Dự thảo Nghị định còn trên giấy: Đã thấy băn khoăn

11:41 | 22/04/2016
Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ hỗ trợ sinh sản, lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi và mang thai hộ (MTH) vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu làm không cẩn thận, sẽ dễ dẫn tới tình trạng kẻ xấu lợi dụng “kẽ hở” của chính sách để trục lợi.
du thao nghi dinh con tren giay da thay ban khoan Sẽ rút gọn các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai
du thao nghi dinh con tren giay da thay ban khoan Để sống với giới tính thật vẫn phải chờ luật

Điều kiện bắt buộc

Theo dự thảo, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm là một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây: Cơ sở phụ sản, sản - nhi của Nhà nước từ tuyến tỉnh trở lên; bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa sản, khoa sản - nhi; bệnh viện chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa sản - nhi tư nhân; bệnh viện chuyên khoa nam học và hiếm muộn. Các cơ sở này phải bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự theo quy định. 

Điều kiện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật MTH vì mục đích nhân đạo phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong năm tối thiểu là 300 ca; chưa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; đáp ứng nhu cầu và bảo đảm thuận lợi cho người dân.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ hỗ trợ sinh sản, lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi và MTH vì mục đích nhân đạo (cơ sở kinh doanh dịch vụ) phải đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất của cơ sở được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải có bộ phận chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, hồi sức cấp cứu, xét nghiệm nội tiết sinh sản có thể cung cấp kết quả trong ngày; có đơn nguyên riêng cho việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm diện tích tối thiểu là 500m2 (kể cả lối đi) và các phòng sau đây: Tiếp đón người bệnh; khám nam, nữ; chọc hút noãn; lấy tinh trùng; lab nuôi cấy; siêu âm; xét nghiệm và lọc rửa tinh trùng đáp ứng các tiêu chuẩn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Bên cạnh đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ phải đáp ứng đủ điều kiện về trang thiết bị y tế của cơ sở được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

du thao nghi dinh con tren giay da thay ban khoan
Ảnh minh họa

Chia sẻ về việc dự thảo của Nghị định trong đó có quy định về dịch vụ hỗ trợ sinh sản, lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi và MTH vì mục đích nhân đạo, PGS.TS Nguyễn Văn An  – nguyên bác sĩ Khoa sản (Bệnh viện 103) cho biết, phải khẳng định đây là chính sách hết sức nhân đạo. Nhiều gia đình đã và đang đứng trước “bờ vực” của tan vỡ hôn nhân, nhưng nếu chính sách này ra đời, sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu, sự “mong mỏi” của họ.  

PGS.TS An cũng cho biết thêm, việc bán tinh trùng không chỉ bây giờ mới làm, mà trước đây nước ta đã thực hiện, nhưng không dùng danh từ thương mại là bán mà là hiến tinh trùng. Tuy nhiên, đã gọi là kinh doanh, dịch vụ thì phải có người bán và kẻ mua, vì vậy không thể tránh khỏi tình trạng có kẻ xấu lợi dụng “kẽ hở” của chính sách để trục lợi, đi ngược lại mục đích nhân đạo ban đầu.

Người trong cuộc nói gì?

Theo dự thảo, cơ sở kinh doanh dịch vụ hỗ trợ sinh sản, lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi và MTH vì mục đích nhân đạo phải đáp ứng yêu cầu về nhân sự của cơ sở được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm: Có văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đã được đào tạo về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (công nhận chứng nhận, chứng chỉ của cán bộ thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nếu được đào tạo ở nước ngoài, tại các cơ sở đủ tiêu chuẩn, được tổ chức đào tạo như điều kiện ở Việt Nam trở lên); có xác nhận đã trực tiếp thực hiện ít nhất 20 chu kỳ điều trị vô sinh bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Nói về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Bích Thủy (ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ: Vợ chồng chị cưới nhau 5 năm chưa có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi, nhưng vẫn không có hy vọng. Nếu có dịch vụ kinh doanh hỗ trợ sinh sản thì đây có thể nói là “bùa hộ mệnh” của anh chị. Tuy nhiên, theo như dự thảo Bộ Y tế cho phép cả những bệnh viện, cơ sở tư nhân (có đủ điều kiện) đứng ra kinh doanh dịch vụ này. Sợ rằng, khi đi vào hoạt động sẽ không tránh khỏi việc “loạn” bằng cấp hoặc có yếu tố nước ngoài... nguy hiểm hơn là xảy ra tình trạng “làm bừa” rất nguy hiểm. “Trước đây, nhiều cơ sở tư nhân mặc dù đã được cơ quan chức năng cấp phép, nhưng khi đi vào hoạt động vẫn vi phạm” – chị Thủy tỏ ra lo lắng.

Trong dự thảo của nghị định cũng quy định cụ thể về cơ sở kinh doanh dịch vụ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kỹ thuật MTH. Trường hợp cần thiết có thể kiểm tra bản chính, yêu cầu bổ sung các giấy tờ khác có liên quan, phỏng vấn trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan công an hỗ trợ. Bên cạnh đó, tổ chức lưu trữ thông tin về các trường hợp thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại cơ sở ít nhất 2 năm kể từ khi kết thúc đợt điều trị sau cùng; tổ chức lưu trữ thông tin, dữ liệu về các trường hợp cho, nhận tinh trùng, noãn, phôi và MTH vì mục đích nhân đạo trong ít nhất 20 năm, kể từ ngày kết thúc đợt điều trị sau cùng; chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ và về chuyên môn, kỹ thuật do cơ sở mình thực hiện.

Băn khoăn về điều này, chị Thanh Mai (ở đường Lê Đức Thọ - quận Cầu Giấy) cho rằng, việc MTH dù đã có những “ràng buộc” về mặt pháp lý. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nhờ người MTH (thực chất là thuê), nhưng khi sắp đến thời điểm sinh thì họ bỏ trốn hoặc “làm khó” người nhờ  MTH thì lúc đó dù có mang luật ra dọa cũng khó giải quyết. Tuy nhiên, theo PGS.TS An, nếu cứ nghi ngại thì người dân sẽ bỏ lỡ đi cơ hội để có con thậm chí có thể đánh mất hạnh phúc của gia đình. Vì nhiều cặp vợ chồng không có con hiện còn phải ra nước ngoài để tiến hành thụ tinh nhân tạo với chi phí rất cao, trong khi đó Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được. Còn với nhiều gia đình nghi ngại sợ việc MTH thì hiện nay, Bộ Y tế cho phép người MTH là người thân trong gia đình như: Chị mang thai hộ em, cô mang thai hộ cháu... như vậy sẽ làm giảm bớt rủi ro không đáng có. Còn nếu trường hợp không nhờ được người thân trong gia đình MTH thì người nời nhờ MTH khi làm hợp đồng với người MTH phải tiến hành đúng quy trình và đúng thủ tục pháp lý.

Thu Trang

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này