Hội thảo phát triển Chính phủ điện tử

20:23 | 30/03/2016
Dưới sự chủ trì của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp cùng Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc gia về chính phủ điện tử 2016
Microsoft chung tay đẩy mạnh phát triển Chính phủ Điện tử
Khai mạc Hội thảo quốc gia về an ninh bảo mật

Hội thảo được tổ chức sáng nay, ngày 30.3 tại Khách sạn Melia, Hà Nội. Hội thảo thảo luận chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử: Hạ tầng hiện đại, dịch vụ công thông minh, tăng cường minh bạch và gắn kết công dân”.

Hội thảo phát triển Chính phủ điện tử

Được tổ chức lần đầu vào năm 2003, trải qua 13 năm triển khai, Hội thảo – Triển lãm Quốc gia về Chính phủ điện tử đã trở thành diễn đàn quốc gia lớn và uy tín nhất tại Việt Nam về những dự án cải cách Chính phủ điện tử được triển khai bởi khối Chính phủ và doanh nghiệp cũng như thảo luận xây dựng các giải pháp nhằm đảm bảo Chính phủ điện tử sẽ phát triển một cách hiệu quả và toàn diện nhất.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của bộ máy nhà nước là nhiệm vụ cấp thiết cho sự phát triển của Chính phủ điện tử trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, lộ trình ứng dụng CNTT trong phát triển Chính phủ tại Việt Nam hiện đang gặp phải nhiều khó khăn thách thức như hạ tầng CNTT còn hạn chế khiến việc ứng dụng CNTT còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng dẫn đến chỉ số phát triển CNTT-TT năm 2015 của Việt Nam chỉ xếp thứ 102/167, tụt 8 bậc so với năm 2014 (Theo khảo sát của Liên hiệp Viễn thông Quốc tế năm 2015).

Hội thảo phát triển Chính phủ điện tử

Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT phát triển chính phủ điện tử hơn bao giờ hết, vào ngày 14/10/2015 vừa qua, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử với kỳ vọng nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, phục vụ người dân cũng như doanh nghiệp tốt hơn cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế hội nhập.

Theo đó, phấn đấu xây dựng mạng lưới dịch vụ công trực tuyến hoàn thiện 100% đến năm 2017 là một trong những nhiệm vụ trọng yếu cần triển khai. Một trong những mấu chốt cho sự phát triển ứng dụng CNTT trong chính phủ điện tử là xây dựng hạ tầng CNTT và bảo đảm an ninh thông tin. Hạ tầng xây dựng tốt, đáp ứng được các nhu cầu sử dụng với chi phí hợp lý là bài toán đang được quan tâm hiện nay.

Bên cạnh đó, an toàn thông tin cũng là vấn đề mang ý nghĩa sống còn trong lộ trình ứng dụng CNTT khi mà tình hình mất an toàn thông tin diễn ra trong những năm gần đây đang diễn biến phức tạp với Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử là diễn đàn uy tín hàng đầu, nơi các nhà lãnh đạo cấp cao đến từ các cơ quan ban ngành Chính phủ và các
chuyên gia công nghệ có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ và thảo luận về những giải pháp CNTT toàn diện giúp khối Chính phủ nâng cao năng lực vận hành và quản lý Nhà nước.

Cùng với phát triển Chính phủ điện tử thì xây dựng thành phố thông minh cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm đã và đang được triển khai. Trong khi đô thị hóa toàn cầu đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng thì việc ứng dụng CNTT trong xây dựng thành phố thông minh được coi như một giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán quản lý đô thị và phát triển kinh tế- xã hội, điển hình như những thách thức về giao thông và y tế.

Thực tế hiện nay cho thấy rằng hạ tầng giao thông (HTGT) tại Việt Nam tuy được chú trọng đầu tư nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa cao. Bình quân đầu tư vào HTGT của Việt Nam từ năm 1995 đến nay vào khoảng 4-5% trên tổng số GDP, trong khi nhiều nước chỉ đạt 2-3%. Nhận thức được vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây đã chính thức đưa ra “Giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số” với kỳ vọng sẽ giải quyết được bài toán giao thông phức tạp hiện nay.

Song song với giao thông, y tế cũng có những hoạt động đáng chú ý khi mà kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT giai đoạn 2016-2020 được Bộ Y tế phê duyệt với 33 dự án triển khai với vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vào đầu tháng 2 năm 2016, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ chính thức được triển khai với các cơ sở khám, chữa bệnh. Tất cả những điều này đã phần nào thể hiện rõ nỗ lực cũng như quyết tâm của Bộ y tế trong phát triển ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phục vụ dân sinh.

Thu Hương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này