WHO: Ebola không còn là mối đe dọa y tế toàn cầu

22:10 | 31/03/2016
Tổng giám đốc tổ chức Y tế Thế giới WHO vào ngày 29/3 đã tuyên bố đại dịch Ebola không còn là mối đe dọa đối với y tế toàn cầu.
Nguy cơ Ebola tái phát trên cơ thể người khỏi bệnh
Liên hợp quốc tuyên bố Mali đã thoát khỏi dịch Ebola
Nguy cơ từ 4 đại dịch bệnh

Bệnh do virus Ebola (EVD) hay sốt xuất huyết Ebola (EHF) là bệnh do virus Ebola gây ra ở người. Các triệu chứng thường khởi phát sau khi bị nhiễm virus từ 2 ngày đến 3 tuần như: Sốt, đau họng, đau bắp cơ, và nhức đầu. Sau đó thường xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, nôn ói, và tiêu chảy, kèm theo các chức năng gan và thận cũng bị suy giảm.

Dịch Ebola bắt đầu bùng phát vào năm 2014 tại Tây Phi và hoành hành mạnh mẽ tại các vùng Guinea, Liberia và Sierra Leone khiến khoảng 11.300 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, hôm qua 29/3, Tiến sĩ Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO sau cuộc gặp với các chuyên gia độc lập về Ebola đã đưa ra tuyên bố rằng đại dịch Ebola không còn là mối đe dọa lớn đối với nền y tế toàn cầu nữa.

WHO: Ebola không còn là mối đe dọa y tế toàn cầu
Tiến sĩ Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO vào ngày 29/3 đã tuyên bố đại dịch Ebola không còn là mối đe dọa y tế toàn cầu (ảnh Time)

"Đại dịch Ebola ở Tây Phi không còn là một vấn đề y tế công cộng khẩn cấp cần sự quan tâm quốc tế (PHEIC)", bà Chan khẳng định trong một cuộc họp báo tại trụ sở WHO ở Geneva.

Tuyên bố này đã chấm dứt gần tình trạng khẩn cấp kéo dài 20 tháng về dịch bệnh Ebola. Tổng giám đốc WHO cũng cho biết Ủy ban Khẩn cấp của WHO cũng kêu gọi các quốc gia gỡ bỏ mọi hạn chế về đi lại du lịch và thương mại đến 3 khu vực có liên quan, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này, bao gồm Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Tuy nhiên, WHO cũng khuyến cáo cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục đề cao cảnh giác, đặc biệt là các quốc gia, khu vực Tây Phi và đảm bảo khả năng phòng ngừa dịch Ebola hiệu quả nhất.

Tiến sĩ Margaret Chan nhấn mạnh: "Tuy nhiên, cảnh giác ở mức độ cao và khả năng phản ứng phải được duy trì để đảm bảo khả năng của các quốc gia trong việc ngăn ngừa nhiễm Ebola, cũng như nhanh chóng phát hiện, ứng phó trước sự bùng phát có thể xảy ra trong tương lai".

Đại dịch Ebola đã dấy lên báo động đỏ toàn cầu vào giữa năm 2014. Khi đó, tổ chức Y tế Thế giới WHO đã rung lên hồi chuông khẩn cấp cảnh báo các quốc gia về tình trạng cũng như hệ quả của đại dịch này.

Tuy nhiên, đại dịch Ebola bùng phát cũng đã khiến cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc phải hứng chịu những lời chỉ trích nặng nề, trong bối cảnh các chính phủ và cơ quan cứu trợ dốc hết sức để ngăn chặn dịch bệnh.

Đinh Tâm dịch từ Time

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này