Nỗi đau quặn thắt

16:05 | 07/11/2013
LĐTĐ - Không phải bỗng dưng ông Nguyễn Thanh Chấn, thôn Me, Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang, người bị kết án chung thân oan trái (đã thụ án 10 năm) khi về đến nhà đã tới thắp nén hương lên bàn thờ cảm ơn tiên tổ và đặc biệt là cảm ơn anh linh người cha liệt sỹ của mình khi đã cứu ông khỏi án tử.

Nhưng đằng sau câu chuyện giải oan rồi đưa ông thoát khỏi lao tù không chỉ có cha ông mà còn có vợ và những người thân hữu. Thật buồn, khi minh oan cho một con người thì các cơ quan tố tụng lại không phải là những người đầu tiên làm việc này.

Bản án dư luận

Dường như sau một bản án vu cho mình tội giết người, rồi hiếp dâm, ông Chấn thấy tủi nhục cho mình một, còn cho vợ con lên tới hàng trăm, hàng nghìn lần. Bởi sau khi tòa kết án, bao quanh ông là những bức tường giam và bạn tù chứ không phải ánh mắt soi mói hay thái độ miệt thị của người làng. Và vợ con ông đã phải thay ông gồng mình gánh chịu sự kì thị ấy từ xã hội. Cũng phải thôi, hết cơ quan cảnh sát điều tra rồi tòa án tỉnh, tòa án trung ương đều khẳng định ông là cái thằng giết người thì luật sư bào chữa hay người nhà có biện minh rằng ông oan, ông không phải con người xấu xa như thế cũng chẳng có ai tin. Giết ai chẳng giết lại đi giết hàng xóm đang nuôi con nhỏ. Cái tội này trời đất chẳng dung tha.

Chồng ngồi tù đến năm thứ 6 nhưng sự kỳ thị của người đời vẫn chẳng buông tha bà Nguyễn Thị Chiến. Có lúc con mình va chạm với con của người trong làng vậy là người ta ra tận cổng nói bóng nói gió rằng, nhà dột từ nóc, bố như thế thì dạy làm sao được con. Những lời nói tan vào không trung nhưng lại tựa trăm ngàn mũi kim đâm vào tim bà Chiến. Ờ thì đến người trong họ, anh em thân thuộc còn có người bán tín bán nghi thì trách sao người làng lại không nghĩ khác.

Tại buổi họp báo về việc kháng nghị tái thẩm và tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn, ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng VKSND tối cao đã vạch rõ các sai sót trong các phiên xử ông Nguyễn Thanh Chấn, nhất là sự suy diễn vô lối của các cơ quan tố tụng.

Chiều 6/11, đi cùng người thân đến đợi phán quyết cuối cùng từ Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, nét mặt bà Chiến tươi hơn nhưng khi tôi gợi lại câu chuyện quá khứ nước mắt trong bà lại ứa đầy hai khóe mắt: “Chú có tin không con cái tôi hễ yêu ai là làng trên xóm dưới lại có người cảnh báo cho bên kia rằng bố nó hiếp dâm tức nhà nó có máu lăng loàn. Không khéo sau này nó là vợ của con mình còn xác lại trao cho thằng khác. Rồi những năm các con đi học, thỉnh thoảng lại thấy hai con trai mặt mày thâm tím, quần áo xộc xệch, hỏi nguyên nhân tại sao thì được biết suốt một đoạn đường dài đi học về đám trẻ cùng trường vừa trêu vừa la to rằng: “Thằng Quyết có bố đi tù”. Ức quá hai anh em lại lao vào ăn thua với đám bạn. Cái Thu, con gái tôi sau này có người yêu nhưng chỉ được thời gian lại thôi vì bạn trai nó và người nhà được khuyên rằng con gái ở làng thiếu gì mà lại đâm đầu vào nhà có người đi tù cho mang tiếng. Rồi con cũng tìm được người yêu mình thực sự. Ngày cưới tôi cũng chỉ làm chục mâm mời anh em trong họ chứ không dám mở rộng ra ngoài, chỉ sợ người ta đến chúc mừng rồi sẵn có chút rượu lại nói ra những điều không hay.

Sống ở làng quê là thế đấy, thương nhau hết mình nhưng những gì đã thành định kiến thì khó có thể xóa bỏ. Bản án người ta dành cho chồng nhưng mẹ con tôi mới là những người bị kết tội”.

Chút lương chi còn xót lại

Có bệnh thì vái tứ phương, ngoài việc giúp chồng viết đơn kêu oan gửi tới nhiều nơi, bà Chiến còn thắp hương cầu tổ tiên phù hộ gia đình thoát khỏi kiếp nạn. Nhiều lần hướng về ngôi nhà của cô Hoan ( nạn nhân bị giết) bà khấn cô khôn thiêng sớm hiển linh giúp mình vạch mặt kẻ xấu. 10 năm qua, trong khi làng xã đổi thay từng ngày với nhà tầng và những đồ đạc hiện đại thì nhà bà Chiến vẫn chỉ là ngôi nhà cấp bốn xập xệ, với những rui mè yếu ớt bị mái ngói đè võng lưng. Cũng phải thôi, bởi bao tiền nong có được cả nhà lại dồn cho bà Chiến đi gõ cửa các cơ quan công quyền để kêu oan cho chồng. Công an tỉnh Bắc Giang là nơi được gia đình gửi đơn nhiều nhất, trong những lá đơn bao giờ cũng có những dòng đề cập đến việc các cán bộ điều tra ngày ấy làm việc thiếu khách quan. Nhưng đáp lại là thái độ đùn đẩy trách nhiệm, bên công an bảo việc đã chuyển sang tòa nên họ hết trách nhiệm. Còn tòa án tỉnh nói tòa án trung ương ra kết luận rồi, muốn biết lên đó mà hỏi. Bản án đã có hiệu lực thì khó có thể cưỡng lại được, phải có tình tiết mới thì tòa mới xử lại, có luật sư đã tư vấn cho bà Chiến như thế.

Thế này có khác gì đánh đố nhau vì cái tình tiết mới là cuộc điện thoại để chứng minh thời gian cô Hoan chết thì ông Chấn vẫn còn ở nhà, vẫn cho người khác gọi nhờ điện thoại nhà mình thì cả hai cấp tòa đều bỏ ngoài tai rồi. Án tại hồ sơ, nó tai hại như thế đấy.     

Lý giải vì sao việc đầu tiên khi về đến nhà là ông đến ban thờ thắp hương cảm tạ tổ tiên và đặc biệt là anh linh người cha liệt sỹ?. Ông Chấn cho biết tòa đã từng kết án tử với mình nhưng vì gia đình có công với cách mạng, có cha là liệt sỹ nên ông được giảm án thành tù chung thân. Nếu không có người cha liệt sỹ có lẽ giờ này ông chẳng có cơ hội nhìn thấy trời xanh, thấy cán cân công lý treo trang trọng tại Tòa án nhân dân tối cao. Đã có lúc tôi tự đặt câu hỏi: Nếu ông Chấn bị tử hình thì việc bồi thường oan sai sẽ thế nào?.

Một người lương thiện phải ngồi tù oan hơn 10 năm liền đã để lại bao sự xót xa. nhưng đáng buồn hơn khi người chỉ đích danh thủ phạm lại là vợ ông Chấn chứ không phải cơ quan điều tra. Có thể nói ông Chấn được minh oan là nhờ vợ mình, nhờ Viện KSND tối cao và hơn hết là nhờ chút lương chi còn xót lại của hung thủ Lý Nguyễn Chung khi chấp nhận ra đầu thú.

Ngày 15/8/2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết hại tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Ngày 29/9/2003, Nguyễn Thanh Chấn bị khởi tố bị can, tạm giam về tội giết người. Sau đó TAND tỉnh Bắc Giang và Tòa phúc thẩm, TAND tối cao kết án ông Chấn tội giết người, án tù chung thân. Ngày 5/7/2013, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ Nguyễn Thanh Chấn) có đơn kêu oan gửi đến Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cho rằng thủ phạm giết người là Lý Nguyễn Chung.

Ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, khai nhận hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản. Ngày 29/10/2013, VKSND tối cao khởi tố vụ án hình sự giết người, cướp tài sản; khởi tố bị can với Chung về hai hành vi này.  Ngày 4/11/2013, ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành án, trở về gia đình.

Gia Bảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này