Xét xử vụ tranh chấp lao động tại Trung tâm Y tế Dệt-May:

Có vi phạm thủ tục tố tụng?

16:40 | 29/03/2016
Theo đơn khởi kiện của ông Hoàng Mạnh Hùng (ở số 33 Giang Văn Minh, phường Kim Mã, quận Ba Đình - Hà Nội), Trung tâm Y tế Dệt-May (gọi tắt là TTYTDM - Bộ Công Thương) đã chấm dứt HĐLĐ trái luật, không đảm bảo quyền lợi của người lao động (NLĐ). Tại phiên tòa xét xử vụ án cho thấy có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng dân sự.
Phía sau tranh chấp

Nội dung đơn khởi kiện của ông Hùng có nội dung: Từ tháng 10.1990 đến tháng 9.1999, ông Hùng công tác tại Bệnh viện Mỏ thiếc Sơn Dương (Sơn Dương, Tuyên Quang) sau đó chuyển sang công tác tại Trung tâm Y tế đường sông Tiền Châu (Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc). Tháng 7.2002, ông Hùng chuyển sang làm việc tại Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chứcnăng khu vực phía Bắc. Từ tháng 10.2005, ông Hùng làm việc tại Bệnh viện GTVT phía Bắc. Tháng 8.2007, ông Hùng chuyển tới TTYTDM làm bác sĩ bộ phận chẩn đoán hình ảnh thuộc phòng khám đa khoa, làm việc cho tới ngày 21.3.2013. Tổng thời gian công tác tại TTYTDM là 5 năm 8 tháng.

Có vi phạm thủ tục tố tụng?
Trung tâm Y tế Dệt-May.

Trong thời gian làm việc, ông Hùng luôn chấp hành đúng pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và nội quy của cơ quan. Ngày 8.1.2013, ông Hùng gửi đơn cho TTYTDM đề nghị chấm dứt HĐLĐ trước hạn, thời gian chấm dứt HĐLĐ vào ngày 21.3.2013. Tuy nhiên, ngày 9.5.2013, Giám đốc Trung tâm mới ban hành quyết định về việc chấm dứt HĐLĐ với ông Hùng kể từ ngày 9.5.2013, trong đó ghi lý do là ông Hùng tự ý nghỉ, không đến làm việc từ ngày 21.3.2013. Trong quyết định không có điều khoản quy định về trợ cấp thôi việc mà ông Hùng được hưởng khi chấm dứt HĐLĐ. Thực tế, TTYTDM không chi trả bất cứ khoản trợ cấp nào cho ông Hùng khi chấm dứt HĐLĐ. Tính đến khi chấm dứt HĐLĐ, ông Hùng đã có thời gian làm việc 22 năm 5 tháng… Ngày 25.9.2015, TAND quận Hai Bà Trưng mở phiên tòa xét xử vụ án, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Hùng, buộc TTYTDM phải thanh toán cho ông Hùng số tiền trợ cấp thôi việc và số tiền chậm trả của số tiền đó, tổng cộng là 4.488.631 đồng. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận yêu cầu của ông Hùng buộc TTYTDM phải thanh toán số tiền bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp không được nhận do lỗi của Trung tâm vì đã hết thời hiệu khởi kiện.

Theo luật sư Phạm Ngọc Minh - người bảo vệ quyền và lợi ich hợp pháp cho ông Hùng: Việc TAND quận Hai Bà Trưng không xem xét giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Hùng là không có căn cứ và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự.

Theo luật sư Phạm Ngọc Minh - người bảo vệ quyền và lợi ich hợp pháp cho ông Hùng: Việc TAND quận Hai Bà Trưng không xem xét giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Hùng là không có căn cứ và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự. Tại phần “Xét thấy” của Bản án số 02/2015/LĐ-ST, TAND quận Hai Bà Trưng nhận định: “Đối với yêu cầu của nguyên đơn buộc TTYTDM phải thanh toán cho nguyên đơn tiền trợ cấp thất nghiệp lẽ ra được nhận là 6 tháng x 60% x 4.977.000 đồng = 17.917.200 đồng do lỗi cố ý không thực hiện ra quyết định chấm dứt HĐLĐ; xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Phía TTYTDM không chấp nhận thanh toán khoản tiền này do xác định không có lỗi. HĐXX xét thấy yêu cầu của nguyên đơn buộc TTYTDM phải thanh toán khoản tiền này trong vụ kiện này, Tòa án không xem xét giải quyết, vì đã hết thời hiệu khởi kiện (quá 6 tháng kể từ ngày phát sinh tranh chấp 21.3.2013), Khoản 4 Điều 167 Bộ luật Lao động”. Thời điểm ông Hùng nộp đơn khởi kiện là ngày 14.1.2014, phải áp dụng thời hiệu khởi kiện theo Bộ luật Lao động năm 2012 (có hiệu lực từ ngày 1.5.2013). Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012 thì thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 1 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm”.

“Do đó, TAND quận Hai Bà Trưng căn cứ vào Khoản 4 Điều 167 Bộ luật Lao động năm 1994 tính thời hiệu khởi kiện là 6 tháng đối với yêu cầu của ông Hùng là áp dụng sai quy định của pháp luật. “TTYTDM phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho ông Hùng số tiền trợ cấp thất nghiệp mà ông Hùng đáng lẽ được hưởng, ông Hùng đã bổ sung trong đơn bổ sung đơn khởi kiện. Ngày 10.7.2014, TAND quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định thụ lý vụ án, cơ quan này cũng chưa từng từ chối yêu cầu khởi kiện bổ sung. Trong các buổi hòa giải, yêu cầu này cũng được đưa vào trong các nội dung hòa giải giữa các bên. Do đó, việc TAND quận Hai Bà Trưng đưa ra lý do thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu này đã hết là sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” - luật sư Minh khẳng định.

Phía nguyên đơn cũng không đồng ý với nhận định của TAND quận Hai Bà Trưng chỉ buộc Trung tâm Y tế Dệt-May phải thanh toán cho ông số tiền trợ cấp thôi việc là 3.732.750 đồng, và lấy căn cứ mức trợ cấp thôi việc này để tính lãi chậm trả đối với số tiền trợ cấp thôi việc chậm trả kể từ 20.4.2013. Ông Hùng đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận Hai Bà Trưng. Hy vọng quyền lợi của NLĐ sẽ được tòa xem xét thấu tình đạt lý.

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này