Xã Thái Hòa (Ba Vì): Phải “đợi” nước sạch đến bao giờ?

10:54 | 07/04/2016
Từ nhiều năm nay, người dân xã Thái Hòa (huyện Ba Vì, Hà Nội) vẫn sống trong tình trạng thiếu nước sạch. Nhu cầu thiết yếu bỗng trở thành xa xỉ với người dân nơi đây. Cái cảnh không sợ đói bằng sợ thiếu nước, tìm mọi cách chống khát nhất là vào mùa khô vẫn kéo dài đằng đẵng với họ.
phai doi nuoc sach den bao gio Tạm dừng việc ký kết hợp đồng liên quan đến DA cấp nước sông Đà giai đoạn 2
phai doi nuoc sach den bao gio Nước sạch có... giun ở Hà Nội: "Sự việc hết sức nghiêm trọng!"

Giàu, nghèo đều... khổ

Xã Thái Hòa nằm cách trung tâm huyện Ba Vì 7km về phía Tây Bắc, dọc theo tuyến quốc lộ 32, có cây cầu Trung Hà nối với tỉnh Phú Thọ và các tỉnh phía Bắc. Tổng diện tích tự nhiên toàn xã 562,58 ha. Bên cạnh điều kiện kinh tế- xã hội còn gặp nhiều khó khăn, thì toàn xã đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch dùng cho sinh hoạt.

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Thái Hòa, hiện xã có 2.092 hộ thì có trên 1.000 hộ triền miên sống trong cảnh thiếu nước tới 7-8 tháng. Mặc dù vào năm 2011, huyện Ba Vì đã lập và được UBND TP phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 4 xã Thái Hòa, Phú Sơn, Cẩm Lĩnh, Vật Lại bị mất đất phục vụ Dự án Mở rộng Nghĩa trang Yên Kỳ và các xã vùng lân cận huyện Ba Vì.

phai doi nuoc sach den bao gio
Nhiều con sông, hồ ở xã Thái Hòa bị ô nhiễm, bốc mùi do người dân xả chất thải trực tiếp.

Dự án có tổng kinh phí hơn 358 tỉ đồng, ngân sách TP hỗ trợ 90%, huyện Ba Vì 10%, chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I, tổng mức đầu tư 169,593 tỉ đồng. Ngày 1.12.2012, dự án chính thức khởi công xây dựng, và dự kiến đến 31.11.2013 hoàn thành... Thế nhưng, đến nay rất nhiều người dân ở xã Thái Hòa vẫn “khát” nước.

Trao đổi với PV, một số người dân tỏ ra ngán ngẩm: “Giờ phải tự cứu lấy mình, không thể ngồi im mà trông chờ mãi được.” Ông Bùi Sỹ Hoa ở Thái Hòa cho biết: “Tôi phải bỏ ra hơn 30 triệu đồng để xây cái bể 17 mét khối. Với cái bể chứa hứng nước mưa này, cả gia đình hoàn toàn có thể trụ được hết mùa khô".

Chủ tịch UBND xã Thái Hòa Trần Lê Minh cho biết: “Lý do người dân vẫn phải sống trong cảnh chờ nước sạch mỏi mòn ngày này qua tháng khác là bởi 2 mắt xích- chính quyền và đơn vị thi công chưa thật sự ăn khớp. Lãnh đạo xã thì không hề nhận được thông tin chi tiết từ những người chỉ đạo dự án. Họ cứ đến… rồi làm, chúng tôi chỉ biết thế, rồi thông báo cho người dân là sắp có nước sạch về cho bà con phấn khởi thôi.” .

Những gia đình có điều kiện thì còn có tiền xây bể tích nước mưa, nhiều hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có tiền xây bể, chạy ăn từng ngày thì luôn trong tình cảnh "khát nước". Chạy “nước” còn khổ hơn, còn khó khăn hơn. Bà Phùng Thị Lan (thôn Phú An) than thở: "Nhà tôi nghèo lấy đâu tiền mà mua nước để ăn? Lại càng không có tiền xây bể chứa nước. Hằng ngày, việc tắm giặt lôi nhau ra sông hết. Nước giếng để dành ăn uống thôi".

Nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt ở xã Thái Hòa từ lâu đã được xác định là do người dân sống ở các đồi gò cao nên khi đào giếng khơi hầu như không có nước. Những hộ ở dưới triền đồi, nước giếng khơi vừa cạn, vừa ô nhiễm nên không sử dụng được. Nhiều hộ đã tìm đến nguồn nước ngầm dưới lòng đất.

Tuy nhiên, bây giờ không còn ai mạo hiểm đào giếng nữa. Vì có đào cũng không có nước. Có nhà đào sâu 60 mét, thậm chí cả trăm mét khoan cũng không có giọt nước nào. Chi phí cho mỗi chiếc giếng đào là không nhỏ, có cái lên tới 40- 50 triệu đồng.

Ở Thái Hòa, nhà nào sở hữu 1 cái giếng có nước coi như có được mỏ vàng trong nhà. Nhưng cái “mỏ vàng” ấy lại cũng lẫn lộn cả thau. Ông Chu Bá Hoạt than thở: "Giếng có nước thật đấy, nhưng cũng không được sạch sẽ cho lắm, ngả hết màu vàng đây. Mà có nước cũng chỉ hút giới hạn, hút lâu cạn cháy máy ngay. Tuần nào chẳng phải đi sửa máy bơm!".

Phú An một trong những thôn có điều kiện kinh tế khá của xã. Nơi đây nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, nhưng oái ăm thay, sự tiện nghi lại không tỉ lệ thuận với điều đó. Nói với chúng tôi, ông Phùng Văn Việt cho hay: "Cứ có nhà cao tầng là bắt buộc phải mua nước. Bởi nhà nào cũng có công trình phụ, tự hoại. Nếu không mua lấy nước đâu sinh hoạt”.

Còn thờ ơ, nước sạch vẫn xa vời!

Khi chúng tôi đề cập đến câu chuyện, “tại sao người dân ở đây thiếu nước sạch cho sinh hoạt trong thời gian dài thế?” Chủ tịch UBND xã Thái Hòa Trần Lê Minh cho biết: “Lý do người dân vẫn phải sống trong cảnh chờ nước sạch mỏi mòn ngày này qua tháng khác là bởi 2 mắt xích- chính quyền và đơn vị thi công chưa thật sự ăn khớp.

Lãnh đạo xã thì không hề nhận được thông tin chi tiết từ những người chỉ đạo dự án. Họ cứ đến… rồi làm, chúng tôi chỉ biết thế, rồi thông báo cho người dân là sắp có nước sạch về cho bà con phấn khởi thôi” .

Được biết, ngày 22.2.2016 UBNDTP đã phê duyệt Dự án Cung cấp Nước sạch nông thôn Ba Vì với tổng kinh phí gần 200 tỉ đồng.

Theo tiến độ xây dựng, dự án thực hiện trong 2 năm (2016 - 2017) và hoàn thành vào quý IV/2017, qua đó đảm bảo cung cấp nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho nhân dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn 7 xã Thái Hòa, Đồng Thái, Phú Sơn, Vật Lại, Cẩm Lĩnh, Chu Minh, Đông Quang và một số xã lân cận thuộc huyện Ba Vì; tạo cho người dân có ý thức sử dụng nước sạch, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương; từng bước thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Thái Hòa, nếu không có sự thống nhất để đẩy nhanh tiến độ giữa chủ đầu tư và các cấp chính quyền, cũng như sự sâu sát của cán bộ các cấp sở, ngành, địa phương thì “ngày người dân được sử dụng nước sạch dồi dào vẫn còn rất xa!”.

Quỳnh Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này