Vẫn mòn mỏi ngóng chờ người thân

09:59 | 26/04/2016
Những tưởng cuộc sống sẽ thay đổi khi có người nhà đi xuất khẩu lao động ở Libya, nhưng đến nay, nhiều gia đình đang rơi vào tình cảnh, tiền thì không thấy, còn người đi thì vẫn biệt tích.
van mon moi ngong cho nguoi than Người thân nước mắt lưng tròng ngóng chờ thi thể con

Trong những ngày này tại gia đình anh Nguyễn Viết Hậu (xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), nạn nhân bị cướp xả súng cướp đi sinh mạng tại đất khách quê người, người vợ trẻ, mẹ già khóc ngất vì đau đớn khiến bao người thân xóm làng không thể kìm nén nỗi xót thương.

Mất tích bí ẩn nơi xứ người

Theo đơn phản ánh của chị Nguyễn Thị Thu (ở thôn Đồng Mối, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình): Ngày 17.6.2013, anh Trần Văn Thứ (chồng chị Thu) ký hợp đồng lao động với Công ty Cổ phần nhân lực và thương mại Vinaconex (Vinaconex Mex) để đảm nhận công việc thuộc lĩnh vực xây dựng cho Công ty National Devolopment Contruction Company trong thời hạn 2 năm kể từ ngày nhập cảnh sang Benghazi (Libya). 

Ngày 24.6.2013, anh Thứ xuất cảnh khỏi Việt Nam và sang Libya. Trong thời gian lao động bên Libya, anh Thứ thường xuyên gọi điện về nhà thông báo, ngoài công việc theo như hợp đồng đã ký, anh cùng một số lao động khác còn được bố trí ra ngoài làm thêm vào những ngày nghỉ để kiếm thêm thu nhập. Đến tháng 7.2014, qua phương tiện thông tin đại chúng, gia đình chị Thu được biết anh Thứ là một trong 3 lao động Việt Nam bị mất liên lạc tại Libya đến nay vẫn chưa rõ tung tích.

van mon moi ngong cho nguoi than
Chị Thu và các con vẫn hàng ngày ngóng tin chồng, cha

Từ ngày nhận được tin anh Trần Văn Thứ và 2 đồng nghiệp mất tích đến nay, người thân trong gia đình anh Thứ ngày nào cũng ngóng chờ tin anh. Chúng tôi đã tới nhà chị Thu để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình chị. Chị Thu tâm sự: Năm 2013, vì căn bếp bị mối xông tận nóc mà không có tiền để sửa, anh Thứ bàn với gia đình là cố sang Lybia để kiếm tiền sửa chữa và có thêm kinh phí để nuôi con ăn học.

Những tưởng mọi việc suôn sẻ, nào ngờ, chiến tranh nổ ra ở xứ người và anh Thứ mất tích. Chị Thu nghẹn ngào, khi tiễn anh đi, dáng vóc chỉnh tề, hành trang đầy đủ… nhưng hiện nay gia đình chỉ còn giữ lại một số giấy tờ liên quan tới anh và chiếc ví, trong đó còn 19.000 đồng – những thứ đồng nghiệp của anh mang về hộ khi rời Libya.  Hiện giờ, không biết tình hình chồng ra sao, không còn tiền để nuôi con ăn học, chị Thu phải lao động vất vả để kiếm bữa ăn hằng ngày. Chị Thu mong các cơ quan chức năng sớm có kết quả trong việc tìm kiếm người mất tích.

Ông Phạm Văn Hoàn – trưởng thôn Đống Mối, xã Đồng Tâm cho biết: “Gia đình anh chị Thu – Thứ vừa thuộc diện thoát nghèo, nay lại gặp khó khăn vì chồng mất tích nơi xứ người, vợ không có việc làm ổn định, là lao động tự do, ngày có việc, ngày không. Quá vất vả và hao tổn tinh thần nên cô Thu mới có 38 tuổi mà đã già xọm như người hơn 50. Hàng xóm và người thân đã hỗ trợ nhiều cho gia đình chị Thu để vượt qua hoàn cảnh khó khăn”.

Các cơ quan chức năng đang vào cuộc

Tháng 7.2014, chiến sự nổ ra ác liệt tại Libya, nơi có rất nhiều lao động Việt Nam đang làm việc và sinh sống. Theo Bộ LĐ TB&XH, sau gần 2 tháng chiến sự, có 1.758 trong tổng số 1.763 lao động Việt Nam làm việc tại Libya được đưa về nước, 2 lao động vẫn quyết tâm ở lại Libya làm việc và 3 lao động mất tích từ cuối tháng 7. Những lao động mất tích là anh Nguyễn Văn Nhâm (SN 1972, ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) sang Libya qua Trung tâm Xuất khẩu LĐ Simco Sông Đà; anh Trần Văn Thứ (SN 1975, ở huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) và anh Vũ Văn Hiệp (SN 1975, ở huyện Phú Lương, Thái Nguyên) do Cty CP Nhân lực và Thương mại Vinaconex (Vinaconex MEC) đưa đi.

Nhận được đơn của chị Thu, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngay sau khi nhận được thông báo của đại diện Vinaconex Mex tại Libya, thông báo về việc 2 lao động mất liên lạc, Cty đã có báo cáo đầy đủ đến các cơ quan chức năng, đồng thời thông báo về địa phương và gia đình, gặp gỡ chính quyền địa phương và gia đình người lao động để thông tin về sự việc trên. Cty cũng đã chỉ đạo đại diện của Cty tại Libya phối hợp với đối tác và các cơ quan đại diện của ta tại Libya phối hợp tìm kiếm thông tin. Trong thời gian qua, Cty trực tiếp đến gặp gỡ làm việc với gia đình người lao động và bước đầu đã hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn ban đầu, với tổng cộng số tiền là 50 triệu/gia đình.

Theo ông Trương Văn Đại - Phó Tổng Giám đốc Vinaconex Mex: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cơ quan ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Libya và các nước trong khu vực đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Libya tìm kiếm thông tin về những lao động này.

Về phần mình, Cty cũng đã phối hợp với đối tác để tìm kiếm thông tin. Cty thường xuyên liên lạc với cơ quan đại diện của ta để tìm kiếm thông tin về những lao động này. Khi nào nhận được thông tin cụ thể từ các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc phía đối tác, Cty sẽ thông báo cho gia đình người lao động. Việc thanh lý hợp đồng nhất thiết phải có mặt người lao động hoặc được người lao động uỷ quyền hợp lệ.

Là một Cty luôn đưa ra tôn chỉ tuân thủ pháp luật, nên Vinaconex Mec không buộc gia đình người lao động ký vào biên bản tạm thanh lý hợp đồng. Gần đây nhất, sau khi nhận được đơn thư của người nhà lao động gửi, ngày 13.4.2016, Cty đã cử đoàn cán bộ xuống địa phương và gia đình để gặp gỡ và lắng nghe những ý kiến từ phía gia đình anh Trần Văn Thứ…

Hiện nay, Vinaconex Mex vẫn tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm mục đích tìm kiếm thông tin về người  lao động, trong trường hợp lao động Trần Văn Thứ bị tuyên bố là mất tích hoặc có thông tin chính xác của cơ quan hưu quan, chúng tôi sẽ giải quyết quyền lợi của anh Thứ theo đúng quy định của pháp luật.

H.Duy – H.Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này