Xung quanh chỉ số CPI của Hà Nội cao hơn TP.Hồ Chí Minh:

Giải nút thắt để có mặt bằng giá phù hợp

11:19 | 07/04/2016
Theo báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2015 của Tổng cục Thống kê công bố mới đây, TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) có chi phí sống rẻ hơn Hà Nội đến 2,16 %.
giai nut that de co mat bang gia phu hop Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2016 tăng 0,57%
giai nut that de co mat bang gia phu hop CPI tháng 02 tăng 0,42%

Từ giá cả dịch vụ và nhà đất

Theo Tổng cục Thống kê, dịch vụ là một trong những lĩnh vực khiến cho chỉ số CPI của Hà Nội cao hơn TP.HCM. Minh chứng cho vấn đề này, chị Minh Trang - nhân viên Công ty cổ phần hội chợ và Quảng cáo Vinexad (Đinh Lễ - Hà Nội) chia sẻ: “Mặc dù làm việc ở trung tâm, nhưng hầu như ngày nào mình cũng mang cơm ở nhà đi để ăn trưa.

Ở khu vực này, trung bình một suất cơm bình dân từ 30.000 – 35.000 đồng/suất; thậm chí ngon  hơn chút lên tới 40- 50 ngàn đồng suất. Tôi được biết, TP.HCM giá chỉ khoảng 20 ngàn đồng/suất là ăn được”. Tương tự, giá một ly cà phê ở Hà Nội cũng cao hơn 5- 10 ngàn đồng so với TP. HCM.

giai nut that de co mat bang gia phu hop
Người dân mong muốn giá cả phải phù hợp với thu nhập của họ.

Không chỉ dịch vụ ăn uống, giá cả phòng ốc (khách sạn) và chi phí du lịch ở Hà Nội cũng cao hơn TP. HCM. Trao đổi với Lao động Thủ đô, bà Phạm Bích Ngọc – Phó Giám đốcVietrantour thừa nhận:  “Chi phí sinh hoạt trên không gian (SCOLI) ở Hà Nội cao hơn TP. HCM được biểu thị trong lĩnh vực du lịch là tình hình giá dịch vụ cơ sở lưu trú, nhà hàng, vận chuyển hành khách tại TP.HCM rẻ hơn so với Hà Nội”.

Cụ thể,  theo so sánh chi phí vận hành tour ở hai thành phố thì giá cơ sở lưu trú (khoảng 3 sao trở xuống), nhà hàng ở TP. HCM thường rẻ hơn dịch vụ tương đương ở Hà Nội từ 5 – 10%, giá vận chuyển hành khách thậm chí rẻ hơn từ 10 – 15% và TP. HCM cũng sở hữu lợi thế nhiều đường bay thẳng đến các điểm quốc tế hơn Hà Nội.  Chính  việc chênh lệch chi phí giá sinh hoạt giữa hai thành phố Hà Nội và TP. HCM cũng dẫn đến sự chênh lệch chi phí giá dịch vụ du lịch mặt đất giữa hai thành phố.

Còn giá đất khỏi phải nói, dẫu thời điểm này giá bất động sản ở Hà Nội đã không còn nóng, song theo khảo sát của các công ty tư vấn thì giá bất động sản ở Hà Nội vẫn còn chênh lệch so với TP.HCM khoảng 15-20% thậm chí còn hơn thế.

Giải nút thắt để CPI giảm dần

Lý giải câu chuyện  chỉ số giá tại  Hà Nội có sự chênh lệch với TP. HCM, một số người làm kinh doanh dịch vụ cho rằng, đó là hệ quả của  gánh nặng về chi phí mặt bằng (thuê mặt bằng) dẫn đến việc giá cả bị đội lên so với thực tế. Lý giải này  không hoàn toàn có cơ sở khoa học.

Theo báo cáo, thu nhập bình quân đầu người của TP. Hà Nội 2015 hơn 70 triệu đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2010. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 đưa con số này lên gần 150 triệu đồng/người. Còn theo báo cáo của UBNDTP. HCM năm 2015 GDP trên đầu người đạt 5.538 USD hơn 120 triệu đồng/năm). Tuy nhiên, ở góc độ giá cả hiện tại, mặt bằng giá ở Hà Nội đang cao hơn TP. HCM.

Cụ thể, báo cáo của Bộ Tài nguyên- Môi trường  với Chính phủ về  khung giá đất trung bình của Hà Nội cao hơn TP.HCM. Đấy mới là khung giá do UBNDTP quy định, còn từ khung giá đến giá thương mại chênh nhau rất cao.

Ví dụ, tại các tuyến phố trung tâm Hà Nội, giá một mét vuông dao động 350 – 600 triệu đồng, còn TP. HCM chỉ khoảng 150 đến 500 triệu đồng/m2. Giá đất cao, dẫn đến giá thuê cao và giá thuê cao đương nhiên khiến giá các loại dịch vụ bán phải cao hơn.

Bên cạnh đó, không kể yếu tố cước vận chuyển từ các tỉnh về Hà Nội thường cao hơn các tỉnh về TP. HCM.  Lý do theo ông Vũ Vinh Phú -  Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng:  “Hiện nay, hệ thống phân phối ở Hà Nội phát triển còn ở trình độ thấp cả về số lượng và chất lượng.

Về nguồn hàng phục vụ cho tiêu dùng hàng ngày như gạo, thịt, cá, rau quả, thủy hải sản... chủ yếu là từ ở các thành phố phía Nam. Trong khi ở phía Bắc chỉ có khoảng 30%. Như vậy cho thấy chi phí vận chuyển những mặt hàng này đã cộng thêm từ 5% - 10%  khiến giá đến tay người tiêu dùng bị đội lên”.

Còn trên khía cạnh, “ý thức” kinh doanh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng đề cập đến tình trạng nhập nhèm về giá cả khi cho rằng, Hà Nội vẫn duy trì cách làm ăn còn chịu ảnh hưởng bởi bao cấp, ở nhiều nơi hàng hóa không công khai giá mà chỉ công khai ở siêu thị.

Cũng theo ông Phong, để khắc phục tình trạng này, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các chương trình bình ổn giá cần tập trung vào việc tổ chức nguồn hàng theo chuỗi đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, liên kết vùng, liên kết sản xuất phân phối. “Nếu không có giải pháp quyết liệt, khoảng cách sẽ càng bị đẩy xa” – ông Phong nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nhìn vào bức tranh chỉ số giá của hai thành phố, để giá cả trên địa bàn Hà Nội phù hợp với thu nhập, đồng lương của đại bộ phận dân cư, vấn đề có tính quyết định là làm thế nào để hạ giá bất động sản xuống đúng giá trị của nó. Khi giá bất động sản về đúng giá trị dẫn đến giá thuê mặt bằng nói riêng và giá các loại dịch vụ khác sẽ giảm theo.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này