Những lão sinh miệt mài giữ vốn cổ

11:24 | 10/05/2016
Đều đặn vào thứ 5 hằng tuần, 14 năm qua, lớp học Hán Nôm tại đình làng Trung Kính Thượng vẫn “sáng đèn”, thầy và trò đều là những người tuổi đã trên dưới 90. Tại lớp học, thầy và trò đều toát lên vẻ nhã nhặn, thoải mái và chân thành, bởi lẽ họ có chung niềm đam mê và mong muốn gìn giữ di sản văn hóa mà cha ông đã để lại.
tin nhap 20160510105942 Cho tôi thêm yêu Thủ đô ngàn năm văn hiến...
tin nhap 20160510105942 "Chuyện thường ngày" của Hà Nội xưa

Học Hán Nôm để “tu thân”

Lớp học Hán Nôm tại đình làng Trung Kính Thượng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), nay đã được đổi tên thành CLB Hán Nôm thư pháp Trung Kính, nhưng ở đây mọi người vẫn quen gọi là lớp học Hán Nôm. Đứng lớp là cụ Phan Đăng Toản - 90 tuổi, nhà ở làng Trung Kính chuyên dạy chữ Nôm. Các cụ Phan Minh Hồng 86 tuổi, Phạm Kỳ Nam (84 tuổi, tác giả cuốn “3.000 hoành phi và câu đối Việt Nam”) chuyên dạy Hán Văn và ngữ pháp, ông Hoàng Văn Chính (67 tuổi) chuyên dạy thư pháp. Học sinh đa phần là các cụ, các ông tuổi từ 70 trở lên.

tin nhap 20160510105942
Bất chấp thời tiết nắng nóng hay giá rét, các lão sinh vẫn miệt mài đến với lớp học Hán Nôm.

Chia sẻ về lớp học đặc biệt này, cụ Phan Minh Hồng một trong những người đầu tiên khai sinh ra lớp học cho biết: Ngay từ lúc 5 - 6 tuổi, cụ đã theo học các thầy đồ trong làng, thành thạo chữ nghĩa, nhưng chiến tranh loạn lạc, cụ phải tạm chia tay với loại ngôn ngữ đặc biệt này. Đến năm 1980, sau khi nghỉ hưu, cụ mới bắt đầu xem lại sách, thấy lượng chữ nghĩa vẫn còn đủ dùng, cụ lên chùa, lên đình đọc chữ, giải nghĩa, nhiều người nghe cụ giảng giải thấy ham thích nên lân la hỏi chuyện nhiều hơn. Đến năm 2003, với mong muốn giúp người dân làng mình học lại chữ của các cụ ngày xưa, lớp học chữ Hán (miễn phí) chính thức được ra đời.

Vào những ngày hội làng, những ngày đầu xuân, dân ở làng Trung Kính không phải đi đâu xa, chỉ cần ra đình làng là có thể xin chữ các thầy. Hầu hết các lão sinh của lớp học đều cho rằng, ở đời này, khó nhất là học chữ, trong học chữ thì khó nhất là học Hán Nôm. Học chữ Hán Nôm là học cách làm người, tu thân rồi mới tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Chữ Hán cũng có câu “Vị nhân giả”- ý là làm người khó lắm.

Bảo tồn giá trị văn hóa Việt

Chia sẻ về niềm đam mê khi đến với lớp học đặc biệt này, các lão sinh ở đây đều bảo, các ông học vì đam mê, yêu thích. Càng học càng thấy vốn liếng, chữ nghĩa của mình chưa ăn thua gì so với các cụ tiền nhân, nên cố gắng học càng nhiều càng tốt vì kho sử sách của Việt Nam còn nhiều lắm, không được để phí kiến thức của cha ông để lại. Chính vì thế, khi lớp học bị nhắc nhở, ý kiến rằng, không thể gọi là lớp học, vì không có giáo trình, chương trình học rõ ràng nên có thể phải đóng cửa, nhưng “Với sự đam mê, gìn giữ và truyền bá vốn di sản của cha ông để lại của các lão sinh, cùng sự hướng dẫn của chính quyền quận Cầu Giấy, lớp học được chuyển đổi thành mô hình CLB, trực thuộc quận quản lý và tự túc chi phí” - ông Ngạc Đình Bàn, 79 tuổi, Chủ nhiệm CLB Hán Nôm Thư pháp Trung Kính cho biết.

Đến với CLB Hán Nôm này, lão sinh trẻ nhất cũng gần 50 tuổi và cao tuổi nhất đã lên đến 93. Điểm chung ở họ, bất chấp dù ngày mưa gió hay nắng nóng, bất chấp đường xá xa xôi (có cụ nhà cách lớp học hơn 20km), họ vẫn không vắng buổi học nào, chỉ trừ khi sức khỏe không đảm bảo, bị con cháu giữ ở nhà, các lão sinh mới đành phải nghỉ học.

Chứng kiến các “lão sinh” tuổi đã “thất thập cổ lai hy”, vẫn say sưa cầm từng tờ giấy ê a tập đọc, mới thấy các cụ ham mê học chữ đến mức độ nào. Rồi giờ giải lao, ngoài việc chuyện trò, mọi người lại  luận từng chữ nghĩa để có thể ra một vế đối chuẩn mực nhất. Ở mỗi người đều toát lên sự nhã nhặn, thoải mái và chân thành. Có lẽ, chữ nghĩa học được đã ngấm được vào người và phát tiết ra ngoài, để thấy học chữ là tu thân…“Các cụ, các ông tham gia lớp học này là để giữ gìn bảo tồn di sản văn hóa của cha ông, của đất nước. Hầu hết các cụ đều trăn trở làm cách nào đó để có thể chuyển tải tư tưởng lớn của các thế hệ cha ông đến thế hệ trẻ, để chúng hiểu được gốc tích văn hóa nước nhà, để cùng ham mê yêu thích học chữ, bởi trước hết, học chữ là để tu thân”- ông Bùi Văn An (phường Trung Hoà) tâm sự.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này