Đẩy mạnh mạng lưới doanh nghiệp nữ

16:09 | 28/04/2016
Nếu biết kiểm soát chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp nữ có cơ hội xuất khẩu nông sản sang các thị trường lớn của châu Âu.
nen kinh te phat trien nhanh doi hoi tu duy sang tao hon kinh nghiem Khắc phục hạn chế, yếu kém để đưa nền kinh tế phát triển

Nhằm hỗ trợ phụ nữ trong quá trình hội nhập quốc tế, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Chương trình Nâng cao năng lực đối tác của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Cơ hội và thách thức đối với doanh nhân và lao động nữ Việt Nam".

Hội thảo cũng là diễn đàn để các nữ doanh nhân ở 16 tỉnh khu vực miền Bắc tăng cường kết nối hợp tác.

nen kinh te phat trien nhanh doi hoi tu duy sang tao hon kinh nghiem
Các đại biểu tham gia hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu có cơ hội tìm hiểu thông tin về TPP; cơ hội, thách thức đối với nữ chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ và lao động nữ trong các ngành dịch vụ, thủ công, công nghiệp nhẹ và nông nghiệp cũng như sự chuẩn bị của tổ chức phụ nữ và doanh nghiệp nữ trong tiến trình TPP; đưa các giải pháp và các kiến nghị cần thiết đối với các bên liên quan. 

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPNVN nhấn mạnh, với chức năng chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ Việt Nam trong đó có doanh nhân và lao động nữ, trong những năm qua, Hội luôn dành sự quan tâm và đã triển khai một số hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nữ như: tác động chính sách, đào tạo khởi sự và quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài chính và tín dụng, hỗ trợ tiếp cận thị trường, phát triển mạng lưới nữ doanh nhân, dạy nghề và tạo việc làm sau học nghề cho lao động nữ. 

Bà Thu Hà cũng cho rằng, TPP đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức để thực hiện cam kết. TPP đồng thời tạo ra môi trường, điều kiện làm việc ngày càng tốt hơn cho người phụ nữ. Hơn 70% lao động sống ở nông thôn và gần 45% lực lượng lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp với năng suất thấp và thiếu việc làm.

Theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW, để phát triển nền kinh tế một cách bền vững, đã đến lúc chúng ta cần có một cái nhìn chiến lược và dài hạn hơn, xây dựng trên nền tảng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp đi liền với việc tận dụng các lợi thế so sánh trong ngành dệt may, đồ gỗ, da giày… Với phẩm chất bền bỉ, kiên nhẫn, khả năng kết nối sẵn có cùng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, các nữ doanh nhân chắc chắn sẽ hội nhập thành công ngay trên sân nhà và khu vực.

Còn ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn cấp cao của Chính phủ trong đám phán TPP, cho rằng các doanh nghiệp nữ có lợi thế là khả năng thu hút nhiều lao động nữ từ khu vục nông thôn với chi phí đào tạo không nhiều. Tuy nhiên, Việt Nam cần chuyển nấc thang công nghiệp mới trong 10 năm tới vì đây là cơ hội lớn cần tận dụng. Nếu biết kiểm soát chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp nữ có cơ hội xuất khẩu nông sản sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản.

Ngoài ra, cần đề cao vai trò của Hội LHPNVN trong hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho phụ nữ ở địa phương và đẩy mạnh mạng lưới doanh nghiệp nữ để cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn và hỗ trợ nhau cùng phát triển.

T.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này