sử dụng sản phẩm phân bón có nhãn mác, nguồn gốc từ các công ty phân bón được cấp giấy chứng nhận từ 11 đơn vị trên, đồng thời chứng nhận được những thiệt hại cụ thể như: Cây trồng chết khi sử dụng phân bón, giảm chất lượng, năng suất, ảnh hưởng đến sức khỏe…thì theo Điều 61 và 64 Luật Chất lượng sản phẩm năm 2007, người dân có quyền khởi kiện người sản xuất, công ty nhập khẩu ra tòa, yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Danh sách 11 đơn vị cấp chứng nhận phân bón bị đề nghị đình chỉ

1. Công ty CP Giám định và Khử trùng FCC – địa chỉ số 45 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

2. Công ty CP Giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu (Cafecontrol) – số 228 Pasteur, quận 3, TP. Hồ Chí Minh

3. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 – số 79 Lý Thái Tổ, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

4. Trung tâm Giám định và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy – Công ty CP chứng nhận Vietcert – số 123 Nguyễn Đức Trung – Thanh Khê – Đà Nẵng.

5. Công ty TNHH Kencert – số 11 Nguyễn Trác, Hải Châu – Đà Nẵng

6. Trung tâm khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ - số 12 Nguyễn Chí Thanh, quận 10, TP. Hồ Chí Minh.

7. Công ty CP chứng nhận Globalcert – số 79 Quang Trung, Hải Châu,    Đà Nẵng.

8. Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 – số 31 Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

9. Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (Quacert)- số 8, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.

10. Công ty CP chứng nhận và Giám định Vinacert – số 130, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Mai, Hà Nội.

11.  Công ty CP chứng nhận và Giám định IQC – Khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này