Xúc cảm về 4 “thủ lĩnh” kiến tạo Lao động Thủ đô

09:33 | 31/03/2016
Nhân kỷ niệm 23 năm ngày báo LĐTĐ ra số đầu, tôi được Ban Biên tập phân công phỏng vấn và  viết về các thế hệ Tổng Biên tập của báo, những người đã để lại nhiều dấu ấn trong sự phát triển chung của tờ báo. 
Khai mạc Hội khỏe Hội nhà báo TP. HN mở rộng lần thứ 21
Báo Lao động Thủ đô bổ nhiệm thêm cán bộ
Ra mắt phiên bản mới Báo Điện tử Lao động Thủ đô

Trong quá trình 23 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua 4 đời Tổng Biên tập, những dấu ấn của các “thủ lĩnh” ở mỗi thời kỳ đã và đang tạo nên diện mạo, sức sống của tờ báo là không thể không ghi nhận

Xúc cảm về 4 “thủ lĩnh” kiến tạo Lao động Thủ đô
TBT đầu tiên Nguyễn Thành Văn và TBT đương nhiệm Lê Thị Bích Ngọc (thứ 3 và thứ 4, từ trái sang) tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 của Báo Lao động Thủ đô.

TBT Nguyễn Thành Văn

Người “thủ lĩnh” đầu tiên luôn đau đáu với nghề

Tôi may mắn có một thời gian ngắn là “quân” của ông khi về thực tập tại Báo Lao động Thủ đô vào quý đầu của năm 1999. Ngày đó, Báo Lao động Thủ đô mặc dù mới 6 tuổi, nhưng đã là “cái nôi” đào tạo rất nhiều lớp sinh viên báo chí trước khi bước vào làm nghề thực thụ. Vì thế, qua bao năm, những ấn tượng về ông trong tôi đến giờ vẫn còn tươi mới - một vị TBT mẫn cán, luôn quan tâm, sát sao đến tổ chức Công đoàn và người lao động.

Mặc dù thời gian về nghỉ hưu của ông cũng đã xấp xỉ bằng thời gian giữ trọng trách TBT của Báo LĐTĐ, thế nhưng rất khó để ai đó bắt được cái “bệnh” già của vị thủ lĩnh đầu tiên ấy.

Nhân dịp kỷ niệm 23 năm ngày thành lập báo, tôi đến gặp ông để mong được ông chia sẻ về một thời dựng xây báo LĐTĐ, thế nhưng ông lại lảng tránh kể về những việc mình đã làm được cho tờ báo.

Ví như việc ông rời một tờ báo lớn (báo Nhân Dân), chấp nhận khó khăn, về chung tay với lãnh đạo, cán bộ LĐLĐ TP. Hà Nội xây dựng bản tin Công đoàn thành tờ báo của tổ chức Công đoàn Thủ đô và người lao động, …

Ông lại say sưa thổ lộ về một vệt bài mà ông nung nấu cần phải viết. Đó là chuỗi bài về những chuyện ở cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Ngày đó, ông là phóng viên báo Nhân Dân xông pha truyền tin trận này, nên còn rất nhiều tư liệu hay, phải viết đến tận 8 kỳ mới đầy đủ được, nhưng do bận nhiều việc nên đã bỏ lỡ. “Đành để năm sau, vào dịp 38 năm Chiến tranh biên giới 1979 vậy” - ông nói.

Ông bảo, làm báo bây giờ thuận tiện hơn thời ông nhiều. Ngày trước, cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa có mạng; làm gì có máy tính; phóng viên, lãnh đạo đều phải viết bằng tay, trong khi đó, văn phòng chật chội, nhân sự mỏng mà đa phần lại không học đúng chuyên ngành báo chí. Khó khăn là thế, nhưng được sự quan tâm vào cuộc của LĐLĐ thành phố, của các thành viên trong tòa soạn và sự ủng hộ của các cấp công đoàn, nên tờ báo cũng đã có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

“Từ tờ báo tháng 2 kỳ, mỗi kỳ 8 trang rồi đến 1 kỳ /tuần - 16 trang và đến bây giờ là tuần 3 kỳ, lại có báo điện tử nữa; văn phòng khang trang, điều kiện làm việc tốt,… đó là sự phát triển đáng tự hào của Lao động Thủ đô. Tôi rất mừng vì thấy LĐTĐ đã “thay da đổi thịt” sánh vai cùng các tờ báo trong đội ngũ báo chí Thủ đô. Tôi thật sự xúc động vì các TBT kế nhiệm đã luôn nỗ lực vì sự phát triển của tờ báo. Qua bao khó khăn, thăng trầm chung của làng báo mà LĐTĐ vẫn khẳng định được vị thế là tôi mừng” - ông chia sẻ.

TBT Nguyễn Đắc Trịnh

Khó quên tình cảm ấm áp của cán bộ Công đoàn

Chia tay vị TBT đầu tiên, tôi lại ghé thăm nhà nguyên TBT thứ 2 của LĐTĐ - nhà báo Nguyễn Đắc Trịnh. Có mặt từ những ngày đầu thành lập báo, kinh qua nhiều vị trí, nhà báo Nguyễn Đắc Trịnh là người kế nhiệm giữ trọng trách TBT tiếp theo, sau khi TBT Thành Văn về nghỉ chế độ.

Như một cơ duyên, sau 7 năm làm việc ở một tờ tạp chí đầu ngành của giới văn nghệ sĩ, làm truyền thông ở một tập đoàn, tôi lại trở lại Báo Lao động Thủ đô làm “quân” của ông. Tôi nhớ mãi ngày còn thực tập ở LĐTĐ, khi đó nhà báo Nguyễn Đắc Trịnh là Thư ký tòa soạn, sau khi đọc bài viết của tôi về Xí nghiệp May xuất khẩu Thanh Trì, ông gọi tôi đến, chỉ vào mấy đường gạch con chữ và thay từ “thị trường” bằng “thương trường”…, bài báo đã nâng lên tầm khác.

Ông bảo, làm báo cần phải biết nâng tầm con chữ để nhấn mạnh vấn đề cần nhấn, không thể nghĩ gì viết nấy được. Từ đó, cách dùng câu chữ của tôi cũng trưởng thành hơn lên.

Ông chia sẻ với tôi, ông thực may mắn vì được làm ở một tờ báo có đối tượng độc giả lớn - người lao động, mà người lao động thì đủ mọi tầng lớp, vị trí - từ lãnh đạo đến công nhân, nhân viên, từ già tới trẻ,…Vì thế, bản thân có điều kiện để lăn xả với nghề hơn.

Ông kể, trước khi về LĐTĐ, ông đã từng công tác ở báo khác. Thế nhưng, nói về kỷ niệm làm báo thì đúng là chỉ có ở LĐTĐ. Đó là sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống Công đoàn với tờ báo ở những ngày đầu thành lập. “Tôi không quên được hình ảnh hối hả, tấp nập của các cán bộ Công đoàn Thủ đô đến tòa soạn lấy báo đi phát hành, thậm chí có người còn đến đợi từ tờ mờ sáng để lấy báo.

Sự ấm áp và yêu quý tờ báo như vậy khiến cho những người làm báo - từ lãnh đạo đến phóng viên, nhân viên của LĐTĐ luôn thấy mình có trách nhiệm với từng trang báo, bài viết. Số lượng phát hành vì thế cũng tăng lên theo cấp số nhân.” - vị TBT thứ 2 của LĐTĐ cho biết.

Thì ra, bao năm trôi qua, ông vẫn vậy. Sự chân chất của một nhà báo luôn trăn trở cho từng câu chữ không thay đổi. Ông bảo, trước những khó khăn của làng báo và sự bùng nổ của công nghệ thông tin cùng sự khủng hoảng kinh tế, LĐTĐ vẫn đứng vững là quả là điều không đơn giản. Điều đó ông cho rằng, các thế hệ TBT kế nhiệm đã rất bản lĩnh, không ngừng nỗ lực để xây dựng tờ báo lớn mạnh như hôm nay.

Xúc cảm về 4 “thủ lĩnh” kiến tạo Lao động Thủ đô
TBT Lê Thị Bích Ngọc triển khai kế hoạch phát triển Báo tại Hội nghị cán bộ công chức Báo Lao động Thủ đô 2015.

Q.TBT Nguyễn Thị Minh Hạnh

Người “thủ lĩnh” đi qua “tâm bão”

Là người kế nhiệm, giữ vị trí người đứng đầu thứ 3 của LĐTĐ đúng vào đỉnh điểm khó khăn của nền kinh tế, với sự đóng băng của thị trường bất động sản - một thị trường có tác động lớn đến các ngành kinh tế khác, báo chí được nhận định là khó khăn nhất từ trước đến giờ, số lượng phát hành giảm rõ rệt.

Thế nhưng, với thời gian công tác còn lại ít ỏi, 2 năm, vị “thủ lĩnh” ấy đã luôn trăn trở, nỗ lực không ngừng để tìm đường đi phù hợp cho LĐTĐ. Bà đã khơi dậy được tình đoàn kết trong toàn thể CB, PV, NV; chiếm trọn được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo thành phố, cơ quan chủ quản,… cùng tập thể LĐTĐ để đi qua “tâm bão”, xây dựng báo điện tử phát triển tốt hơn, đặc biệt là khởi đầu việc xây dựng cho LĐTĐ một cơ ngơi khang trang, tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho mọi người trong tòa soạn.

Nhắc đến báo LĐTĐ, bà nở một nụ cười đôn hậu. Bà bảo, ấn tượng về LĐTĐ là sự hài hòa về nhân sự của mỗi thời kỳ, sự đoàn kết trong BBT, trong CB, PV, NV; sự ủng hộ của các cấp Công đoàn, của cơ quan chủ quản, của lãnh đạo thành phố… Đó chính là một trong những thành công của tờ báo.

Đến bây giờ, theo bà, thế mạnh này được người kế nhiệm đang phát huy rất tốt, không phải tờ báo nào cũng có được.

TBT đương nhiệm Lê Thị Bích Ngọc

Vị thuyền trưởng với sức sáng tạo không ngừng

Từng trưởng thành từ cương vị phóng viên của Báo LĐTĐ, TBT Lê Thị Bích Ngọc thấu hiểu rất rõ nỗi vất vả cũng như áp lực của “quân” mình. Vì thế, sau 5 năm rời LĐTĐ tới làm TBT một tờ báo khác, chị lại quay trở về vào giữa năm 2014, giữ trọng trách cao nhất của tờ báo. Chị luôn vận động và sáng tạo không ngừng với mong ước cùng tập thể cán bộ phóng viên, trên nền tảng vững chắc của tờ báo mà các thế hệ lãnh đạo đi trước để lại, tiếp tục phát triển báo LĐTĐ thành một trong những tờ báo mạnh trong làng báo, xứng đáng là tiếng nói của tổ chức Công đoàn và CNVCLĐ.

“Tôi thật sự cảm ơn sự vào cuộc, “chung lưng đấu cật” của tất cả cán bộ, Phóng viên, nhân viên của báo, cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ của cơ quan chủ quản, lãnh đạo thành phố, các cấp Công đoàn,… Đó chính là điều kiện, sự động viên, tạo động lực lớn cho tôi làm việc không biết mệt mỏi” - đồng chí TBT đương nhiệm chia sẻ.

Thương Huế

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này