Chi tiêu tiết kiệm, không khó để tăng lương

11:17 | 06/11/2014
Vì chưa có kết luận cuối cùng từ Thủ tướng Chính phủ hay nghị quyết của Quốc hội (QH) về việc tăng hay không tăng lương tối thiểu theo lộ trình vào năm 2015, nên cử tri, giới công chức, viên chức, người về hưu vẫn đặc biệt quan tâm. Với tư cách là đại biểu QH, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng, cùng nhiều đại biểu đã trao đổi với PV Báo LĐTĐ về vấn đề này.

Theo ông Đặng Ngọc Tùng, cách đây không lâu Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp và đi đến thống nhất từ ngày 01/01/2015 lương tối thiểu trong hệ thống doanh nghiệp tăng từ 14,5% -15% so với hiện tại (cho cả 4 vùng). Hiện đang trình Chính phủ thông qua để thực hiện. Với khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước, Chính phủ đã có lộ trình tăng lương để đạt mục tiêu lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu. Đây cũng là một trong những nội dung thực hiện nghị quyết của Đảng và những quy định của Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2012.

Tuy nhiên, tờ trình về phân bổ ngân sách nhà nước năm 2015 vừa được trình Quốc hội (do Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng trình bày- PV) lại đề nghị không tăng lương theo lộ trình do nguồn ngân sách eo hẹp. Song khi thảo luận ở QH nhiều ý kiến đại biểu lại cho rằng, nếu chúng ta biết căn cơ, tiết kiệm chi tiêu thì chẳng khó để có mấy chục ngàn tỷ cho việc tăng lương. Tuy vậy, khi trả lời báo chí Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói, dẫu có cắt giảm các chi tiêu công cũng khó bù nổi tiền tăng lương vì bộ máy hành chính quá cồng kềnh.

Trước các ý kiến này quan điểm của ông Nguyễn Ngọc Tùng cho rằng: Trong Quốc hội có rất nhiều chuyên gia giỏi về tài chính, kinh tế cũng như về quản lý điều hành. Thế nên chắc chắn đã và sẽ có nhiều ý kiến hay, đóng góp cho Quốc hội để tìm ra giải pháp tối ưu điều hành ngân sách nhà nước năm 2015, sao cho vừa thực hiện được mục tiêu đầu tư phát triển vừa đảm bảo tăng lương theo đúng lộ trình.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Đặng Ngọc Tùng

Ví dụ, một số ý kiến đại biểu cho rằng, trong quản lý nhà nước, nếu năm 2015, chúng ta giảm các đoàn ra, đoàn vào, giảm tiếp khách, giảm các lễ khởi công, khánh thành, giảm các lễ hội tốn kém, giảm các cuộc hội thảo, hội họp không cần thiết trên quy mô toàn quốc để tiết kiệm tăng lương theo đúng lộ trình, kể cả sử dụng 14.000 tỷ còn dư từ nguồn cải cách tiền lương năm 2014. Đây là những ý kiến cần phải xem xét thấu đáo. Cá nhân ông Tùng cũng đề nghị không nên lùi lộ trình tăng lương, cần thật tiết kiệm, tính toán thật kỹ và giảm các khoản chi chưa cần thiết.

Nhất là các khoản chi như một số đại biểu đã nêu để đảm bảo lộ trình tăng lương cho người lao động, nhất là đối tượng chính sách, người về hưu. Nếu lương tối thiểu trả cho cán bộ công chức mà không bảo đảm được mức sống tối thiểu sẽ dễ dẫn đến các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, họ sẽ quay qua hành dân, gây khó dễ cho doanh nghiệp, họ vui vẻ nhận phòng bì “bôi trơn” để có thêm thu nhập và đó là nguồn gốc của hối lộ, tham nhũng. Còn nếu, thực sự ngân sách không kham nổi cho việc tăng lương, thì có lẽ cũng nên đặt vấn đề như một số đại biểu khác là phải xem xét điều chỉnh cho những đối tượng có hệ số lương thấp. Với câu chuyện bộ máy hành chính cồng kềnh, chúng ta đã nói nhiều và Chính phủ cũng đang thực thi chính sách cải cách bộ máy hành chính.

Với số lượng 139.000 cấp trưởng, cấp phó trong bộ máy hành chính nhà nước hiện nay, nếu lấy con số này nhân với hệ số lương, phụ cấp chức vụ thì ngân sách nào mà chịu nổi. Trong khi theo quy định của Chính phủ, mỗi cơ quan quản lý nhà nước chỉ từ 2-3 cấp phó, thì đa số các cơ quan hiện nay cấp phó đã lên tới 4- 7 người. Để hạn chế ngân sách nhà nước, nhiều quốc gia rất hạn chế cấp phó, ví một bộ có muốn thêm một thứ trưởng, họ cũng phải đưa ra Quốc hội xin ý kiến, còn mình cứ vin vào công việc quá nhiều, cấp trưởng không kham nổi nên cứ đề xuất cấp phó hoài. Đây cũng chính là sự lãng phí ngân sách.

ĐB Trần Đình Nhã
(Thừa Thiên Huế)

Tiền lương được xác định là một trong những nhân tố làm tăng năng suất lao động. Trong lúc nước ta năng suất lao động thấp thì đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển. Nếu có điều kiện, chúng ta xử lý ngân sách để nâng lương cho cán bộ công chức, cải thiện đời sống làm sao cho tiền lương đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động, của cán bộ công chức. Tăng lương giải quyết hai vấn đề là tăng năng suất lao động và giải quyết vấn đề xã hội, hạn chế tham nhũng.

ĐB Bùi Sỹ Lợi  
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội

Nếu nói ngân sách khó khăn mà không quan tâm cải thiện đời sống cán bộ công chức là không ổn. Cần thiết thì phải tính toán lại, siết khoản nào, cắt khoản nào để có khoảng 40.000 tỷ đồng dành tăng lương.

Tôi không đồng tình với ý kiến rằng, giờ cán bộ làm việc thiếu hiệu quả, năng suất thấp nên không thể tăng lương. Chất lượng thấp không phải do cán bộ hoàn toàn, căn bản là do công tác tổ chức nhân sự, bộ máy nhà nước mà ra. Bộ máy nhà nước phải tinh gọn, hiệu quả hơn. Đi học 5 - 7 năm, rồi đi làm về hưởng lương hơn 3 triệu đồng/tháng thì làm sao mà sống. Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải tính toán lại, tổ chức bộ máy khoa học hơn, phân cấp rõ ràng, tinh gọn bộ máy nhà nước. Tối thiểu lương cán bộ công chức phải 10 triệu đồng/ tháng mới đủ sống, mới đủ điều kiện xây dựng gia đình.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm
(TP Hồ Chí Minh)

N. Tuấn- T. Giang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này