Thận trọng khi chăm sóc trẻ bị ốm

14:41 | 21/04/2016
Chăm sóc người lớn khi ốm đã khó, chăm sóc trẻ em khi ốm còn khó hơn nhiều. Các ông bố bà mẹ không thể xem thường mỗi khi trẻ gặp vấn đề về sức khỏe.
than trong khi cham soc tre bi om Uống sữa hết nửa tỉ, con vẫn còi dí
than trong khi cham soc tre bi om Trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh dạ dày

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy – Khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương), khi trẻ nhỏ bị sốt cấp tính, phụ huynh có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo liều lượng được chỉ định. Nên để trẻ mặc quần áo thoáng mát và cho trẻ uống nhiều nước.

Những sai lầm hay mắc phải khi trẻ sốt là người lớn ủ kín trẻ quá mức, cho trẻ mặc 2-3 áo, đóng hết cửa để tránh gió lùa vào và không cho trẻ tắm. Trẻ có thể vẫn tắm được, tuy nhiên nên cho trẻ tắm nước ấm để trẻ không cảm thấy khó chịu khi đang bị sốt.

than trong khi cham soc tre bi om
Khi trẻ ốm nếu không biết cách chăm sóc, tình trạng của trẻ trở lên tồi tệ hơn. (ảnh minh họa)

“Khi trẻ từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi bị sốt cao đột ngột có thể bị co giật. Thường những cơn co giật này kéo dài khoảng 1 phút và tự ngưng. Khi trẻ bị co giật, biểu hiện thường thấy là mắt trợn ngược lên hay đứng tròng, không biết gì, sùi bọt mép, tay và chân giật từng hồi liên tục.

Điều thiết yếu là cha mẹ phải thật bình tĩnh, để trẻ nằm nghiêng một bên để đờm nhớt có thể chảy ra ngoài và làm thông thoáng đường thở của trẻ. Có thể nhét thuốc hạ sốt vào hậu môn trẻ và lau ướt người trẻ bằng nước ấm. Chờ một hay vài phút cho trẻ hết co giật và thở đều trở lại rồi mang trẻ đến bệnh viện để khám bệnh.

Không nên cố cạy miệng trẻ ra và nhét một vật gì đó vào hay cạo gió và vắt chanh vào miệng trẻ. Hành động vắt chanh hay vắt nước sả vào miệng trẻ cực kỳ nguy hiểm, có thể gây sặc và làm trẻ tử vong” – Bác sĩ Thủy nhấn mạnh.

Khi trẻ bị ốm, cha mẹ thường có thói quen bắt trẻ nằm một chỗ, ít vận động vì sợ trẻ mệt. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thủy, đó là một sai lầm vì điều này sẽ càng làm cho bé mệt mỏi hơn. Thay vào đó, phụ huynh nên cho bé ra ngoài phòng khách, chỗ thoáng hay cho bé tựa người vào ghế mềm... bé sẽ cảm thấy mình dễ chịu hơn.

Khi con ốm, nhiều phụ huynh thường chiều con bằng cách cho con chơi điện thoại, chơi game để con không quấy khóc. Đó là những sai lầm cần loại bỏ ngay, bởi  khi con bị mệt đồng nghĩa với thị lực của con sẽ bị ảnh hưởng, việc cho con chơi game và video sẽ khiến con trở nên căng thẳng và mệt hơn.

Chuyên gia nhi khoa khuyến cáo: “Khi bé xem các chương trình truyền hình trên tivi hoặc chơi game trên điện thoại di động sẽ khiến bé chống chọi với cơn buồn ngủ để chơi chúng, điều này rất ảnh hưởng đến sức khỏe của bé vào lúc này”.

Bác sĩ Thủy cho hay, với những trường hợp trẻ tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt là tiêu chảy phân lỏng nước, thay vì việc tìm hiểu nguyên nhân, cha mẹ thường chạy ngay đến hiệu thuốc tây mua cho trẻ loại thuốc "cầm tiêu chảy" cho trẻ uống.

Họ không biết rằng một số thuốc cầm tiêu chảy có chứa chất giống thuốc phiện. Chất này có thể cầm tiêu chảy ngay, nhưng lại gây ngộ độc và tử vong cho trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Thực ra, bản thân tiêu chảy và ho là những phản ứng tốt của cơ thể để loại bỏ nhiều tác nhân nhiễm trùng nhiễm độc cho cơ thể. Điều quan trọng nhất là khi trẻ bị tiêu chảy cha mẹ nên cho trẻ uống dần dần nước bù tiêu chảy (có thể pha gói Oresol hay viên Hydrite) để bù lại việc nước bị mất.

Nếu trẻ không uống được các loại nước này thì có thể cho trẻ uống nước dừa tươi hoặc nước ép cà rốt. “Thường trẻ sẽ đi tiêu chảy khoảng 5-7 ngày và đa số tự hết. Trong thời gian này, cha mẹ nên theo dõi xem trẻ có bị mất nước không để đem đến cơ sở y tế khám ngay để kịp thời điều trị (các dấu hiệu cho thấy trẻ có thể bị mất nước là trẻ lừ đừ, mắt trũng và không có nước mắt, khô miệng lưỡi)” – Bác sĩ Thủy cho biết thêm.

Bác sĩ Thủy đưa ra nhiều ví dụ khác nhau về trường hợp do thiếu sự hiểu biết nên khi trẻ bị nhiều bệnh nhiễm trùng gây phát ban ngoài da khoảng vài ngày sau khi sốt như sởi, rubella, sốt xuất huyết...

Những sai lầm hay mắc phải khi trẻ phát những ban ngoài da này là nhiều bố mẹ nghe theo lời ông bà, hoặc theo thường lệ ngày xưa cha mẹ cũng được kiêng thế nên bắt trẻ phải "kiêng nước kiêng gió". Có người còn mua thuốc "Tiêu ban lộ" cho những ban này "lộ ra hết", sợ rằng "lậm" vào trong người thì bệnh càng kéo dài... Những cách chăm sóc như vậy thường làm trẻ bệnh nặng hơn.

Điều cần làm là cho trẻ tắm rửa bình thường, thậm chí có thể nhiều hơn bình thường nếu trẻ chơi làm bẩn người. Nên cho trẻ mặc đồ thoáng mát (không kiêng gió) và ăn uống bình thường. Nếu những nốt mụn nước thủy đậu có mủ vàng thì nên cho trẻ khám bệnh để điều trị bội nhiễm vi trùng.

Trang Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này