Lợn hơi ồ ạt xuất ngoại: Rủi ro với người chăn nuôi

09:01 | 22/04/2016
Thời gian gần đây, người chăn nuôi lợn như “mở cờ trong bụng” bởi giá lợn hơi xuất chuồng tăng do các thương lái ráo riết mua để xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nhìn lại việc xuất khẩu nông sản, thì việc xuất khẩu lợn hơi chớ vội mừng.
lon hoi o at xuat ngoai rui ro voi nguoi chan nuoi Hàng nghìn hộ chăn nuôi cam kết không sử dụng chất cấm

Ồ ạt thu mua lợn mỡ

Thời gian gần đây, thịt lợn hơi tại Hà Nội có dấu hiệu tăng giá. Cụ thể, hiện giá lợn hơi đứng ở mức 49.000- 52.000 đồng/kg, tăng 8-15% so với tháng trước. Nguyên nhân giá tăng là do các thương lái đang thu gom lợn hơi để xuất bán sang Trung Quốc.

Chủ trang trại nuôi lợn ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, các trang trại đang xuất lợn hơi siêu nạc giá bán khoảng 50.000 đồng/kg, còn giá lợn tại các công ty lớn như C.P (Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam) cao hơn, ở mức khoảng 52.000 đồng/kg. Phía Trung Quốc đang nhập lợn hơi với giá 63.000 - 65.000 đồng/kg, cao hơn mức giá trong nước khoảng 10.000 đồng/kg. Theo ông, nhu cầu của phía Trung Quốc rất lớn, gần như có bao nhiêu nhập bấy nhiêu. Do nhu cầu gom hàng đi Trung Quốc, nên giá lợn ở phía Bắc có lúc đẩy lên đến 54.000 đồng/kg, cao hơn dịp trước Tết tới 10.000 đồng/kg.

lon hoi o at xuat ngoai rui ro voi nguoi chan nuoi
Dẫu giá cao, người chăn nuôi vẫn nên cẩn trọng.

Một số hộ nuôi cho biết, thường thì những con lợn có trọng lượng lớn, mỡ nhiều, ít nạc rất khó bán, vì thị trường tiêu thụ kém. Nhưng không hiểu vì sao thời gian gần đây, loại lợn hơi này lại hút hàng. “Năm ngoái, tôi phải chạy đôn chạy đáo tìm thương lái bán đàn lợn (4 con, mỗi con trọng lượng hơn 100 kg), còn vừa rồi, thương lái vào tận chuồng mua, với giá ngang bằng lợn chất lượng tốt (từ 3,3-3,4 triệu đồng/100 kg) – chị Nguyễn Thị Sáu (Mỹ Đức) cho biết.

Về vấn đề này Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho hay, đây là thời điểm nguồn cung lợn Trung Quốc giảm sút và thiếu, nên họ tăng mua từ Việt Nam.

Bài học Thanh long

Rõ ràng đây không phải lần đầu tiên thương lái Trung Quốc thu mua sản phẩm của Việt Nam với số lượng lớn. Nhiều năm qua, dư luận xã hội, trong đó có những chuyên gia thuộc các lĩnh vực kinh tế, y tế, nông nghiệp, lâm nghiệp từng lên tiếng cảnh báo về tình trạng buôn bán nói trên của thương lái Trung Quốc. Đặc biệt, các chuyên gia cảnh báo chuyện thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua ốc bươu vàng – loại sinh vật được xem là đại họa của nông nghiệp – khiến nông dân lén lút nuôi để bán, làm mùa màng thất bát, được dẫn ra như bằng chứng rõ ràng nhất.

Người dân không nên thấy giá cao mà vào đàn ồ ạt lúc này. Nên tính toán chu trình chăn nuôi hợp lý, để khi có bất lợi, bà con vẫn có thể bán được lợn. “Nếu vào đàn ồ ạt lúc này, đến tháng 8, 9, 10 tới mới xuất bán, nhưng đó cũng là thời điểm mùa mưa bão ở Trung Quốc, lúc đó vận chuyển khó khăn, ngập lụt… lợn của ta không bán được, sẽ thiệt hại lớn” - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) Hoàng Thanh Vân.

Hay như theo phản ánh của báo chí gần đây, tại huyện Châu Thành – Long An được coi là “thủ phủ thanh long” phía Nam, vài năm trước chỉ có thanh long ruột trắng, nhưng mấy năm trở lại đây, người nông dân đua nhau trồng ruột đỏ vì thương lái Trung Quốc đặt hàng giá cao. Được biết, giá thanh long ruột trắng hiện hơn 10.000 đồng/kg, còn thanh long ruột đỏ khoảng 55.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo chia sẻ của người nông dân trồng thanh long, thì tuy giá thanh long ruột đỏ cao hơn nhiều lần so với thanh long ruột trắng, nhưng nếu xét về sản lượng thì thanh long ruột trắng cho sản lượng trái nhiều hơn gấp 2-3 lần ruột đỏ. Bên cạnh đó, trồng thanh long ruột đỏ tốn nhiều chi phí, chăm sóc cũng kỹ lưỡng, vất vả hơn nhiều so với trồng thanh long ruột trắng.

Trở lại câu chuyện thu mua lợn mỡ ồ ạt của thương lái Trung Quốc trong thời gian gần đây, nhiều người lo lắng về những bài học nhãn tiền của nông dân với Trung Quốc. Ban đầu, ở góc độ người chăn nuôi thì sẽ thấy mừng, vì nhờ thương lái mua thịt lợn đem xuất sang Trung Quốc đã giúp đầu ra dễ tiêu thụ sản phẩm, giá lợn tăng giúp nông dân có lãi. Trong khi đó, thương lái Việt Nam làm ăn với thương lái Trung Quốc thường không có hợp đồng rõ ràng, nên dễ bị động. Việc thu mua này dễ khiến cung - cầu không ổn định, có thể lặp lại tình trạng giống như các năm 2010, 2011, 2013. Khi đó, lợn thịt được thu gom ồ ạt để xuất khẩu sang Trung Quốc vào dịp cuối năm, gây nên cơn sốt giá thực phẩm trong nước khi nguồn cung sụt giảm. Sau đó, khi họ ngừng thu gom, thì giá lợn hơi giảm đột ngột, người chăn nuôi thua lỗ.

Nhận định về tình trạng này, ông Đoàn Xuân Trúc - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam - cũng cho rằng, nhìn dưa hấu, thanh long… có lúc dội biên đã lãnh hậu quả nhãn tiền. Nếu tiếp tục, chắc chắn một lúc nào đó sẽ xảy ra dư thừa. Đặc biệt, với động vật sống như heo trên 1 tạ mà dừng ở biên giới thì nguy to, nên phải hết sức thận trọng.

Khánh Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này