Nhà khảo cổ nghiệp dư trên đất gốm Kim Lan

12:06 | 12/05/2016
Hơn 30 năm qua, trên dọc bờ sông Hồng, người dân làng Kim Lan thường thấy một ông già lụi hụi tìm kiếm, nhặt nhạnh những mảnh vỡ gốm sứ cổ. Người đàn ông được cho là “gàn dở” ấy đã tìm được hàng nghìn di vật cổ, đóng góp tích cực cho việc tìm hiểu lịch sử của làng Kim Lan cũng như đất Thăng Long xưa.
tin nhap 20160512114916 Khai mạc triển lãm "Lịch sử - văn hóa Việt Nam"
tin nhap 20160512114916 Phát hiện di tích khảo cổ học liên quan đến vua Mai Hắc Đế tại núi Đụn

Đến xã Kim Lan (huyện Gia Lâm) một ngày hè oi ả, hỏi chuyện về khảo cổ, người dân ở đây chỉ ngay cho nhà ông Nguyễn Việt Hồng. Trong ngôi nhà tranh khá đơn sơ, thậm chí là tuềnh toàng, chất đầy những đồ gốm cổ, cụ ông ngoài 80 tuổi này đã kể về hành trình gian nan đi tìm lại dấu vết của một làng nghề cổ.

“Tôi vốn là công nhân của Xí nghiệp Sứ Bát Tràng. Năm 1962, tôi được điều lên làm Quản đốc phân xưởng. Từ đó, tôi bắt đầu có ý thức về việc tìm hiểu lịch sử đồ gốm. Năm 1983, tôi nghỉ hưu và dồn hết tâm sức của mình đi tìm những mảnh gốm sứ cổ” – ông Hồng chia sẻ.

tin nhap 20160512114916
Ông Nguyễn Việt Hồng và những di vật sưu tầm của mình.

Chuyện bắt đầu từ năm 1967, khi vùng đất bãi Kim Lan ở bờ Bắc sông Hồng bị lở, ở độ sâu 5m, người ta thấy lộ nhiều lọ, bát, đĩa, với đủ các cỡ, màu men. Những năm 1980, các nhà ở xóm Chùa đào đất thấy những xâu bát nung quá lửa. Đến năm 1996, trên đất Hàm Rồng lại tìm thấy lộ 4 vò tiền cổ.

Sự việc trên diễn ra nhiều năm đã khiến cho ông Hồng trăn trở: “Phải chăng trên đất Kim Lan xưa có nhiều lò gốm cổ? Điều đó càng khiến tôi có động lực tiếp tục việc tìm kiếm, nhặt nhạnh, thu gom những di vật ở dọc sông Hồng, dù nhiều lần bị cho là dở hơi, lẩm cẩm. Nhà nào tìm được đồ vật cổ nào tôi đều đến gặng mua về tìm hiểu”.

Đến nay, sau hàng chục năm say mê tìm kiếm, ông đã tìm được hàng nghìn di vật và phân thành nhiều nhóm. Nhóm kim loại tiền cổ bằng đồng đựng trong hũ sành 4 tai. Mỗi hũ chứa đến 17 -18 kg tiền cổ. Trong số này có đồng tiền Ngũ Thù có niên đại 118 TCN; đồng Thái Bình Hưng Bảo thời Đinh Tiên Hoàng và đồng Thiên Phúc Trấn Bảo thời Lê Đại Hành. Nhóm di vật làm bằng đất nung có gạch Giang Tây quân đời Đường, gạch vồ, gạch hình múi bưởi, gạch cong hình vành khăn… Như vậy, đội quân Cao Biền đóng tại  Kim Lan có thể đã mở lò nung gạch Giang Tây Quân để xây thành Đại La và truyền nghề thủ công làm gốm sứ cho dân làng Kim Lan từ đó.

Kiên trì tìm chắp những mảnh vỡ, ông Hồng đã gắn được một số bát, đĩa. Nhằm tạo thuận lợi cho các nhà nghiên cứu, ông Hồng còn phục chế một số đồ gồm trong đó có bình vôi, lọ, gạch lá đề, một cái âu quanh thân nổi các cánh sen và chữ “Liên hoa ngọc thủy”.

Hành trình tìm kiếm di vật của ông Hồng cũng lắm gian nan. Với những cổ vật đã tìm được, năm 2000, ông Hồng quyết định gửi đơn lên Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội, Viện Khảo cổ và Bảo tàng Lịch sử VN đặt vấn đề nghiên cứu sâu hơn từ những phát hiện khảo cổ ở Kim Lan.    

Cùng thời điểm này, một nhà khảo cổ người Nhật là Nisimura đã biết được câu chuyện và tìm đến ông. Với kiến thức chuyên môn của nhà khảo cổ học, Nisimura cùng với những hiện vật thu được của ông Hồng, họ cùng nhau hăm hở phân loại và sắp xếp các hiện vật một cách khoa học. Câu chuyện về một ngôi làng bên bờ sông Hồng được đồn thổi chứa đựng cả kho  báu khiến giới khảo cổ và đám buôn đồ cổ đổ xô đến. Kẻ gạ mua, người dọa thu hồi. Nhắc lại, ông Hồng bồi hồi: “Tôi chỉ muốn chứng minh làng Kim Lan xưa đã có những lò gốm cổ để con cháu sau này được biết đến và tự hào, chứ những thứ tôi dày công nhặt nhạnh, tìm hiểu đâu phải để mua bán làm giàu”.

Với sự tài trợ của Quỹ Bảo vệ di sản trong lòng đất của Nhật Bản, ông Hồng cùng 4 vị cao niên trong làng đã dựng lên Bảo tàng Khảo cổ học cộng đồng ngay chính sân đình của làng Kim Lan. Với những đóng góp to lớn ấy, nhóm “Tìm lại cội nguồn” của ông Hồng đã được nhận Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – vì tình yêu Hà Nội”.

Khi nói về tâm nguyện của mình, ông Nguyễn Việt Hồng đưa mắt nhìn xa xăm, rồi bảo: “Tôi sẵn sàng hiến tặng tất cả những cổ vật đã tìm kiếm được mấy chục năm qua cho bảo tàng với điều kiện bảo tàng phải luôn mở cửa đón tiếp nhân dân đến tham quan. Nó giúp cho người dân được gần gũi với cổ vật, từ đó hiểu được giá trị lịch sử cha ông để lại”.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này