Ký ức về đường Hùng Vương

21:46 | 05/04/2016
Giờ đây, đường Hùng Vương là một trong những con đường đẹp nhất của Thủ đô Hà Nội.
ky uc ve duong hung vuong Gom kỷ niệm ở "Ký ức Hà Nội"
ky uc ve duong hung vuong Tái hiện “Ký ức Hà Nội”

Đường Hùng Vương bắt đầu từ phố Quán Thánh đến phố Nguyễn Thái Học, dài 1.180m. Trước đây khi còn tòa thành Thăng Long (đời Nguyễn) con đường này là mặt thành phía Tây. Những lần xây dựng quảng trường Ba Đình đã tìm thấy móng thành bằng gạch vồ chạy dọc đường Hùng Vương. Giữa đường là cửa “Chính Tây Môn” còn gọi cửa Quảng Phúc. Năm 1835, cửa thành bị xây bịt đi. Phía sau tường thành cửa Tây là các kho gạo, kho tiền của thành Hà Nội cùng trại quân Hữu Doanh, Thần cơ và tàu voi.

ky uc ve duong hung vuong
Đường Hùng Vương.

Năm 1882, quân Pháp đánh Hà Nội lần thứ 2. Chúng xông vào cướp hết tiền, gạo và ở lại đóng quân trong thành. Các trại lính cũ của ta chúng làm nơi nhốt lừa, ngựa. Kho gạo, kho tiền được sửa lại làm bệnh viện cho quân lính. Năm 1885-1887, lính Pháp chết trận nhiều lại thêm dịch tả hoành hành, chúng phải quây một khu đất rộng đầu đường Hùng Vương làm nghĩa trang cho lính Pháp.

Năm 1895, Pháp phá tường thành khai quang khu phía Tây. Năm 1901, chúng xây Phủ Toàn quyền đồ sộ, bề thế cho tương xứng với địa vị dinh thự Thủ hiến Đông Dương. Trước mặt phủ Toàn quyền là một bãi đất rộng đầy sỏi cát, không cây cối. Đây là nền cũ của kho gạo, kho tiền. Bãi đất hoang vu ấy có tên quảng trường Tròn (Pugininer).

Con đường chạy giữa Phủ Toàn quyền và quảng trường Tròn được người Pháp đặt tên là đại lộ Brie red I’Isbe.

Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp, Phủ Toàn quyền rơi vào tay Nhật và trở thành Dinh Toàn quyền của Nhật.

Sau khi Nhật giao toàn bộ việc quản lý hành chính cho người Việt, ngày 20.7.1945, bác sĩ Trần Văn Lai - một nhân sĩ trí thức yêu nước của Hà Nội, căm ghét bọn thực dân Pháp xâm lược từng bị giặc Pháp giam cầm gần 2 năm tại nhà tù Sơn La và nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) được mời ra làm Đốc lý Hà Nội - tương đương với chức thị trưởng thành phố, đã thẳng tay xóa bỏ các tên Pháp của những vườn hoa, phố xá Hà Nội.

Theo đó, quảng trường Tròn (Puyginie) đổi thành quảng trường Ba Đình. Đại lộ Briè red I’Isle thành đường Hùng Vương.

Hùng Vương là tên người con trưởng nối ngôi Vua Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy vợ là Âu Cơ đẻ ra trăm trứng là Tổ của Bách Việt. Hùng Vương đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời. Triều đại dài tới 2.622 năm (từ năm 2879 đến năm 258 trước Công nguyên). Hùng Vương là những thủ lĩnh của người dân Việt Nam thời kỳ dựng nước.

Ngày 2.9.1945, hàng chục vạn người từ khắp các ngả đường nô nức kéo về quảng trường Ba Đình dự cuộc mít tinh chào mừng Chính phủ lâm thời ra mắt đồng bào, lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Với ý chí sắt đá, với tinh thần kiên trì và bền bỉ, với sự tin tưởng tuyệt đối trung thành, toàn dân tộc sau 30 năm gian nan đã giành lại toàn vẹn non sông đất nước như lời Bác Hồ nhắn nhủ tâm huyết: Các “Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ  lấy nước”. Con đường Hùng Vương với một không gian rộng rãi, thoáng đãng, trong lành. Hai bên đường là hai hàng cây chò nâu từ đất Tổ Hùng Vương mang về trồng, biểu tượng cho nền độc lập, tự do vĩnh hằng.

Nơi đây có Phủ Chủ tịch. Nơi đây có quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi diễn ra sự kiện ra đời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nơi tổ chức những ngày lễ kỷ niệm Quốc khánh, những cuộc mít tinh lớn...

Trên đường Hùng Vương, nơi đây ngày 29.8.1975, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Công trình khởi công ngày 02.9.1973 trên vị trí của lễ đài cũ, nơi an nghỉ vĩnh hằng của Bác. Vật liệu xây dựng lăng được nhân dân cả nước quy tụ về. Gỗ quý miền Nam, Trung Bộ, Tây Nguyên, Thanh Hóa. Đá quý đủ màu sắc của vùng núi Bắc bộ, Trung Bộ. Khắp cả diện tích khu lăng đều trồng những loài cây đưa từ nhiều địa phương trên đất nước về.

Giờ đây, đường Hùng Vương là một trong những con đường đẹp nhất của Hà Nội, trái tim của cả nước. Hằng ngày, nhất là những ngày chủ nhật, ngày lễ, Tết, dòng người nườm nượp chảy về đây như máu chảy về tim vào Lăng viếng Bác để thanh lọc tâm trí, chân thành lắng nghe lời nhắn nhủ tâm huyết của Bác:

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước
  Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lê Nhật Tăng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này